Tranh cãi 'nảy lửa' chuyện sửa nghị định xăng dầu

Doanh nghiệp, chuyên gia đều mong muốn nghị định xăng dầu hướng đến thị trường hóa, trong đó, xem xét lại việc cấm thương nhân phân phối mua bán với nhau. Trong khi đó, đại diện Vụ Thị trường trong nước giải thích 'xăng dầu là mặt hàng có điều kiện'.

Cuộc tọa đàm ngày 16/10 về "Cơ chế kinh doanh và an ninh năng lượng trong lĩnh vực xăng dầu" diễn ra "căng thẳng" với những màn đối đáp thẳng thắn của các chuyên gia, doanh nghiệp xung quanh vấn đề thị trường hóa xăng dầu.

Nghị định xăng dầu "vượt" cả luật?

Cuộc tranh luận bắt đầu "nóng" với loạt câu hỏi bỏ ngỏ của ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam.

"Kinh doanh xăng dầu là kinh doanh có điều kiện, vậy các quy định ở nghị định đối với kinh doanh xăng dầu có được vượt qua các luật không?… Tôi cảm giác như các nhà hoạch định đang nhầm lẫn, đưa ra điều kiện có thể là cao hơn luật, thậm chí là không phù hợp với luật… Thế nhưng họ cho là không sai, mà giải thích là do đây là ngành kinh doanh có điều kiện. Vậy, kinh doanh "có điều kiện" mà chúng ta đưa ra có cần phải hợp luật không?

Vị chuyên gia cũng đặt vấn đề, thị trường hóa thể hiện ở đâu trong cải tổ hệ thống xăng dầu.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam.

"Chúng ta đưa ra điều kiện yêu cầu các doanh nghiệp phải đạt được để tham gia vào thị trường. Vậy họ đã đủ điều kiện rồi thì không nên quy định những việc như 'ông này phải mua của ông kia, ông kia không được mua của ông này'. Người ta đã đủ điều kiện kinh doanh rồi, sao còn hạn chế?", ông Bảo nhấn mạnh.

Ông Hoàng Trung Dũng, một thương nhân phân phối cũng nói thẳng "lỗ do thị trường, nhưng một phần do cơ chế chính sách".

Theo ông Dũng, nút thắt nằm ở vấn đề chiết khấu thấp, khiến doanh nghiệp bán lẻ càng bán càng lỗ. Thực tế, thời gian vừa qua đã có nhiều cửa hàng đóng cửa, bán lại cửa hàng do kinh doanh không hiệu quả.

"Khi giá biến động, đầu mối lỗ sẽ bóp chiết khấu và giảm cung, thương nhân phân phối, bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp", ông Dũng nói và nhấn mạnh, bất cập và lo ngại nhất là nếu nghị định mới không cho thương nhân phân phối được mua lẫn nhau, vậy khi tất cả đầu mối đều lỗ thì mua của ai?

Phản hồi lại, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương gay gắt yêu cầu ông Dũng phải chỉ ra doanh nghiệp lỗ do cơ chế cụ thể là ở đâu? Và nếu do thị trường thì ở dâu?

Bà Hiền cũng cho hay, thị trường xăng dầu đang được điều hành với mục tiêu theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN. "Điều hành xăng dầu là đa mục tiêu nên cũng khó khăn cho chúng tôi trong quá trình xây dựng, điều hành kinh doanh xăng dầu', bà Hiền nói.

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương.

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương.

Về chiết khấu, bà Hiền cho hay, chi phí để cấu thành giá thành xăng dầu đang điều hành theo giá tối đa và doanh nghiệp được bán thấp hơn giá này, không vượt qua giá này.

"Chúng tôi xây dựng là phải tính đúng, tính đủ các chi phí. Công thức giá đã được liên bộ quy định rõ trong Thông tư 103, 104 và Nghị định 80 năm 2023.

Ví dụ, chi phí cấu thành, hiện đã tiệm cận giá thế giới - có nghĩa, giá đầu vào đã sát giá thế giới. Còn chi phí nhập khẩu hàng hóa về cảng, đã được cập nhật 1 tháng 1 lần, thay vì 6 tháng như trước; chi phí kinh doanh định mức hiện 3 tháng cập nhật 1 lần, thậm chí thời điểm giá thay đổi liên tục thì cập nhật 1 tháng 1 lần.

