Tranh cãi về AI thúc đẩy giới xuất bản thích nghi làn sóng công nghệ
Đại diện một số đơn vị xuất bản bày tỏ quan điểm rằng các tranh cãi về tác quyền, pháp lý xung AI là tất yếu trong quá trình phát triển và ứng dụng công nghệ.
Năm 2023 đánh dấu sự bùng nổ của AI tạo sinh (generative AI) khi ChatGPT được phổ biến rộng rãi đến người dùng phổ thông, đồng thời vô vàn các công cụ AI sáng tạo nội dung video, hình ảnh, văn bản... khác tiếp cận thị trường đại chúng. Song song đó, các tranh cãi về AI cũng nóng hổi hơn bao giờ hết, chủ yếu xoay quanh vấn đề pháp lý - tác quyền và các lằn ranh đạo đức, nhân văn.
Trong bối cảnh này, ngành xuất bản thế giới cũng không ngoại lệ khi chứng kiến các vụ đình công yêu cầu quyền lợi từ tác giả, các vụ tác giả và nhà xuất bản, tòa soạn kiện các công ty công nghệ hàng đầu vì vấn đề tác quyền liên quan đến AI.
Tại Việt Nam, đại diện các công ty chú trọng ứng dụng công nghệ trong xuất bản bày tỏ quan điểm rằng những tranh cãi này là nhân tố cần thiết thúc đẩy thị trường thích nghi với làn sóng AI.
Công nghệ luôn đi liền với tranh cãi
Chia sẻ với Tri thức - Znews, đại diện từ start up xuất bản ứng dụng AI Sakédemy Publixinh, ông Đinh Trần Tuấn Linh cho rằng tiềm năng và nguy cơ của AI luôn song hành, không chỉ với ngành xuất bản mà mọi ngành khác. Theo đó, không thể phủ nhận làn sóng AI tạo sinh đang mang đến điều gì to lớn, cũng như thay đổi đến tận căn cho những ngành trước đây tưởng chừng như chỉ thuộc về con người, ví dụ như xuất bản.
Nắm bắt được xu thế tất yếu của AI, các đơn vị xuất bản đồng thời cũng nhận biết những rủi ro tiềm tàng và thách thức tồn đọng đối với sự phát triển của công nghệ này.
Nhận định rằng rủi ro mà AI có thể mang đến phần nhiều liên quan đến tác quyền, ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc Waka đặt ra câu hỏi về nguồn dữ liệu để huấn luyện cho máy học: Liệu chăng nên để máy tự học tất cả các nội dung trên internet (tùy thuộc vào việc "nó" kiếm được bao nhiêu thông tin) hay tạo ra chuẩn để training giống như tạo ra cuốn "sách giáo khoa dành riêng cho AI"? Và theo ông, đến giờ đây vẫn là câu hỏi mở.
Ông Đinh Quang Hoàng cũng nhận xét rằng như nhiều bước tiến về khoa học kỹ thuật trước đây, luật không theo theo kịp những thay đổi liên tục của thực tế. Đặc biệt ở những lĩnh vực có tốc độ thay đổi nhanh như ngành công nghệ thì càng khó tránh khỏi điều này.
Chia sẻ quan điểm trên, ông Nguyễn Khánh Dương, Giám đốc của Comicola gợi nhắc về những tranh cãi pháp lý và tác quyền tương tự với tình thế của AI hiện nay khi internet bùng nổ. Đơn cử, trang web chia sẻ nhạc Napster cũng từng bị các nhà sản xuất âm nhạc kiện và ở thời điểm 20 năm trước, nghe nhạc số trả tiền là một điều xa xỉ.
Tranh cãi là tiền đề cho sự ra đời của khung pháp lý phù hợp
Tuy nhiên, kết quả của câu chuyện nhạc số cũng là một ví dụ minh chứng rằng những khúc mắc ban đầu sẽ thúc đẩy các cơ quan quản lý cập nhật khung pháp lý cho phù hợp với thị trường: các tranh cãi dai dẳng đã dẫn đến những điều chỉnh và hiện tại, các nhạc sĩ, ca sĩ đã có một môi trường nhạc số ổn định, bền vững và mang lại doanh thu.
Đúc kết từ những quan sát về sự phát triển của thị trường và các nền tảng, cơ sở pháp lý liên quan khi có công nghệ mới xuất hiện trong quá khứ, đại diện các đơn vị xuất bản nhận định tranh cãi xoay quanh AI là cần thiết để trong tương lai ngành xuất bản vừa phát triển, vừa đảm bảo được quyền lợi của người làm sách.
Ông Đinh Quang Hoàng khẳng định với trường hợp của AI thì "tranh cãi là tất yếu và sẽ không thể ngã ngũ trong ngắn hạn". Song ông tin rằng trong tương lai các công ước quốc tế hoặc các điều khoản quy ước chung sẽ được đưa ra để đảm bảo đầy đủ quyền lợi của tất cả nhân tố liên quan. Tiến độ của quá trình này sẽ tùy thuộc vào mức độ ứng dụng các công cụ AI sâu rộng ra sao (thay đổi về lượng sẽ diễn ra thay đổi về chất).
Ông Nguyễn Khánh Dương cũng đồng tình với quan điểm trên: "Tôi nghĩ rằng những tranh cãi pháp lý về tác quyền khi AI xuất hiện là rất cần thiết, giúp các cơ quan quản lý vào cuộc và chung tay tạo ra một môi trường lành mạnh, bảo vệ tài sản trí tuệ của những người sáng tạo".