Tranh cãi về kinh tế Mỹ suy thoái

Một cuộc suy thoái ở nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể làm đảo ngược đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu

Xung đột Nga - Ukraine, lệnh trừng phạt Nga, chiến lược "không Covid-19" của Trung Quốc, lạm phát gia tăng cùng chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là những yếu tố đang đe dọa triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Không thể tránh khỏi hay ít nguy cơ?

Câu hỏi được đặt ra là liệu các điều kiện xấu đi cùng những lựa chọn chính sách thiếu sáng suốt có đẩy kinh tế thế giới vào bờ vực suy thoái hay không? "Cú sốc lạm phát đang tồi tệ hơn, cú sốc lãi suất chỉ mới bắt đầu và cú sốc suy thoái đang ập đến" - chuyên gia trưởng về đầu tư của Ngân hàng Mỹ (BofA), ông Michael Hartnett, cảnh báo.

Trong bài phân tích hồi tháng rồi, cựu Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang tại New York Bill Dudley từng nhấn mạnh kinh tế Mỹ suy thoái là điều "gần như không thể tránh khỏi" bởi FED đã quá chậm trễ trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Theo đài Al Jazeera, một cuộc suy thoái ở nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể gây ra tác động sâu rộng, làm đảo ngược đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu vốn đã suy giảm 4,3% vì đại dịch Covid-19.

Một cửa hàng rau quả ở TP New York - Mỹ hôm 29-3. Ảnh: REUTERS

Một cửa hàng rau quả ở TP New York - Mỹ hôm 29-3. Ảnh: REUTERS

Dù vậy, không ít chuyên gia vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. "Suy thoái vốn cực kỳ khó đoán. Ngay cả những nơi có khả năng dự đoán tốt, như FED, cũng chỉ biết suy thoái diễn ra khi chúng ta đang đối diện với nó" - nhà phân tích Tara Sinclair của Trường ĐH George Washington (Mỹ) nhận xét, đồng thời cho biết phần lớn chuyên gia kinh tế nhận định suy thoái sẽ không diễn ra trong năm 2022.

Theo nhóm chuyên gia của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2023 là 20%-35%.

"Gói kích thích cơ sở hạ tầng của chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ phát huy hiệu quả, giải cứu kinh tế Mỹ" - ông Tim Harcourt, nhà kinh tế trưởng tại Viện Chính sách công và quản trị của Trường ĐH Công nghệ Sydney (Úc), dự đoán.

Theo ông Harcourt, kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng vì lệnh phong tỏa Thượng Hải - điểm tọa lạc của cảng container nhộn nhịp nhất thế giới. Nỗ lực loại bỏ Covid-19 bằng lệnh phong tỏa và kiểm soát biên giới cực kỳ nghiêm ngặt của Trung Quốc không những làm giảm nhu cầu tiêu thụ nội địa mà còn làm gián đoạn dòng chảy thương mại toàn cầu.

Nga tự tin vượt qua trừng phạt?

Kịch bản giao tranh ở Ukraine leo thang cùng các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn nhắm vào Nga cũng là những yếu tố rủi ro đối với kinh tế thế giới trong những tháng tới. Châu Âu đến nay vẫn chưa thẳng tay siết chặt hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga, chỉ mới tập trung vào than đá.

Tuy nhiên, lục địa già đang đối mặt sức ép gia tăng về việc mở rộng phạm vi trừng phạt để nhắm vào khí đốt và dầu mỏ của Nga. Động thái này, nếu có, sẽ khiến giá năng lượng tăng mạnh hơn nữa.

Trong khi đó, hãng tin Bloomberg cho biết tại cuộc họp đột xuất ngày 8-4, Ngân hàng Trung ương Nga bất ngờ hạ lãi suất chủ chốt từ 20% xuống còn 17% và tuyên bố có thể cắt giảm lãi suất hơn nữa nếu điều kiện cho phép. Cùng ngày, giá trị đồng rúp của Nga tăng 6,2%, lên 71,3375 rúp đổi 1 USD tại thủ đô Moscow. Đây là mức phục hồi mạnh so với mức 81,16 rúp đổi 1 USD trước đó 2 ngày.

Theo Ngân hàng Trung ương Nga, áp lực bên ngoài vẫn còn là thách thức, góp phần hạn chế đáng kể hoạt động kinh tế của nước này. Thêm vào đó, tiếp tục tiềm ẩn rủi ro về ổn định tài chính nhưng nguy cơ đã ngừng tăng nhờ biện pháp kiểm soát vốn.

Trưởng Phòng Phân phối quốc tế của Tập đoàn Đầu tư Sinara (Nga) Luis Saenz nhận định Ngân hàng Trung ương Nga muốn trở thành "đầu tàu" trong công cuộc phục hồi kinh tế chứ không chỉ là "phanh hãm".

Giữa thời điểm bị phương Tây đẩy mạnh trừng phạt, Nga sử dụng lĩnh vực năng lượng làm đòn bẩy cộng với chính sách thắt chặt vốn giúp đồng rúp phục hồi, khiến lạm phát hằng tuần có dấu hiệu giảm.

Chiến lược gia cấp cao tại Công ty Nghiên cứu Đầu tư SberCIB (Nga) cho rằng rủi ro về bất ổn tài chính của Nga đã ngừng tăng, thậm chí đang bắt đầu giảm. Nếu tiếp tục như bây giờ, Moscow có thể giảm lãi suất cơ bản xuống còn 10% vào cuối năm nay.

Giá lương thực cao kỷ lục

Liên Hiệp Quốc ngày 8-4 cho biết giá thực phẩm, bao gồm ngũ cốc và dầu thực vật, đã chạm mức kỷ lục vào tháng trước, chủ yếu vì "sự gián đoạn nguồn cung khổng lồ" do chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine gây ra. Điều này khiến hàng triệu người ở châu Phi, Trung Đông và những nơi khác đối mặt nạn đói và suy dinh dưỡng.

Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) ghi nhận chỉ số giá lương thực (FPI) tháng 3 tăng 12,6% so với tháng 2-2022 trong khi chỉ số hồi tháng 2 đã là mức cao nhất kể từ lúc FPI được thiết lập vào năm 1990. Giá ngũ cốc đã tăng 17,1%, còn dầu thực vật tăng 23,2%. Nga và Ukraine lần lượt chiếm khoảng 30% và 20% lượng xuất khẩu lúa mì và bắp toàn cầu, trong khi Ukraine là nước xuất khẩu dầu hướng dương hàng đầu thế giới và Nga đứng thứ 2.

Theo Phó Giám đốc Bộ phận Thương mại và Thị trường của FAO, ông Josef Schmidhuber, tình hình này đòi hỏi phải thực hiện hành động khẩn cấp. Các nhà sản xuất ngũ cốc lớn khác như Mỹ, Canada, Pháp, Úc và Argentina đang xem xét khả năng tăng sản lượng nhanh chóng để lấp khoảng trống trên. Tuy nhiên, nông dân phải đối mặt nhiều vấn đề như chi phí nhiên liệu và phân bón tăng cao do xung đột, hạn hán và gián đoạn chuỗi cung ứng.

CAO LỰC - PHẠM NGHĨA

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/tranh-cai-ve-kinh-te-my-suy-thoai-20220409204750647.htm