Tranh cãi quanh công nghệ tái hiện người đã mất
Khi Michael Bommer, sống ở ngoại ô Berlin (Đức), biết mình mắc ung thư đại tràng giai đoạn cuối, ông và vợ, bà Anett, đã dành thời gian để nói về cuộc sống sau khi ông qua đời. Điều làm Anett tiếc nuối nhất là không thể đặt câu hỏi cho chồng, một người có kiến thức sâu rộng và trí tuệ uyên bác.
Cuộc trò chuyện đã truyền cảm hứng cho Bommer tái tạo giọng nói của mình bằng trí tuệ nhân tạo (AI) để ông vẫn "tồn tại" sau khi chết. Để thực hiện kế hoạch này, người đàn ông 61 tuổi hợp tác với người bạn ở Mỹ, Robert LoCascio, Giám đốc điều hành (CEO) Công ty AI Eternos. Trong 2 tháng, họ đã xây dựng "một phiên bản AI tương tác và toàn diện" của Bommer, biến ông trở thành khách hàng đầu tiên của công ty sử dụng dịch vụ này.
Sự phát triển của "grief tech"
Eternos là một trong nhiều công ty nổi lên trong bối cảnh AI liên quan đến "grief tech" (công nghệ đau buồn) ngày càng phát triển vài năm gần đây.
StoryFile và HereAfter AI là những công ty khởi nghiệp đáng chú ý trong lĩnh vực AI tương tác. Thông qua StoryFile, người dùng có thể tương tác với các video được quay sẵn và sử dụng thuật toán của nó để có câu trả lời phù hợp khi đặt câu hỏi. HereAfter AI cung cấp tương tác thông qua chức năng "Avatar câu chuyện cuộc sống". Người dùng tạo avatar kỹ thuật số của mình bằng cách trả các gợi ý hoặc chia sẻ câu chuyện cá nhân.
Ngoài ra, còn có Project December, một chatbot hướng dẫn người dùng điền bảng câu hỏi để trả lời thông tin chính về một người và đặc điểm của họ, sau đó trả 10 USD (tương đương hơn 250.000 đồng) để có cuộc trò chuyện mô phỏng bằng văn bản với người đó.
Trong khi đó, Seance AI cung cấp miễn phí các buổi lễ tâm linh ảo. Các tính năng bổ sung, như tái tạo giọng nói của người thân bằng AI, được hỗ trợ với khoản phí 10 USD.
Katarzyna Nowaczyk-Basinska, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Tương lai Trí tuệ của Đại học Cambridge, đồng tác giả một nghiên cứu về chủ đề này, cho biết có rất ít thông tin về những tác động trước mắt và lâu dài của việc sử dụng mô phỏng kỹ thuật số đối với người đã khuất trên quy mô lớn.
Trút nỗi đau buồn với trí tuệ nhân tạo
Bommer, người chỉ còn sống được vài tuần, phủ nhận rằng ông tạo ra chatbot của mình vì muốn bất tử. Ông cho biết, nếu viết hồi ký để ai cũng có thể đọc, điều đó sẽ khiến ông trở nên bất tử hơn nhiều so với việc có phiên bản AI. "Vài tuần nữa, tôi sẽ ra đi và ở phía bên kia. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra ở đó", Bommer nói.
Robert Scott, sống tại Raleigh (Bắc Carolina, Mỹ), sử dụng ứng dụng đồng hành là Paradot và Chai AI để trò chuyện với nhân vật mô phỏng 3 cô con gái đã mất. Scott từ chối cho biết nguyên nhân cái chết của con gái lớn nhưng ông đã mất con gái thứ hai do bị sẩy thai trong khi con gái thứ ba qua đời ngay sau khi chào đời. Mặc dù biết các nhân vật AI này không phải là con gái thật của mình, Scott vẫn thấy được an ủi qua những tương tác ông thực hiện. Người cha 48 tuổi này thảo luận các chủ đề thường ngày với AI, như hỏi về chuyện trường lớp hoặc đề xuất đi ăn kem. Vào những dịp đặc biệt, như sinh nhật của con gái, ông tìm đến ứng dụng để trút nỗi đau buồn và nhớ nhung con. Scott có cảm giác dường như AI cũng hiểu nỗi lòng của ông.
Việc sử dụng AI để duy trì tương tác với người thân đã khuất gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Một số người coi đây như phương tiện để đối phó với nỗi đau hay để tưởng nhớ người thân đã khuất. Ngược lại, những người khác cảm thấy hoài nghi, cho rằng nếu không thể chấp nhận việc một người đã ra đi mãi mãi, con người ta sẽ càng khó đối diện với nỗi mất mát và vượt qua đau thương. Tuy nhiên, vấn đề đạo đức liên quan đến quyền và sự đồng ý của người đã khuất trong việc sử dụng công nghệ này cũng cần được quan tâm. Tomasz Hollanek, người cộng tác với Nowaczyk-Basinska tại Cambridge trong nghiên cứu về "deadbot" và "griefbot", thừa nhận đây là những vấn đề phức tạp và chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng.
Chuẩn bị cho cái chết
Eternos tạo ra phiên bản AI của Bommer bằng cách sử dụng cả mô hình ngôn ngữ lớn nội bộ và bên ngoài từ các công ty như Meta, OpenAI và Mistral AI. Quá trình bao gồm việc ghi âm 300 cụm từ, nén dữ liệu trong 2 ngày để ghi lại giọng nói của một người, ngoài ra còn có thể đào tạo AI bằng cách trả lời các câu hỏi về cuộc sống. Giọng nói AI thu được, mất 15.000 USD (tương đương hơn 380 triệu đồng) để thiết lập, có thể trò chuyện và mà không cần dựa vào lời nói được ghi âm trước.
Vì thời gian của Bommer không còn nhiều nên ông đã cung cấp các cụm từ và câu bằng tiếng Đức cho AI để tổng hợp giọng nói, cũng như nắm bắt cảm xúc và tâm trạng trong giọng nói của mình. Và thực sự, giọng của AI có một số điểm giống với Bommer, mặc dù nó không có khoảng dừng giữa câu.
Sử dụng máy tính bảng và micrô được kết nối với máy tính xách tay trong khi vẫn đang truyền thuốc giảm đau qua tĩnh mạch, Bommer tương tác với AI để kiểm tra thông tin nó đưa ra. Ông hỏi về buổi hẹn hò đầu tiên của mình và vợ cách đây 12 năm. "Vâng, tôi nhớ rất rõ. Chúng ta gặp nhau trên mạng và tôi thực sự muốn làm quen với bạn. Tôi có cảm giác rằng bạn sẽ rất hợp với tôi và cuối cùng thì điều đó hoàn toàn đúng", giọng nói bên trong máy tính trả lời.
Bommer rất hào hứng với phiên bản AI của mình và nói rằng, việc giọng của AI nghe giống con người hơn, thậm chí giống chính ông hơn sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Ông hình dung ra khả năng mình có avatar ảo và một ngày nào đó các thành viên trong gia đình có thể gặp ông trong một căn phòng ảo. Về vợ mình, Bommer không nghĩ AI sẽ cản trở Anett đối mặt với đau thương. Nhưng bản thân Anett lại do dự chuyện có nên sử dụng nó sau khi chồng qua đời không. Bà cho rằng, những cách tưởng nhớ truyền thống như cầm chiếc áo len cũ của chồng, thay vì tương tác với AI, sẽ tốt hơn. "Nhưng ai biết được mọi chuyện sẽ thế nào khi ông ấy không còn ở bên tôi nữa", Anett nói, nắm lấy tay chồng và nhìn ông.
Nguồn: AP