Tranh cãi kết quả thi đấu ở giải bơi học sinh Hà Nội: Nhiều ý kiến đề nghị công khai clip chuyên dụng

Giải bơi học sinh Hà Nội năm học 2024-2025 khép lại với nhiều ý kiến phản ánh bất cập trong điều hành, chấm thi và xử lý khiếu nại, gây lo ngại về tính minh bạch.

Hình ảnh cắt ra từ clip ghi lại vận động viên Phạm Đăng Nguyên chạm tay vào thành bể bơi trước đối thủ về nhì.

Hình ảnh cắt ra từ clip ghi lại vận động viên Phạm Đăng Nguyên chạm tay vào thành bể bơi trước đối thủ về nhì.

Giải bơi học sinh thành phố Hà Nội năm học 2024-2025, diễn ra từ ngày 24 đến 26/4 tại bể bơi bốn mùa Hoàng Mai, là hoạt động thể thao thường niên nhằm rèn luyện thể chất và phát triển năng khiếu cho học sinh.

Tuy nhiên, ngay sau khi giải đấu kết thúc, nhiều phụ huynh, vận động viên và huấn luyện viên đã phản ánh đến Báo Nhân Dân về những bất cập trong công tác điều hành, chấm thi và xử lý khiếu nại, khiến dư luận băn khoăn về sự công bằng, minh bạch của giải đấu dành cho lứa tuổi học đường.

Tranh cãi kết quả, đề xuất công khai clip chuyên dụng để minh bạch

Theo đơn kiến nghị của anh Phạm Hải Đăng (trú tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội), phụ huynh của vận động viên Phạm Đăng Nguyên, học sinh Trường trung học cơ sở Linh Đàm, đại diện quận Hoàng Mai tham gia cho biết, trong lượt bơi chung kết nội dung 50m tự do nam lứa tuổi 14-15 vào chiều 24/4, em Nguyên về đích ở vị trí thứ ba với thành tích được công bố là 27 giây 26, kém vận động viên về nhì với cách biệt đúng 0,01 giây.

Điều khiến gia đình và nhiều phụ huynh khác không khỏi bức xúc là các clip ghi lại từ nhiều góc máy khác nhau do chính phụ huynh, huấn luyện viên và khán giả quay đều cho thấy rõ ràng em Nguyên chạm tay vào thành bể trước đối thủ về nhì. Sự chênh lệch hoàn toàn có thể nhận biết bằng mắt thường tại hiện trường.

Ngay sau lượt thi, đại diện đoàn quận Hoàng Mai lập tức gửi đơn khiếu nại đến ban tổ chức, đề nghị được đối chiếu lại kết quả với clip từ máy quay chuyên dụng. Tuy nhiên, đến ngày 25/4, trong cuộc họp giữa ban tổ chức và đại diện đoàn quận, kết quả vẫn được giữ nguyên mà không cung cấp clip chuyên dụng để đối chiếu. Đến ngày 26/4, anh Đăng tiếp tục gửi đơn kiến nghị tới ban tổ chức và các cơ quan chức năng để đề nghị làm rõ vụ việc.

Ông Hoàng Đình Phúc, Phó Trưởng đoàn bơi quận Hoàng Mai, cho biết: "Ngay sau khi kết thúc ngày thi, Ban tổ chức đã nhận được đơn khiếu nại về thành tích thi đấu từ đoàn quận Hoàng Mai và đã phối hợp hội đồng chuyên môn cùng xem lại hình ảnh từ camera chuyên dụng của giải đấu".

Ông Phúc cũng cho biết thêm, hiện nay sau quá trình rà soát, các bên đã tiến hành ký biên bản xác nhận kết quả. Đáng lưu ý, Ban tổ chức khẳng định chỉ sử dụng hình ảnh từ hệ thống camera chính thức của giải để làm căn cứ xác minh, các clip do khán giả hoặc huấn luyện viên tự quay sẽ không được chấp nhận.

Theo quy định hiện hành trong điều lệ giải, thành tích thi đấu chỉ được công nhận và phân định qua thiết bị đo chuyên dụng, clip từ camera chính thức và quyết định của tổ trọng tài. Tuy nhiên, việc không công khai dữ liệu clip cho phía khiếu nại kiểm tra chéo, dù chỉ để tham khảo, đã khiến dư luận đặt dấu hỏi lớn về tính minh bạch của giải đấu.

