Tranh cãi pháp lý quanh chiếc đồng hồ bị đánh cắp của John Lennon

Một trong những chiếc đồng hồ bị đánh cắp được săn lùng nhiều nhất trên thế giới đã xuất hiện ở Geneva. Chiếc đồng hồ xa xỉ hiệu Patek Philippe là món quà của Yoko Ono dành cho John Lennon chỉ hai tháng trước khi ông bị sát hại.

John Lennon và chiếc đồng hồ của hãng Patek Philippe. Ảnh: Keystone

John Lennon và chiếc đồng hồ của hãng Patek Philippe. Ảnh: Keystone

Mọi thứ bắt đầu vào năm 1980, khi Yoko Ono tặng John Lennon một món quà nhân dịp sinh nhật lần thứ 40. Đó là chiếc đồng hồ hiệu Patek Philippe có lịch vạn niên và tuần trăng, được làm bằng vàng 18 cara, mẫu 2499. Ở mặt sau, bà có khắc một câu trích dẫn trong bài hát mà cặp đôi đã cùng nhau viết sau thời gian xa cách.

Đây là một chiếc đồng hồ rất hiếm. Nó được sản xuất từ năm 1950 đến năm 1985, không quá 9 chiếc được sản xuất mỗi năm. Kể từ đó, Patek Philippe 2499 đã trở thành món đồ sưu tầm. Vào thời điểm mua, chiếc đồng hồ này trị giá khoảng 75.000 USD, trong khi vào năm 2018, một chiếc đồng hồ tương tự đã được bán tại Sotheby's với giá 3,9 triệu USD.

Tạp chí Le Point từng bình luận năm 2014: “Chuyện gì đã xảy ra với món quà sinh nhật gần đây nhất mà John Lennon nhận được? Đó là một điều bí ẩn. Nếu một ngày nào đó chiếc Patek Philippe huyền thoại của người nghệ sĩ huyền thoại xuất hiện trở lại, giá trị của nó đơn giản là không đánh giá được do mẫu này rất hiếm, phức tạp cũng như có nguồn gốc đặc biệt”.

Sau đó, phán quyết của tòa án dân sự tại Geneva vào tháng 7 vừa qua đã hé lộ thêm thông tin về vụ mất chiếc đồng hồ. Phán quyết giải thích, sau cái chết của John Lennon, chiếc đồng hồ được chuyển cho Ono. Bà đã giữ nó trong một căn phòng khóa kín trong căn hộ ở tòa nhà Dakota ở thành phố New York, cùng với những đồ vật có giá trị khác thuộc về ngôi sao. Tiếp đó là nhân vật Koral Karsan. Ông này là một người Thổ Nhĩ Kỳ, từng là tài xế riêng của bà Ono trong 10 năm. Ông này là một trong số ít người có quyền vào tất cả các phòng trong nhà bà Ono.

Nhưng vào năm 2006, ông ta đã phá vỡ mối quan hệ tin cậy đó và cố gắng tống tiền bà. Bị tòa án ở Mỹ kết án, Koral Karsan bị trục xuất về Thổ Nhĩ Kỳ. Koral Karsan được cho là đã mang theo một số món đồ từng thuộc về Lennon mà bà Ono không hề hay biết.

Đó là những món đồ như nhật ký, băng ghi âm các buổi hòa nhạc, kính đeo mắt và đồng hồ. Vào năm 2010, những món đồ này đã được chuyển cho một công dân Thổ Nhĩ Kỳ khác tên là Erhan G. Sau đó, người này đã bán chúng cho công ty đấu giá Auctionata AG của các nhà đấu giá Đức.

Trong một thời gian dài, Ono không nghi ngờ gì cả. Tuy nhiên, vào năm 2017, Auctionata đã phá sản. Một luật sư đang kiểm kê hàng hóa thì tìm thấy những món đồ thuộc về Lennon và thông báo cho cảnh sát. Bà Ono nói rằng bà chưa từng đưa những món đồ này cho Karsan, mặc dù ông ta tuyên bố là có.

Lúc này, một cuộc điều tra hình sự diễn ra. Sau đó, tòa án ở Đức năm 2019 đã kết án Erhan G. một năm tù treo vì nhận đồ ăn trộm. Ông ta được cho là đã chuyển 86 món đồ của Lennon cho Auctionata, đồng thời biết rằng những món đồ này có thể đã bị đánh cắp. Về phần người cựu tài xế, Koral Karsan vẫn đang ở Thổ Nhĩ Kỳ nên nước này từ chối dẫn độ ông ta.

Tuy nhiên, vụ mất tích của chiếc đồng hồ vẫn chưa dừng lại ở đây. Thực tế, nó đã được Auctionata bán với giá 600.000 CHF cho một người tên là A. Đây là một nhà sưu tập đồng hồ và là chuyên gia lâu năm trong ngành, tự nhận mình là người có uy tín thế giới về đồng hồ, quốc tịch Italy, thường trú tại Hong Kong (Trung Quốc).

Vào thời điểm bán đấu giá tháng 11/2013, Patek Philippe đã đưa ra tuyên bố với Auctionata rằng chiếc đồng hồ thực sự là của Lennon. Tuy nhiên, công ty đã không nói với Ono rằng họ đã được yêu cầu xác thực mặt hàng này. Chỉ đến tháng 6/2014, khi A gửi chiếc đồng hồ đến một công ty ở Geneva để định giá, công ty này mới liên hệ với Ono. Người góa phụ yêu cầu giữ nó để chờ bồi thường cho bà. Bây giờ đã xảy ra một cuộc chiến pháp lý giữa Ono và nhà sưu tập.

Theo quan điểm của A, chiếc đồng hồ không bị đánh cắp và ngay cả khi đúng như vậy, luật ở New York đề nghị bà Ono phải có đơn kiện trong vòng ba năm. Tuy nhiên, bà Ono chưa bao giờ tuyên bố chiếc đồng hồ này bị đánh cắp và không thực hiện bất kỳ bước nào để thu hồi nó.

Tuy vậy, tòa án ở Geneva bác bỏ lập luận của ông này, chỉ ra bản án của Erhan G. ở Đức. Tuyên bố của tòa án nhấn mạnh: “Vì chiếc đồng hồ không được trao cho Koral Karsan nên anh ta đã mua nó một cách bất hợp pháp, do đó việc sở hữu nó là bất hợp pháp ngay từ đầu”.

Bà Ono có hai luật sư đại diện là Michèle Wassmer và Vincent Guignet từ công ty luật Borel & Barbey. Trong khi đó, nhà sưu tập người Italy đã kháng cáo lên Tòa án Liên bang Thụy Sĩ.

Về tung tích của chiếc đồng hồ nổi tiếng, tòa án cho biết nó vẫn ở Geneva, và được B, luật sư đại diện cho A, giữ để bảo quản an toàn. Hiện chiếc đồng hồ này sẽ ở đó cho đến khi có thỏa thuận hoặc phán quyết cuối cùng về vụ việc.

Anh Hiển (P/v TTXVN tại Geneva)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/tranh-cai-phap-ly-quanh-chiec-dong-ho-bi-danh-cap-cua-john-lennon-20231005001154065.htm