Tranh cãi về cách ứng phó với biến thể Omicron

Theo tờ Jerusalem Post, thực tế là tác động của biến thể Omicron đối với sức khỏe của người nhiễm dường như ít nghiêm trọng hơn, cộng với việc tỷ lệ nhiễm đang làm tê liệt nhiều cơ quan, doanh nghiệp do số người phải cách ly, đã làm dấy lên một số lời kêu gọi nới lỏng các biện pháp hạn chế và đánh giá lại các mô hình phòng dịch hiện nay ở Israel.

Nhân viên y tế Israel chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tới bệnh viện ở Jerusalem. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế Israel chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tới bệnh viện ở Jerusalem. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một tuần qua, Bộ Y tế Israel ghi nhận 276.617 ca mới mắc COVID-19, tăng 194,8% so với tuần trước đó. Làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron gây ra đang lan mạnh với một tốc độ chưa từng thấy. Tuy nhiên, đến nay, cũng không thể phủ nhận rằng biến thể này dường như gây triệu chứng nhẹ hơn các biến thể trước. Dù số ca nặng vẫn đang tăng, hiện ở mức 395 ca, tăng 184,2% do với tuần trước, nhưng tốc độ tăng chậm hơn nhiều tuần trước đó. Vào lúc đỉnh dịch của làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta gây ra, Israel có hơn 700 ca nặng và tổng số ca nhiễm thấp hơn nhiều.

Giáo sư Idit Matot, thuộc Trung tâm Y tế Souraky tại Tel Aviv, nhận định sau 2 năm đại dịch hoành hành, vẫn còn nhiều lo lắng và cảm giác sợ hãi. Trên mạng xã hội Facebook, bà viết: “Biến thể Omicron thuộc vào dòng họ virus corona, nhưng không có gì giống với các biến thể trước như Alpha hay Delta mà chúng tôi nghiên cứu – hai loại đã gây bệnh nặng và kéo dài dẫn tới phải hỗ trợ thở. Trên thực tế, một tháng nay, chúng ta đang thấy và hiểu ra rằng biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao nhưng ảnh hưởng rất ít đến sức khỏe. Không có bệnh nhân nhiễm Omicron nào phải thở máy tại Ichilov”. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có bệnh nhân nào như vậy trên khắp Israel. Tính đến ngày 14/1, có 92 người phải thở máy, tăng so với 23 người ghi nhận cách đó 2 ngày.

Bà Matot nhận định thêm: “Thật không may là thay vì xử lý phù hợp với biến thể này, mọi người lại bị cách ly trong nhà và thực tế đây là phong tỏa”. Bà kêu gọi rút ngắn thời gian cách ly, hoặc thậm chí bỏ chính sách này. Bà cho biết: “Cần đánh giá lại chính sách cách ly, nhất là với những người không có triệu chứng, và trẻ em. Chúng ta đang cướp đi tuổi thơ, sự phát triển, học hành trong khi đem lại cho trẻ em nỗi sợ hãi và sự rối loạn tinh thần”.

Tuy nhiên, các giáo sư khác trong ngành y không nhất trí với bà Matot. Liệu Omicron có thực sự chỉ là một virus khác? Các biện pháp hạn chế có thực sự chưa phù hợp hay không? Giáo sư Nadav Davidovitch, hiệu trưởng trường Ben-Gurion thuộc Sở Y tế Negev, cho biết dù Omicron không gây bệnh nặng như các biến thể trước đó, chúng ta vẫn cần thận trọng.

Ông Davidovitch cho rằng: “Trong khi rõ ràng là tác động lâm sàng của Omicron không nổi bật như các biến thể khác, chúng ta vẫn thấy các tác động nặng ở các nhóm đối tượng nguy cơ cao. Cần thời gian để đánh giá lại các chiến lược phòng chống dịch hiện nay và mối đe dọa do Omicron gây ra vẫn cần được xem xét nghiêm túc”.

Giáo sư này nhận định các nhà chức trách và mọi người đang nỗ lực lớn để ứng phó thành công đại dịch theo cách tiếp cận “sống chung với virus”. Ông cho rằng: “Điều quan trọng là phải đảm bảo những người bị ốm dù chỉ có triệu chứng nhẹ phải ở trong nhà để tránh lây nhiễm cho người khác.

Bên cạnh tăng cường miễn dịch với COVID-19, cũng cần tăng cường miễn dịch với cúm mùa và duy trì sức khỏe nói chung”. Ông nhấn mạnh thêm hệ miễn dịch tự nhiên được hoàn thiện thông qua tiêm vaccine, chứ không thông qua cách lây truyền hàng loạt. Ông nói: “Làn sóng lây nhiễm hiện nay nên được xử lý bằng các công cụ như tiêm phòng và cách ly người dương tính và có triệu chứng. Mặt khác, vì dịch đang lây lan rộng trong cộng đồng, chúng ta phải ưu tiên bảo vệ người cao tuổi và các nhóm có nguy cơ cao”.

Gánh nặng đặt lên vai hệ thống y tế có thể giảm bớt mà vẫn đảm bảo an toàn cho người dân, nhưng cần làm nhiều hơn việc chỉ đeo khẩu trang. Cụ thể là cần bảo vệ các nhân viên y tế tuyến đầu bằng cách cung cấp khẩu trang tốt hơn, tạo sự thông gió tốt hơn và nâng cao các năng lực điều trị từ xa. Ông Davidovitch cho biết: “Cần ưu tiên xét nghiệm (các trường hợp có triệu chứng) và điều trị người có nguy cơ cao. Những người dương tính cần phải cách ly để tránh lây lan ra cộng đồng”.

Một khía cạnh khác của Omicron hiện vẫn chưa được biết đến là tác động lâu dài sau nhiễm dù ban đầu chỉ có triệu chứng nhẹ. Giáo sư Cyrille Cohen, người phụ trách bộ môn liệu pháp miễn dịch tại Đại học Bar-Ilan, cho biết hiện chưa có nhiều hiểu biết liên quan đến biến thể Omicron và các tác động lâu dài sau nhiễm. Hầu hết các triệu chứng COVID kéo dài chỉ thấy được sau vài tháng, và Omicron đến nay mới chỉ hoành hành khoảng 2 tháng. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại rất khó để nghiên cứu về các tác động lâu dài.

Giáo sư Cohen cũng nhấn mạnh rằng Omicron dường như không nghiêm trọng nhưng còn quá sớm để chắc chắn rằng nguy cơ tổng thể chỉ ở mức tối thiểu. Ông nói: “Hiện mọi người đang giả định rằng vì bệnh không nghiêm trọng nên các tác động lâu dài cũng sẽ nhẹ. Nhưng đây chỉ là giả định và chúng ta cần thêm dữ liệu về việc này”.

Bích Liên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tranh-cai-ve-cach-ung-pho-voi-bien-the-omicron-20220117094203399.htm