Tranh cãi sườn xám Trung Quốc, váy ngắn 'cộp mác' áo dài Việt

Những thiết kế 'áo dài cách tân' ngắn ngang đùi, hay dễ gợi nhắc tới trang phục truyền thống nước khác xuất hiện nhiều trên MXH và các sàn TMĐT dịp Tết, tạo ra cuộc tranh cãi lớn.

Cuối tháng 12/2024, thương hiệu nội địa ESMERE STUDIO (TP.HCM) trở thành tâm điểm tranh cãi khi đặt tên cho thiết kế giống với sườn xám là “áo dài Thanh Lam” và sản phẩm váy ngắn là “áo dài Hoa Viên”. Sau khi nhận về nhiều ý kiến trái chiều, đầu tháng 1, local brand này âm thầm đổi tên sản phẩm thành "váy".

Thương hiệu LAMIALES VIBE (TP.HCM) "mắc lỗi" tương tự khi gọi một số sản phẩm có thiết kế giống sườn xám Trung Quốc trong BST Tết là "áo dài". Cụ thể, phần cổ áo là loại cổ đứng có viền, kèm khuy cài tết bằng dây đặc trưng của sườn xám nằm chéo qua phần ngực, và tay áo ngắn có viền, che khoảng 1/4 cánh tay.

Không riêng mảng thời trang nữ, một số cửa hàng thời trang nam, như thương hiệu Lamuse (Hà Nội) hay Nhật Minh, gây tranh cãi khi tung ra các mẫu "áo dài dáng ngắn". Như tên gọi, chiếc áo chỉ dài ngang hông, thường được diện với quần tây.

Hai sản phẩm váy ngắn và thiết kế giống sườn xám Trung Quốc được gắn mác "áo dài". Ảnh: Esmere Studio.

Hai sản phẩm váy ngắn và thiết kế giống sườn xám Trung Quốc được gắn mác "áo dài". Ảnh: Esmere Studio.

Trước tình trạng ngày càng nhiều thương hiệu gọi những thiết kế khác xa so với trang phục truyền thống dân tộc, thậm chí vay mượn dấu ấn văn hóa của các quốc gia khác là “áo dài”, phần lớn công chúng thể hiện sự bất bình.

Theo nhà thiết kế Hà Duy, các sản phẩm phá cách nhiều hoặc ảnh hưởng từ những nền văn hóa khác có thể dẫn đến sự hiểu lầm, làm mất đi bản sắc vốn có của áo dài.

“Áo dài là biểu tượng văn hóa truyền thống của Việt Nam, không chỉ ở kiểu dáng, mà còn ở ý nghĩa lịch sử và giá trị tinh thần mà nó mang lại”, nhà thiết kế (NTK) chia sẻ.

Vi phạm giá trị văn hóa

Trong cuốn Theo dòng triều Nguyễn (NXB Tổng hợp TP.HCM, năm 2018), tác giả Tôn Thất Thọ cho biết Đàng Trong trước thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, y phục của dân gian cũng đồng nhất với Đàng Ngoài.

Sau khi lên ngôi vương, năm Giáp Tý (1744), với chủ trương cải cách trang phục dân gian cho khác với Đàng Ngoài, đồng thời gìn giữ bản sắc văn hóa riêng biệt với văn hóa Trung Hoa, Võ vương đã ban sắc dụ thay đổi y phục cho toàn thể dân chúng Đàng Trong và đưa áo dài trở thành trang phục chính thức. Cũng trong sắc dụ này, lần đầu tiên chiếc áo dài của người phụ nữ được định hình một cách cơ bản.

Ở thời kỳ đầu, áo dài của phụ nữ Việt Nam là chiếc áo “tứ thân”, phía trước, phía sau đều có hai vạt như nhau, “đấu sống” ở chính giữa. Sở dĩ như thế là do vải thời ấy chỉ hẹp khoảng 40-50 cm. Thân áo nối với tay áo ở đoạn giữa vai và khuỷu tay; ống tay rất dài và hẹp; cổ áo độn cứng cao khoảng 2-3 cm. Thân áo dài vừa phải, quá gối chừng 20-30 cm. Thời này, phụ nữ kinh kỳ mặc áo dài cùng quần 2 ống may bằng sa trắng, phụ nữ thị thành miền Bắc lại mặc áo dài 5 thân.

Như vậy, dù có ý kiến cho rằng chiếc áo bắt nguồn từ Trung Quốc, thiết kế này về căn bản muốn thể hiện sự khác biệt trong văn hóa.

Hiện nay, các kiểu dáng được gọi là áo dài nhưng mang dấu ấn của trang phục truyền thống quốc gia khác, như sườn xám Trung Quốc hay hanbok Hàn Quốc, đang đi ngược lại với mục đích sáng tạo tà áo dài ban đầu.

“Áo dài không chỉ là một trang phục mà còn là biểu tượng văn hóa, gắn liền với lịch sử và hình ảnh đất nước. Việc thay đổi hay lai tạp một cách thiếu kiểm soát có thể làm phai nhạt đi giá trị di sản này”, NTK Hà Duy khẳng định.

