Tranh cãi thương mại Trung Quốc và Australia: Thêm một nấc thang căng thẳng
Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Australia vừa bị đẩy lên một nấc thang mới khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) quyết định thành lập Ban hội thẩm để xem xét các khiếu nại của Bắc Kinh liên quan đến các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp của Australia đối với một số mặt hàng. Động thái này có thể sẽ làm gia tăng những tổn thất kinh tế mà hai bên phải gánh chịu do tranh chấp suốt 2 năm qua.
Theo thông báo từ WTO, việc thành lập Ban hội thẩm là bước tiếp theo trong quy trình giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Australia sau các cuộc tham vấn vào tháng 6-2021 và kiến nghị của Trung Quốc vào ngày 25-1 vừa qua. Các mặt hàng của Trung Quốc bị Australia áp biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp gồm trục bánh xe đường sắt, tháp gió và các sản phẩm bồn rửa bằng thép không gỉ.
Phía Trung Quốc cho rằng, khi xem xét các biện pháp nêu trên, Australia đã xem nhẹ hồ sơ kế toán, không tính đến chi phí sản xuất mà các doanh nghiệp phải gánh là thiếu công bằng và không phù hợp với các quy định của WTO. Trung Quốc hy vọng, vụ kiện sẽ giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Trung Quốc, thể hiện thẩm quyền, tính hiệu quả của cơ chế thương mại đa phương và WTO.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Australia Dan Tehan khẳng định, hệ thống phòng vệ thương mại của nước này là độc lập, minh bạch, không phân biệt đối xử và dựa trên quy tắc. Canberra sẽ bảo vệ các quyết định của mình trước Ban hội thẩm WTO và sẵn sàng giải quyết vấn đề thông qua các cuộc thảo luận thêm với Trung Quốc.
Mối quan hệ thương mại giữa Australia và Trung Quốc bắt đầu xuống dốc kể từ đầu năm 2020 khi hai bên liên tục trả đũa nhau thông qua các biện pháp tăng mức độ đánh thuế.
Rất nhiều mặt hàng xuất khẩu thế mạnh từ xứ sở Chuột túi đã bị áp thuế quá cao hoặc bị đình chỉ nhập khẩu vào Trung Quốc như: Lúa mạch, sợi bông, thịt bò, tôm hùm, gỗ, than đá. Đáng chú ý nhất trong số này là việc Bộ Thương mại Trung Quốc áp đặt các mức thuế chống bán phá giá dao động từ 116,2% đến 218,4% đối với rượu vang Australia, bắt đầu từ cuối tháng 3-2021 và có hiệu lực trong 5 năm. Đến tháng 5-2021, Trung Quốc đã ngừng vô thời hạn toàn bộ hoạt động liên quan đến chương trình Đối thoại kinh tế chiến lược với Australia.
Ở chiều ngược lại, Australia cũng áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với trục bánh xe đường sắt, tháp gió và các sản phẩm bồn rửa bằng thép không gỉ. Ngoài ra, Chính phủ Australia cũng tuyên bố hủy bỏ một số thỏa thuận được các chính quyền địa phương ký với Trung Quốc, trong đó có 2 thỏa thuận liên quan đến Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI). Thủ tướng Scott Morrison khẳng định, nước này sẽ hành động để bảo đảm lợi ích quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Theo các chuyên gia kinh tế, trước khi tranh chấp nổ ra, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Kim ngạch thương mại song phương đạt 171 tỷ USD Mỹ. Sau 2 năm căng thẳng thương mại gia tăng, giá trị thương mại của Australia với Trung Quốc tại hầu hết các ngành đã giảm mạnh. Đầu tư của Trung Quốc tại Australia đã giảm 50% so với 4 năm trước đây. Căng thẳng thương mại giữa hai nước sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực dài hạn tới một số ngành sản xuất và doanh nghiệp của cả hai bên.
Tương tự các cuộc chiến thương mại khác, hậu quả cuối cùng sẽ là áp lực đè nặng lên người tiêu dùng. Vì tăng mức độ áp thuế đồng nghĩa với việc đẩy giá các mặt hàng lên cao. Trong bối cảnh các quốc gia đang nỗ lực tìm biện pháp hồi phục nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, việc làm gia tăng căng thẳng thương mại sẽ chỉ khiến các bên đánh mất cơ hội hợp tác để cùng vượt qua những thách thức hiện nay.