Tranh cãi về việc bắn muối lên trời để 'làm mát' Trái Đất

Thí nghiệm máy phun muối biển siêu nhỏ lên đám mây ở California (Mỹ) một lần nữa làm dấy lên tranh cãi xung quanh những nghiên cứu thay đổi môi trường để làm mát hành tinh.

Cuộc họp của hội đồng thành phố ở Alameda, California (Mỹ) đã trở thành tâm điểm mới trong cuộc tranh cãi toàn cầu về việc có nên thử “làm mát” Trái Đất bằng cách tăng sáng đám mây hay không.

Một số học giả tại Đại học Washington đang nghiên cứu khái niệm “tăng sáng mây đại dương”, nhằm mục đích làm chậm quá trình biến đổi khí hậu bằng cách phun hạt muối biển siêu nhỏ lên trời.

Các hạt muối này giúp đám mây hình thành giọt nước nhỏ và sáng, từ đó phản chiếu ánh sáng Mặt Trời ra khỏi Trái Đất trước khi nó có thể làm nóng hành tinh.

Vào tháng 4, các nhà khoa học của Đại học Washington bắt đầu thử nghiệm thiết bị phun trên boong tàu USS Hornet.

Tuy nhiên, thành phố tạm dừng vào tháng 5, với lý do lo ngại về sức khỏe và môi trường. Dù vậy, chuyên gia tư vấn ngoài do thành phố thuê sau đó kết luận thử nghiệm không gây ra “rủi ro sức khỏe có thể đo lường được đối với cộng đồng xung quanh”.

Thử nghiệm ở Alameda không nhằm “thay đổi đám mây hay bất cứ khía cạnh nào của thời tiết hoặc khí hậu địa phương”, theo Sarah Doherty - nhà khoa học khí quyển, người điều hành chương trình tăng sáng đám mây đại dương của Đại học Washington.

Các nhà khoa học chỉ đang kiểm tra xem liệu máy phun có hoạt động không và nghiên cứu cách hạt muối di chuyển trong không khí.

“Thành thật mà nói, đó là thí nghiệm vô hại mà một người có thể làm”, Gernot Wagner - nhà kinh tế khí hậu tại Trường Kinh doanh Columbia - đánh giá.

 Thí nghiệm nhằm kiểm tra xem liệu máy phun muối lên mây có hoạt động. Ảnh: New York Times.

Thí nghiệm nhằm kiểm tra xem liệu máy phun muối lên mây có hoạt động. Ảnh: New York Times.

Dù vậy, những gì diễn ra cho thấy sự phản đối mạnh mẽ mà giới khoa học phải đối mặt khi họ nghiên cứu bất cứ điều gì liên quan đến "geoengineering" - địa kỹ thuật nhằm "thao túng" khí hậu, theo Washington Post.

Một số nhà bảo vệ môi trường cho rằng ý tưởng này có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm, khó lường và khiến thế giới “xao lãng” khỏi việc cắt giảm lượng khí thải carbon - cách chắc chắn nhất để tránh biến đổi khí hậu.

“Thí nghiệm 'geoengineering' (địa kỹ thuật), như dự án tăng sáng mây đại dương ở Vùng Vịnh, đặt ra tiền lệ nguy hiểm và có nguy cơ hợp thức hóa công nghệ mang tính suy đoán cao, có hại”, Mary Church tại Trung tâm Luật Môi trường Quốc tế (CIEL), viết.

Các nhóm môi trường bao gồm CIEL đã kêu gọi nhà chức trách Alameda chấm dứt thí nghiệm của Đại học Washington.

“Tăng sáng mây đại dương” là gì?

Kế hoạch tăng sáng mây đại dương cố gắng “làm mát” hành tinh bằng cách phản chiếu nhiều ánh sáng Mặt Trời trở lại không gian hơn.

Một số nhà khoa học hy vọng nó sẽ giúp nhân loại có thêm thời gian để cắt giảm lượng khí thải carbon, hoặc bảo vệ môi trường đại dương quá nóng như Rạn san hô Great Barrier.

Phần đỉnh trắng mịn của một số đám mây hoạt động như “lớp kem chống nắng” tự nhiên cho hành tinh. Theo NASA, giọt nước và tinh thể băng bên trong phản chiếu 30-60% ánh sáng Mặt Trời chiếu vào chúng.

Vì vậy, một số nhà nghiên cứu "kỹ thuật geoengineering" tin rằng họ có thể làm cho đám mây sáng hơn và tăng hiệu ứng làm mát của chúng - bằng cách tăng số lượng giọt nước mà chúng chứa.

Từ năm 1990, các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết họ có thể làm điều này bằng cách phun hạt muối biển lên mây, giúp độ ẩm trong không khí có cái gì đó để bám vào và hình thành giọt nước hoặc tinh thể băng.

