Tranh cãi về đề xuất bán xăng dầu phải có thiết bị in, xuất hóa đơn điện tử
Bộ Công Thương đã hoàn tất việc sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu và trình Chính phủ xem xét. Tuy nhiên, một số quy định mới tại dự thảo Nghị định lại khiến doanh nghiệp phản ánh gây khó khăn như xuất hóa đơn điện tử, rút ngắn kỳ điều hành xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày.
Cụ thể, Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung điểm 3 khoản 18 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, đó là thương nhân có một trong các loại hình, phương tiện, thiết bị ghi, in kết quả đo xăng dầu đảm bảo kết quả đo xăng dầu được kết nối, chuyển vào hệ thống hóa đơn điện tử để lập hóa đơn điện tử theo pháp luật về hóa đơn, chứng từ.
Hàng nghìn cửa hàng xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử
Hiện có tổng số 17.000 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân cho biết việc áp dụng quy định trên sẽ khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Xuân Thắng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát Lâm Đồng cho biết, điều này có thể khiến các cửa hàng bán lẻ xăng dầu gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Thắng, xăng dầu đặc tính co, giãn nở nhiệt độ rất lớn. Do đó, việc xác định thực nhập, thực bán, tồn kho bằng công cụ quản lý hao hụt là phức tạp do mỗi cửa hàng, mỗi địa phương có đặc thù riêng về nền nhiệt độ. Mặc dù quy định về sai số cho phép lên đến 0.75% cũng không bù đắp được lượng hao hụt tại mỗi cửa hàng khác nhau. Dẫn đến việc xác định cụ thể số lượng đầu vào chính xác là khó khăn, và phức tạp có thể khiến doanh nghiệp phải bù đắp lớn.
Thêm vào đó, chi phí đầu tư, vận hành, bảo dưỡng hệ thống điện tử, thông tin lớn, công nghệ nền tảng chưa đáp ứng được việc tự động xuất hóa đơn đến từng người mua hàng. Do đó, ghi nhận số liệu từng lần bơm và kết nối đến hệ thống giám sát của Cục Thuế thì được, chứ việc triển khai xuất hóa đơn trực tiếp là phức tạp về công nghệ, lãng phí rất lớn.
Cùng với đó, bán lẻ xăng dầu không phải bán buôn nên việc xuất hóa đơn cho những lần bơm 5.000 đồng; 10.000 đồng; 15.000 đồng/lần bơm là điều vô lý và khó thực hiện do chi phí đôi khi cao hơn cả giá trị bán.
“Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hoàn toàn không nhận được phần chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức, trong khi chiết khấu thì bèo bọt. Toàn lỗ thì việc đảm bảo "nguồn lực" để đầu tư là chuyện không thể thực hiện được”, ông Thắng nói.
Theo đó, ông Thắng mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước cần tính toán, hoạch định chính sách rõ ràng, cụ thể, tiết kiệm và phù hợp, tránh việc ban hành chính sách xong phát sinh lớn rồi ngưng gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương cũng thừa nhận rằng để áp dụng quy định này, doanh nghiệp cần có thời gian, nguồn lực đầu tư trang thiết bị và cần có chính sách, lộ trình cụ thể đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu, nhằm tránh đứt gãy nguồn cung xăng dầu. Do vậy, Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính căn cứ các quy định pháp luật về thuế, hướng dẫn cụ thể.
Theo đó, cần quy định chi tiết về hóa đơn điện tử và lộ trình để các thương nhân kinh doanh xăng dầu áp dụng. Bộ Công Thương cũng đưa ra đề xuất với lộ trình.
Cụ thể, với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại vùng đồng bằng và đô thị, thời gian thực hiện sau một năm kể từ ngày nghị định có hiệu lực. Với các cửa hàng xăng dầu tại vùng núi, thời gian thực hiện hai năm kể từ ngày nghị định có hiệu lực.
Vẫn than khó nếu rút ngắn kỳ điều hành xăng dầu
Bên cạnh vấn đề xuất hóa đơn, một trong những vấn đề gây tranh cãi không mới nhưng vẫn nóng, đó là đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu cố định vào thứ Năm hàng tuần, thay vì 10 ngày như hiện nay.
Theo nhiều doanh nghiệp, trước đây rút ngắn từ 15 ngày xuống 10 ngày đã dẫn đến một số tác động tiêu cực, khi thị trường có biến động mạnh, một số thời điểm bị thiếu xăng dầu cục bộ.
Ông Nguyễn Văn Tiu - Chủ tịch HĐQT Công ty Xăng dầu Tự Lực I, cho rằng phương án rút ngắn kỳ điều hành có ưu điểm là tiếp cận với giá thế giới nhanh hơn. Nhưng có nhược điểm là doanh nghiệp sẽ đứng trước rủi ro tồn kho lớn, dẫn đến khi điều chỉnh giá giảm thì sẽ bị lỗ.
Theo quy định, hiện nay thương nhân đầu mối phải đảm bảo lượng dự trữ xăng dầu trong kho là 20 ngày. Dẫn tới, nếu rút ngắn điều hành xuống 7 ngày/lần, thời gian bán hàng của doanh nghiệp sẽ ít đi, tồn kho lớn, rủi ro cao nếu giá đi xuống.
Trong khi đó, đại diện Saigon Petro phàn nàn: "Hiện nay, điều hành 10 ngày/lần đã khiến chúng tôi rất khó khăn. Đơn cử như câu chuyện chiết khấu, sau khi Saigon Petro công khai mức này, nhiều đơn vị khác đã dựa vào đó để nâng mức chiết khấu của họ lên, cạnh tranh khách hàng trực tiếp với chúng tôi. Nhập 1 lô hàng về đâu phải 7 ngày, 10 ngày là bán hết, trong khi chu kỳ giá thay đổi nhanh”, đại diện Saigon Petro.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhìn nhận việc điều chỉnh xăng dầu 10 ngày, hay 7 ngày thực chất cũng không có nhiều ý nghĩa bởi giá cả vẫn do Nhà nước điều hành.
“Mục tiêu hướng tới luôn là để xăng dầu cho thị trường quyết định. Không chỉ xăng dầu mà các mặt hàng khác do nhà nước quản lý đều phải hướng tới thị trường để phù hợp xu thế chung về phát triển kinh tế thị trường. Tuy nhiên, trước khi để thị trường quyết định, kinh doanh xăng dầu cần hội tụ đủ yếu tố thị trường, tạo cơ chế cạnh tranh thì thị trường mới vận hành”, ông Ánh nói.