Với cách tính trên, bà Hiền nói thẳng "sao lúc chiết khấu cao không kêu là cao mà khi chiết khấu giảm lại kêu". Bà giải thích, cơ quan quản lý không can thiệp vào chiết khấu mà hoàn toàn là yếu tố thị trường và rất linh hoạt.

Tại dự thảo mới Bộ Công thương đề xuất, Nhà nước công bố các yếu tố hình thành giá (gồm giá sản phẩm xăng dầu thế giới, premium bình quân 7 ngày/lần) để doanh nghiệp tự quyết định giá, kê khai giá và thông báo giá về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giám sát.

Giá bán xăng dầu sẽ được xác định bằng chi phí tạo nguồn và chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức cộng thuế giá trị gia tăng. Điều đáng chú ý lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh sẽ được quy định rõ con số theo báo cáo từ các doanh nghiệp đầu mối.

"Doanh nghiệp phải được tự do mua bán"

Trước những ý kiến trái chiều trên, ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, hiện chúng ta đã ở giai đoạn có đủ các điều kiện để hội nhập vào thị trường.

"Vì thế, doanh nghiệp phải được tự do mua bán, phải cạnh tranh hoàn hảo 'trăm người bán, vạn người mua', chứ còn trên thị trường, chỉ có người bán thôi, và chỉ có đi mua thôi, thì đấy không phải thị trường", ông Cường nhấn mạnh, đã nói thị trường nhưng lại giới hạn thì sẽ là kinh tế thị trường bị sai lệch, kể cả việc mua của nhà sản xuất, luật không ai quy định cấm kiểu này.

Khi thị trường hóa, theo vị đại biểu Quốc hội, sẽ giải quyết được vấn đề chiết khấu hiện nay.

Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.

Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.

Lo ngại của Bộ Công thương rằng mua bán lẫn nhau sẽ không kiểm soát được chất lượng, ông Cường yêu cầu cần tách bạch hai vấn đề, bởi chúng ta đã có các quy định về chất lượng riêng biệt.

Liên quan đến các quy định về giá, ông Cường đồng tình với Bộ Công thương là phải có một công thức để định giá, công thức gồm những gì… để từ đó, đưa ra các tính toán về sắc thuế nhằm điều tiết thị trường.

Song, công thức này chỉ nên là cơ sở để doanh nghiệp tự tính giá và công bố chứ không nên quy định khoản này phải từng này. Ví dụ, công thức gồm khoản A, B, C, chứ không quy định A bao nhiêu, B bao nhiêu…

Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam dẫn chứng, Nghị quyết 55 năm 2020 có nêu rõ 2 vấn đề về giá. Đó là, áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng và xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định.

Bên cạnh đó, Luật Giá quy định, xăng dầu không thuộc danh mục do Nhà nước định giá. Và quy tắc, đã là cho doanh nghiệp định giá thì Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá.

Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (VVA) Nguyễn Tiến Thỏa.

Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (VVA) Nguyễn Tiến Thỏa.

Do đó, theo ông Thỏa, hiện dự thảo quy định về định giá không rõ giữa thị trường và Nhà nước. "Không minh bạch về giới hạn của thị trường đến đâu, thị trường quyết định gì, vai trò của Nhà nước đến đâu, nhà nước can thiệp gì và như thế nào?", ông Thỏa nói.

Vị này cũng nhấn mạnh, Nhà nước nên tạo nguyên tắc, quy chế để hướng dẫn doanh nghiệp tính toán, chứ không phải đề ra các chi phí áp đặt doanh nghiệp phải theo. Điều này là Nhà nước tự quyết định thay thị trường!.

Với phân tích trên, ông Thỏa kiến nghị, Nhà nước không quy định giá tối đa bằng bất kỳ hình thức nào. Bởi lẽ chi phí luôn nhấp nhô do một "ông lớn" như Petrolimex sẽ khác với một doanh nghiệp quy mô trung bình và quy mô nhỏ.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tranh-cai-nay-lua-chuyen-sua-nghi-dinh-xang-dau-192241016203203631.htm