Tranh cãi việc Anh cấp phép khai thác dầu khí tại Biển Bắc

Anh tiết lộ kế hoạch cấp thêm hàng trăm giấy phép khai thác dầu khí tại Biển Bắc. Động thái này gây nhiều tranh cãi do dầu và khí đốt đều là nhiên liệu hóa thạch đang góp phần khiến nhiệt độ toàn cầu gia tăng.

Thế giới vừa trải qua tháng 7 nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử khi sóng nhiệt càn quét miền Nam châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Chương trình quan sát Trái đất Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), nhiệt độ toàn cầu trong tháng này đã phá vỡ mọi kỷ lục. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (UN) Antonio Guterres cũng tuyên bố, kỷ nguyên nóng lên toàn cầu đã kết thúc và “kỷ nguyên sôi sục toàn cầu đã đến”.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học khí hậu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, lo ngại tình trạng thời tiết nắng nóng sẽ trở nên thường xuyên hơn khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng. Một trong những “thủ phạm” chính đằng sau hiện tượng cực đoan này là việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Thế giới trải qua tháng 7 nóng nhất lịch sử. Ảnh: Reuters

Thế giới trải qua tháng 7 nóng nhất lịch sử. Ảnh: Reuters

Do vậy, việc Anh công bố kế hoạch cấp hàng trăm giấy phép khai thác dầu và khí đốt mới ở Biển Bắc đã làm dấy lên nhiều lo ngại và tranh cãi, đặc biệt trong bối cảnh xứ Sương mù vẫn duy trì những cam kết đưa mức phát thải ròng về 0.

Quyết định cấp số lượng lớn giấy phép nằm trong kế hoạch để Anh tăng cường an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, cung cấp năng lượng với giá cả phải chăng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời, bảo vệ hơn 200.000 việc làm trong ngành đóng vai trò quan trọng đối với phát triển nền kinh tế quốc gia.

Ủy ban Biến đổi khí hậu (CCC), cơ quan tư vấn độc lập của Anh, dự đoán, khoảng 1/4 nhu cầu năng lượng tại quốc gia này sẽ được đáp ứng bằng dầu và khí đốt khi đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Anh cũng đang thực hiện các bước cần thiết để làm chậm đà suy giảm sản lượng trong nước của hai loại nhiên liệu này, nhằm bảo đảm nguồn cung năng lượng nội địa và giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia khác.

Kế hoạch của Anh vấp phải chỉ trích từ cựu Bộ trưởng Năng lượng Chris Skidmore vốn theo đuổi chính sách “xanh”. Nghị sĩ Đảng Bảo thủ đánh giá các giấy phép mới là “quyết định sai lầm vào đúng thời điểm, khi phần còn lại của thế giới đang trải qua những đợt nắng nóng kỷ lục”.

Giàn khoan dầu BP Eastern Trough Area Project (ETAP) ở Biển Bắc. Ảnh: Reuters

Giàn khoan dầu BP Eastern Trough Area Project (ETAP) ở Biển Bắc. Ảnh: Reuters

Lyndsay Walsh, cố vấn chính sách khí hậu của tổ chức phi chính phủ quốc tế Oxfam, lo ngại, việc khai thác nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn từ Biển Bắc sẽ phá hỏng các cam kết về khí hậu của Anh, ở thời điểm thế giới nên đầu tư vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon.

Trưởng bộ phận chính sách Mike Childs của Friends of the Earth, một mạng lưới quốc tế gồm các tổ chức môi trường tại 73 quốc gia, cho biết, biến đổi khí hậu đã tàn phá hành tinh với những đợt cháy rừng và nắng nóng chưa từng có. Việc cấp hàng trăm giấy phép dầu khí mới sẽ đổ thêm dầu vào lửa, trong khi không giúp ích gì cho an ninh năng lượng vì những nhiên liệu hóa thạch này sẽ được bán ra trên thị trường quốc tế.

Dù góp phần giúp thế giới phát triển hơn nhưng nhiên liệu hóa thạch đang gây ra những tác động khó lường. Hoạt động đốt loại nhiên liệu này thải khí CO2 vào bầu khí quyển, dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và khiến các đợt nắng nóng ngày càng kéo dài. Sự nóng lên toàn cầu sẽ tiếp tục xảy ra, kéo theo những hậu quả khí hậu ngày càng nghiêm trọng cho đến khi thế giới quyết liệt hơn trong nỗ lực giảm phát thải ròng khí CO2 về 0.

Năm 2015, Anh và 193 quốc gia khác chính thức phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Một trong những mục tiêu đã được thống nhất là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C, thậm chí hướng đến mục tiêu 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tuy nhiên, báo cáo tổng hợp mới nhất của Hội đồng Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã vạch ra kịch bản không mong muốn. Theo đó, nhiệt độ toàn cầu sẽ vượt 1,5 độ C và có thể chạm mốc nguy hiểm 2 độ C nếu thế giới đốt cháy tất cả nhiên liệu hóa thạch hiện có. Các dự án khai thác nhiên liệu hóa thạch mới cũng sẽ khiến nỗ lực ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu ngày càng khó khăn.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tranh-cai-viec-anh-cap-phep-khai-thac-dau-khi-tai-bien-bac-637218.html