Liên quan đến vụ việc, được biết chiều 21/5/2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã gửi Thông báo số 1734/SGDĐT-TTr về kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị của ông Phạm Hải Đăng. Ban tổ chức đã tổ chức họp, xem lại clip từ camera chuyên dụng của giải vào ngày 25/4/2025 với sự tham dự của đầy đủ thành phần theo quy định, trong đó có đại diện đoàn quận Hoàng Mai.

Sau khi xem lại và trao đổi, các bên đã thống nhất giữ nguyên kết quả thi đấu. Sở cũng cho biết, với môn bơi tự do, việc xác định thành tích phải dựa vào trọng tài và hệ thống đo chuyên dụng, các hình ảnh camera chỉ là dữ liệu tham khảo hỗ trợ.

Từ đó, Sở khẳng định công tác giải quyết phúc khảo của Ban tổ chức đã được thực hiện đúng quy định và chính thức thông báo kết quả tới phụ huynh.

Bình luận về công tác ghi hình và xử lý khiếu nại tại Giải bơi học sinh thành phố Hà Nội năm học 2024-2025, anh Thế Phương, bình luận viên thể thao kỳ cựu từng công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, cho biết: “Camera kỹ thuật dùng để xác định thứ hạng về đích của vận động viên phải được đặt đúng vị trí cố định, trên chân máy, ngang đích và tuyệt đối không rung lắc. Tuy nhiên, qua buổi làm việc trực tiếp ngày 5/5/2025 tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khi tôi cùng xem lại clip kỹ thuật của ban tổ chức, tôi nhận thấy camera được cầm tay quay, thường xuyên lia từ giữa bể đến đích với góc chéo và vị trí đặt lệch khoảng 1-2m về phía giữa bể. Cách quay này không bảo đảm độ chính xác khi các vận động viên về đích với khoảng cách sít sao, chênh lệch chỉ vài phần trăm giây. Nếu không có thiết bị quay chuẩn và vị trí đặt đúng chuẩn mực thi đấu, kết quả rất dễ sai lệch và gây tranh cãi, đặc biệt tại các giải đấu phong trào mà điều kiện cơ sở vật chất và nghiệp vụ kỹ thuật còn hạn chế như hiện nay”.

Theo các chuyên gia thể thao và pháp lý, vụ việc trên bộc lộ hàng loạt bất cập đáng lưu ý trong công tác tổ chức và điều hành giải phong trào cho học sinh phổ thông tại Hà Nội:

Thứ nhất, điều lệ giải quy định rõ máy quay chuyên dụng là căn cứ duy nhất để xử lý khiếu nại, song lại thiếu quy định về quyền tiếp cận dữ liệu này của đoàn tham gia. Chính khoảng trống này đã khiến quyền lợi của vận động viên bị ảnh hưởng mà không có cơ chế giám sát, phản biện cần thiết.

Thứ hai, quy trình xử lý khiếu nại còn khép kín, thiếu công khai, minh bạch. Khi có phản ánh từ vận động viên và phụ huynh, thay vì tổ chức đối thoại công khai với sự tham dự của các bên liên quan, ban tổ chức chỉ làm việc nội bộ, rồi công bố kết quả một chiều mà không đối thoại với phía khiếu nại.

Thứ ba, công tác trọng tài và điều hành thi đấu thể thao học sinh cũng cần được rà soát kỹ hơn về năng lực chuyên môn, kinh nghiệm và đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp. Trong một giải đấu học sinh, công bằng và minh bạch phải là yếu tố tối thượng. Bất kỳ sự chênh lệch nào về kết quả cũng ảnh hưởng lớn tới tâm lý, niềm tin và động lực của vận động viên nhí và gia đình.

Từ sự việc này, dư luận và nhiều chuyên gia thể thao bày tỏ lo ngại về những dấu hiệu tiêu cực tiềm ẩn có thể nảy sinh trong các giải đấu phong trào học sinh nếu không kiểm soát tốt công tác tổ chức.

Một số huấn luyện viên tham gia giải cho biết, tại một số nội dung thi, thành tích vận động viên xuất sắc nhưng không được công nhận đúng thực tế. Việc công khai dữ liệu và xử lý khiếu nại còn chưa thật sự bảo đảm sự khách quan, minh bạch, dẫn đến băn khoăn trong dư luận.

