Tranh cãi sau khi Bill Gates tuyên bố trồng cây xanh là vô bổ với môi trường
Bill Gates nhấn mạnh: 'Tôi không trồng cây'. Lời tuyên bố gần đây của ông dẫn đến cuộc tranh luận về việc liệu việc trồng cây xanh hàng loạt có thực sự hữu ích trong việc chống biến đổi khí hậu hay không.
Lời tuyên bố đầy mùi... cà khịa
Nhà tỷ phú người Mỹ đang bị điều tra về cách ông bù đắp lượng khí thải carbon của mình và khẳng định ông tránh "một số cách tiếp cận ít được chứng minh hơn".
Trong một cuộc thảo luận về khí hậu do tờ New York Times tổ chức vào tháng trước, Bill Gates tuyên bố rằng ý tưởng trồng đủ cây xanh có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng khí hậu là "hoàn toàn vô nghĩa". Thậm chí, Bill Gates nói: "Chúng ta là những người khoa học hay chúng ta là những kẻ ngốc?"
Những tuyên bố mang tính cà khịa của Gates đã gây chú ý và khiến những người ủng hộ tái trồng rừng (trồng cây ở những khu rừng bị thiệt hại) và trồng rừng (trồng ở những khu vực gần đây không có rừng) phải lên tiếng chỉ trích.
Jad Daley, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ "Rừng nước Mỹ" viết trên X (trước đây là Twitter): “Tôi đã cống hiến 16 năm cuối đời của mình để biến rừng thành một phần của giải pháp khí hậu”. Và Daley cho rằng: “Loại bình luận này thực sự có thể khiến chúng tôi nản chí”.
Các kế hoạch trồng cây hàng loạt đã được áp dụng trong nhiều năm như một cách để hấp thụ carbon từ khí quyển trên quy mô lớn.
Ngay cả những đảng viên Cộng hòa Mỹ nổi tiếng vì sự hoài nghi về biến đổi khí hậu cũng đã đưa ra luật hỗ trợ trồng một nghìn tỉ cây xanh trên toàn thế giới.
Nhưng Gates không phải là người duy nhất nghi ngờ lợi ích của những kế hoạch đầy tham vọng như vậy.
Hôm thứ ba tuần trước, một nhóm các nhà khoa học cảnh báo rằng việc trồng cây hàng loạt có nguy cơ gây hại nhiều hơn là có lợi, đặc biệt là ở các vùng nhiệt đới. Điều đó chủ yếu là vì nó có thể thay thế các hệ sinh thái đa dạng bằng các đồn điền độc canh.
Các nhà khoa học từ các trường đại học ở Anh và Nam Phi viết: “Xã hội đã giảm giá trị của các hệ sinh thái này xuống chỉ còn một đơn vị đo là carbon”.
Trong một bài báo trên tạp chí Xu hướng sinh thái và tiến hóa, họ cho rằng việc hấp thụ carbon là “một thành phần nhỏ trong các chức năng sinh thái quan trọng mà rừng nhiệt đới và hệ sinh thái cỏ thực hiện”.
Jesus Aguirre Gutierrez, tác giả của bài báo, đã chỉ ra các ví dụ ở miền Nam Mexico và Ghana, nơi từng có những khu rừng đa dạng mà giờ đã biến thành những “khối đồng nhất”.
Theo nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thay đổi môi trường của Đại học Oxford, điều này khiến chúng "rất dễ bị bệnh tật và tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học địa phương".
Không chỉ chạy theo việc trồng cây
Các cam kết trồng cây lớn thường liên quan đến nông lâm kết hợp hoặc trồng rừng, nơi cây cuối cùng sẽ bị đốn hạ và lại giải phóng carbon. Và chỉ có năm loài cây được lựa chọn trồng thay thế chủ yếu vì giá trị gỗ và bột giấy hoặc tốc độ tăng trưởng.
Theo Aguirre Gutierrez, thành viên Hội đồng Nghiên cứu môi trường tự nhiên, trong số các loại được chọn trồng thay thế có cây gỗ tếch, loại gỗ có thể lấn át các loài bản địa, “gây thêm rủi ro cho thảm thực vật bản địa và hệ sinh thái”.
Các chỉ trích khác bao gồm việc thiếu không gian trên toàn cầu cho nhiều dự án trồng trọt đại trà và nguy cơ cạnh tranh giữa nông nghiệp và trồng trọt ở các nông trang nhỏ.
Việc đánh đồng vùng đất ngập nước và đồng cỏ là rừng hay việc trồng cây con kém thích nghi hoặc không chăm sóc cũng là những vấn đề được các nhà khoa học nhấn mạnh.
Việc trồng cây có thực sự giá trị hay không?
Daley, người đứng đầu tổ chức Rừng nước Mỹ cho biết họ đã trồng 65 triệu cây. Daley nói rằng tuyên bố của Gates là sai.
Ông nói: “Theo nghĩa đen, không ai nói rằng… chỉ có rừng mới có thể cứu được môi trường của chúng ta”. Daley lập luận rằng các nhà phê bình bỏ qua những dự án được hiệu chỉnh cẩn thận liên quan đến các loài bản địa ở những khu vực cần trồng lại rừng và thay vào đó, họ chỉ tập trung vào một số kế hoạch được hình thành kém hiệu quả.
Daley phản biện: "Lời phê bình chung chung ấy đã bỏ qua thực tế rằng việc trồng rừng nhiều là do mất rừng và không thể tái sinh nếu không có sự ra tay”, đồng thời giải thích: "Chúng tôi không chỉ chạy khắp nơi trồng cây ở bất cứ nơi nào chúng tôi muốn để hấp thụ carbon".
Có những nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách giữa những người chỉ trích và những người ủng hộ, đáng chú ý là 10 "quy tắc vàng để khôi phục rừng" do Vườn Bách thảo Hoàng gia Anh, Kew và Tổ chức Bảo tồn vườn bách thảo quốc tế đề xuất.
Trong đó, họ khuyến cáo nên tránh các đồng cỏ hoặc vùng đất ngập nước, ưu tiên tái tạo tự nhiên và lựa chọn các loại cây có khả năng phục hồi và đa dạng sinh học.
Nhưng họ bắt đầu với một quy tắc mà có lẽ mọi người đều có thể đồng ý: trước hết hãy bảo vệ những khu rừng hiện có với lời nhắc nhở: "Có thể mất hơn 100 năm để những khu rừng này phục hồi, vì vậy điều quan trọng là chúng ta phải bảo vệ những gì đã có trước khi trồng thêm".