Sản phẩm "áo dài" giống trang phục truyền thống Trung Quốc và "áo dài dáng ngắn" gây tranh cãi trên mạng xã hội những ngày cận Tết Ất Tỵ. Ảnh: LAMIALES VIBE; Lamuse.

Sản phẩm "áo dài" giống trang phục truyền thống Trung Quốc và "áo dài dáng ngắn" gây tranh cãi trên mạng xã hội những ngày cận Tết Ất Tỵ. Ảnh: LAMIALES VIBE; Lamuse.

Sáng tạo trong giới hạn

Cách tân trang phục truyền thống là sự vận động tất yếu trong dòng chảy thời trang. Trong tham luận tại hội thảo khoa học Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc, diễn ra ở Hà Nội năm 2020, TS Nguyễn Thị Kim Đức, Viện Dệt may - Da giày và Thời trang Áo dài Việt Nam - cho biết áo dài phụ nữ Việt Nam đã trải qua 3 đợt canh tân lớn.

Đáng chú ý nhất là cuộc cách tân lần thứ nhất vào những năm 1930. Ở Hà Nội và Hải Phòng, 2 họa sĩ Lê Phổ và Nguyễn Cát Tường (tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương) là những người tiên phong trong việc làm mới áo dài.

Trong cuộc cách tân hồi những năm 1930, chiếc áo tân thời với 2 vạt áo liền mảnh do khổ vải dệt rộng hơn ra đời, thay thế cho vạt “đấu sống” thưở trước.

Năm 1934, trên chuyên đề Đẹp của báo Phong hóa, họa sĩ Nguyễn Cát Tường giới thiệu bộ sưu tập Hoa hồng giờ Tý, gồm những mẫu áo được đặt tên là Le Mur, chú trọng vào các đường pince để thu nhỏ phần eo, nâng cao tầm hông và ngực, làm nổi bật những đường khối tuyệt mỹ của người phụ nữ.

Dù tạo được tiếng vang lớn, áo dài Le Mur vẫn gặp phải sự chống đối khá kịch liệt, tạo ra tình trạng “kẻ công kích, người khuyến khích”, theo TS Nguyễn Thị Tâm Hạnh, Phó viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia tại Huế.

 Áo dài Cát Tường (1938). Ảnh của nhà nghiên cứu Trịnh Bách sưu tầm.

Áo dài Cát Tường (1938). Ảnh của nhà nghiên cứu Trịnh Bách sưu tầm.

Giống như phong trào Thơ mới trong văn học, sự cách tân trong thiết kế trang phục truyền thống cũng làm tốn giấy mực. Đến nay, sự thay đổi trên tà áo dài vẫn nằm ở ranh giới giữa sáng tạo và lai căng.

Nhìn chung, trong thế kỷ trước, các thiết kế sáng tạo vẫn giữ được một số giá trị cốt lõi của áo dài như tay dài, tà dài quá gối và kết hợp với quần dài.

Tuy nhiên, các thiết kế hiện đại đã thay đổi đáng kể: tay dài được thay bằng tay ngắn hoặc sát nách, tà áo rút ngắn, và quần dài nhiều khi được thay bằng váy ngắn. Sự thay đổi dường như đang làm mất đi bản sắc vốn có của trang phục truyền thống.

NTK Hà Duy khẳng định rằng sự sáng tạo trong thiết kế trang phục truyền thống cần có giới hạn, khuôn khổ và dựa trên thái độ tôn trọng đối với các giá trị cốt lõi.

Cũng theo NTK này, nguyên nhân chính khiến các thiết kế cách tân bị cho là đánh tráo khái niệm nằm ở cách gọi tên của các thương hiệu. Một số trang phục không giữ đúng dáng dấp, giá trị cốt lõi hay tinh thần của áo dài, song vẫn được gọi bằng cái tên này.

“Các shop thời trang và nhà thiết kế nên cân nhắc khi đặt tên sản phẩm, hoàn toàn có thể gọi là ‘áo cách tân lấy cảm hứng từ áo dài’ thay vì ‘áo dài’”, Hà Duy chia sẻ.

Ngoài ra, NTK này cũng khẳng định vai trò của các đơn vị, cá nhân kinh doanh thời trang trong việc bảo tồn tà áo dài truyền thống. Một số gợi ý được đưa ra nhằm tôn vinh trang phục truyền thống Việt Nam.

Tôn trọng văn hóa bằng cách giữ những yếu tố đặc trưng của áo dài, bao gồm tay dài, có cổ, dáng suông dài qua gối, kết hợp với quần dài.
Khuyến khích khách hàng hiểu rõ sự khác biệt giữa áo dài truyền thống và áo cách tân để tránh hiểu nhầm.
Tăng cường các chiến dịch quảng bá, giáo dục về giá trị và lịch sử của chiếc áo.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/suon-xam-trung-quoc-vay-ngan-ngang-dui-cop-mac-ao-dai-cach-tan-post1521476.html