Việc tuyệt đối từ chối tiếp nhận hình ảnh do khán giả ghi lại, không tổ chức kiểm tra đối chiếu công khai với các bên liên quan trước những phản ánh bức xúc của phụ huynh dễ dẫn đến tâm lý nghi ngờ về tính minh bạch, tạo dư luận không tích cực. Đây là vấn đề cần các cơ quan chức năng rà soát, làm rõ để bảo đảm sự công bằng và minh bạch cho vận động viên học sinh.

Tính pháp lý và quyền bảo vệ của vận động viên

Trao đổi về tình huống này, Luật sư Nguyễn An Bình (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: "Theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Luật Thể dục, Thể thao sửa đổi năm 2018, các tổ chức, cá nhân tổ chức giải thể thao quần chúng có trách nhiệm bảo đảm an toàn, công bằng, minh bạch cho các vận động viên tham gia thi đấu. Bên cạnh đó, Luật Thanh tra năm 2022 cũng quy định trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc tiếp nhận, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thể dục, thể thao. Ngoài ra, theo Nghị định số 43/2025/NĐ-CP, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Sở Văn hóa và Thể thao các địa phương có trách nhiệm giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thể dục thể thao, bao gồm các giải phong trào học sinh".

Luật sư Bình nhận định: “Điều lệ giải là văn bản pháp lý ràng buộc tất cả các bên tham gia. Khi điều lệ quy định clip chuyên dụng là căn cứ duy nhất để xác định thành tích, thì khi xảy ra tranh chấp, cần cho bên khiếu nại tiếp cận dữ liệu để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Nếu từ chối, dễ làm phát sinh nghi ngờ về tính minh bạch”.

Ông cũng nhấn mạnh thêm: “Trong các giải đấu thể thao, đặc biệt là môn bơi, nơi thành tích được phân định chỉ bằng phần trăm giây thì việc công khai, minh bạch dữ liệu kỹ thuật như hình ảnh từ máy quay chuyên dụng là hết sức cần thiết để bảo đảm quyền lợi vận động viên và giữ uy tín cho giải đấu. Việc từ chối cho bên khiếu nại tiếp cận dữ liệu hoặc không tổ chức đối thoại trực tiếp dễ tạo ra tâm lý hoài nghi, ảnh hưởng tới tinh thần thi đấu của các em nhỏ và niềm tin của phụ huynh, khán giả. Các giải phong trào cho học sinh càng cần được tổ chức nghiêm túc, đúng chuẩn, bởi đây không chỉ là nơi phát triển năng khiếu mà còn là môi trường giáo dục về sự trung thực, công bằng và đạo đức thể thao cho thế hệ trẻ”.

Để những sân chơi học đường thật sự công bằng và lành mạnh

Từ vụ việc trên, thiết nghĩ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cần tiến hành rà soát lại toàn bộ quy trình tổ chức các giải thể thao học sinh, đặc biệt là khâu xây dựng điều lệ, quy định tiếp cận dữ liệu khiếu nại và công khai hóa dữ liệu kỹ thuật khi có tranh chấp.

Bên cạnh đó, cần tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho tổ trọng tài; tăng cường kiểm tra, giám sát các giải đấu phong trào để ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực.

Việc tổ chức các sân chơi thể thao học đường là rất cần thiết nhằm phát triển thể chất, tinh thần và bồi dưỡng năng khiếu cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, để những sân chơi này thực sự trong sáng, công bằng, đòi hỏi sự nghiêm túc từ khâu tổ chức, điều hành, trọng tài đến xử lý khiếu nại.

Những vụ việc như tại Giải bơi học sinh thành phố Hà Nội không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý, niềm tin của vận động viên và gia đình mà còn làm giảm uy tín của giải đấu và hình ảnh thể thao học đường Thủ đô.

Rất cần các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện quy trình tổ chức và xử lý khiếu nại tại các giải đấu học sinh, để bảo đảm môi trường thể thao công bằng, lành mạnh cho các em nhỏ; đồng thời sớm hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, giải quyết khiếu nại một cách minh bạch, công khai và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của vận động viên để những sân chơi học đường thực sự trở thành nơi rèn luyện, bồi dưỡng phẩm chất, ý chí, nghị lực cho thế hệ tương lai.

Báo Nhân Dân sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc diễn biến tiếp theo của sự việc này.

HÀ CƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tranh-cai-ket-qua-thi-dau-o-giai-boi-hoc-sinh-ha-noi-nhieu-y-kien-de-nghi-cong-khai-clip-chuyen-dung-post880823.html