 Một số nhà nghiên cứu cho rằng có thể phun hạt muối biển siêu nhỏ lên trời để làm “tăng sáng mây đại dương”. Ảnh: Ian Bates.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng có thể phun hạt muối biển siêu nhỏ lên trời để làm “tăng sáng mây đại dương”. Ảnh: Ian Bates.

Trong tự nhiên, điều này xảy ra khi gió đại dương thổi bọt biển lên cao vào không khí, nhưng giới nhà khoa học tin rằng họ có thể tăng cường quá trình này để hạ nhiệt độ một cách đáng kể.

Tuy nhiên, thời điểm đó, họ không có máy móc có thể phun muối biển với kích thước và số lượng phù hợp để biến đổi đám mây, khiến việc thử nghiệm trong thế giới thực trở nên khó khăn.

Thử nghiệm ở Alameda mới đây nhằm mục đích kiểm tra máy phun muối mới, xác định xem liệu nó có hoạt động bên ngoài phòng thí nghiệm hay không - và nghiên cứu một số vật lý cơ bản về cách hạt di chuyển trong không khí.

Doherty nhấn mạnh các nhà nghiên cứu của Đại học Washington không cố gắng tăng sáng mây ở Alameda, nhưng nói thêm thí nghiệm giúp tìm hiểu “cách đám mây phản ứng với hạt… trong khí quyển và cách điều này ảnh hưởng đến khí hậu”.

Ngành công nghiệp vận tải biển đã tình cờ thử nghiệm về ý tưởng này trong nhiều thập kỷ, bằng cách thải hàng tấn sulfur dioxide vào khí quyển từ ống khói của tàu. Hạt sulfur, giống muối, giúp tạo thành giọt nước trong mây.

Theo nghiên cứu được công bố vào tháng 5 trên Communications Earth & Environment, khi quy định mới buộc các tàu ngừng thải sulfur vào năm 2020, nhiệt độ đại dương tăng lên - phần lớn là do mây ở đại dương không còn sáng như trước.

Giới nghiên cứu Australia tại Đại học Southern Cross đã bắt đầu thí nghiệm nhỏ tăng sáng mây đại dương gần Rạn san hô Great Barrier vào năm 2020, nhưng chưa công bố kết quả thuyết phục.

Tại sao việc này gây tranh cãi?

Một số nhóm môi trường phản đối việc tăng sáng mây đại dương cũng như "kỹ thuật geoengineering" khác. Họ lo ngại việc thay đổi hệ thống hành tinh sẽ gây ra hậu quả không lường trước được, đồng thời tạo cho những kẻ gây ô nhiễm cái cớ để tiếp tục bơm carbon vào khí quyển.

Hơn 70 tổ chức phi lợi nhuận về môi trường và nhóm hoạt động đã viết bức thư ngỏ phản đối chủ đề nghiên cứu này vào tháng 5.

 Một số nhóm môi trường lo ngại kỹ thuật "geoengineering" có thể thay đổi hệ thống hành tinh và gây ra hậu quả không lường. Ảnh: Bloomberg.

Một số nhóm môi trường lo ngại kỹ thuật "geoengineering" có thể thay đổi hệ thống hành tinh và gây ra hậu quả không lường. Ảnh: Bloomberg.

Đầu năm nay, một số nhà khoa học Harvard đã từ bỏ nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ nhằm thử nghiệm nghiên cứu "kỹ thuật geoengineering" khác, liên quan đến việc thả các hạt từ khinh khí cầu vào tầng bình lưu để phản chiếu ánh sáng Mặt Trời.

Dù cố gắng, họ không nhận được sự chấp thuận cho phép phóng khinh khí cầu từ Arizona, New Mexico và cuối cùng là Thụy Điển.

“Một số người cho rằng không nên nghiên cứu (về kỹ thuật geoengineering). Thí nghiệm ban đầu này trở thành ‘chiến trường’ đại diện cho câu hỏi lớn hơn về cách suy nghĩ khi phát triển công nghệ trên”, David Keith, nói. Ông đang chỉ đạo Sáng kiến Kỹ thuật Hệ thống Khí hậu tại Đại học Chicago và từng tham gia vào thí nghiệm địa kỹ thuật của Harvard.

Keith cho biết thêm cuộc tranh cãi địa phương về thí nghiệm nhỏ như ở Alameda có thể xác định tương lai của lĩnh vực nghiên cứu trên trong những năm tới.

“Thế hệ này có lẽ không phải là thế hệ đưa ra quyết định về việc triển khai công nghệ”, ông chia sẻ. “Quyết định đó sẽ chỉ được đưa ra trong 20 năm nữa bởi thế hệ tiếp theo. Hiện tại, lựa chọn duy nhất của chúng ta là: Chúng ta có nghiên cứu chúng hay không?”.

Minh An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tranh-cai-ve-viec-ban-muoi-len-troi-de-lam-mat-trai-dat-post1479786.html