Tranh cãi quy định không làm việc với người ăn mặc phản cảm
Nhiều luật sư cho rằng, quy định cảnh sát xử lý hành chính có quyền từ chối làm việc với người dân ăn mặc phản cảm không dễ thực hiện.
Lý do là rất khó xác định thế nào là phản cảm.
Chưa có quy định thế nào là ăn mặc phản cảm
Từ 30/3, Thông tư số 15/2020 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác quản lý hành chính (QLHC) về trật tự xã hội của Bộ Công an có hiệu lực. Trong thông tư có quy định, lực lượng Cảnh sát QLHC về trật tự xã hội các cấp, các đội CSGT, công an cấp xã khi giải quyết các thủ tục hành chính có quyền từ chối làm việc với người có biểu hiện say rượu, dùng chất kích thích, ăn mặc phản cảm hoặc có lời nói, hành vi không chuẩn mực.
“Say rượu, dùng chất kích thích thì rõ, nhưng ăn mặc phản cảm thì tôi chưa thấy có quy định rõ ràng. Có thể với một người già, bộ trang phục cô gái trẻ đang mặc đã là phản cảm, nhưng với một người trẻ khác, lại là đẹp thì sao?”, anh Đồng Anh Tú (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay và đề xuất nên có quy định hướng dẫn chi tiết mặc như thế nào thì bị coi là phản cảm để người dân biết, thực hiện.
Bạn Hà Đương (tỉnh Kon Tum) lo ngại, quan điểm của mỗi vùng miền, mỗi dân tộc về trang phục phản cảm khác nhau. “Một số dân tộc ở Tây Nguyên có truyền thống trang phục đóng khố. Nếu cho rằng mặc như vậy là hở hang, phản cảm, lực lượng chức năng không làm việc, liệu có đúng?”, bạn Hà Đương chia sẻ.
Nhìn nhận ở góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật phân tích, khái niệm trang phục phản cảm hiện chưa được quy định trong các văn bản pháp luật. Trước đây Nghị định 73/2010 quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tối đa 100.000 đồng đối với người không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp, điểm văn hóa, tín ngưỡng hay trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức. Nhưng Nghị định 167/2013 có hiệu lực thay thế Nghị định 73/2010 đã bãi bỏ quy định này.
Cùng quan điểm, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, hiện chưa có các văn bản dưới luật hướng dẫn rõ ràng thế nào là phản cảm, nên đưa vào áp dụng thực tế rất khó xử lý. “Làm việc với cơ quan công quyền là một trong những quyền của công dân. Chính vì thế, từ chối làm việc với công dân thì cần phải có những lý do chính đáng và được pháp luật quy định. Nếu không thận trọng, điều này có thể dẫn đến những tiêu cực, hạch sách không đáng có với người dân”, luật sư Lực cho biết.
Cần quy định chi tiết hơn
“
Thông tư số 15/2020 của Bộ Công an còn quy định: Nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân và yêu cầu cá nhân, tổ chức cung cấp giấy tờ ngoài quy định. Cấm người thực thi công vụ hứa hẹn, thỏa thuận nhận tiền hoặc tài sản, lợi ích vật chất hay phi vật chất khác để giải quyết thủ tục hành chính. Cấm cán bộ, chiến sĩ lợi dụng công việc được giao để gây hại cho lợi ích của cá nhân, tổ chức; cấm cán bộ, chiến sĩ nhận đơn, thư và giải quyết việc công tại nhà riêng hoặc bên ngoài trụ sở.
”
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Thiếu tá Nguyễn Việt Anh, Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho rằng, quá trình làm nhiệm vụ xử lý vi phạm giao thông, đã gặp nhiều trường hợp tài xế mặc quần sóc, cởi trần, rất phản cảm.
“Khi Thông tư này có hiệu lực, cán bộ tiếp dân, cán bộ giải quyết xử lý vi phạm sẽ có căn cứ từ chối không làm việc với người này. Điều đó sẽ hình thành văn hóa ứng xử, giao tiếp trong cộng đồng”, Thiếu tá Việt Anh nói.
Thiếu tá Phạm Đức Dương, Đội trưởng Đội CSGT quận Hồng Bàng (Hải Phòng) cho biết thêm, trong công tác TTKS, xử lý vi phạm giao thông, vẫn gặp không ít trường hợp người vi phạm ăn mặc phản cảm, say rượu, có lời nói hành vi không đúng mực. Có những thanh niên cởi trần, chỉ tay vào mặt cán bộ, chiến sỹ công an.
“Hành vi của họ thể hiện sự thiếu tôn trọng với lực lượng thực thi công vụ nhưng vẫn chưa đến mức có tình tiết lăng mạ, chống đối CSGT nên chúng tôi vẫn phải làm việc. Theo tôi, quy định lực lượng CSGT được quyền từ chối làm việc với người ăn mặc phản cảm, say rượu… là rất cần thiết”, Thiếu tá Dương nói.
Đồng quan điểm, nhưng Trung tá Vũ Kiên Cường, Đội CSGT số 10, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho rằng, cần quy định cụ thể, chi tiết đối với từng trường hợp ăn mặc phản cảm, để cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ có thể áp dụng thuận lợi, không xảy ra tranh cãi với người dân.