Tranh cãi việc phạt học sinh bằng cách bắt đọc sách
'Đọc một cuốn sách hay giúp các em có sự lắng đọng trong tâm hồn, biết yêu thương nhiều hơn, từ đó giảm bớt những xung đột nơi học đường', thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân khẳng định.
LTS: Theo dòng chủ đề 'Có nên áp dụng hình phạt đọc sách trong học đường và giáo dục con cái', VietNamNet xin chia sẻ một số ý kiến của các chuyên gia và nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam, đồng thời là những ông bố, bà mẹ đời thường luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con trẻ.
Đầu tháng 4/2023, Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) bắt đầu áp dụng hình thức xử phạt mới đối với học sinh. Thay vì phải viết bản kiểm điểm, chép phạt, lao động công ích, học sinh vi phạm nội quy được yêu cầu lên thư viện, tìm một cuốn sách để đọc sau đó viết lại cảm nhận của mình.
Giải thích về việc "đọc sách, viết cảm nhận", thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết muốn có hình phạt cho học sinh thấm thía, phù hợp với các em nhưng phải mang định hướng giáo dục của nhà trường.
"Thông qua hình thức này, nhà trường muốn gửi đến hai thông điệp: Hình thành văn hóa đọc cho học sinh; Đọc một cuốn sách hay giúp các em có sự lắng đọng trong tâm hồn, biết yêu thương nhiều hơn, từ đó giảm bớt những xung đột học đường”, thầy Phú cho hay.
Hiệu trưởng trường Bùi Thị Xuân khẳng định: “thực tế, học sinh của trường thích thú với hình thức này, cho tới nay phụ huynh cũng rất đồng tình".
Khuyến khích văn hóa đọc trong nhà trường
Từ tháng 10/2022, trường THCS & THPT Lương Thế Vinh cơ sở 1 bắt đầu áp dụng hình thức xử lý học sinh vi phạm nội quy bằng việc đọc sách và viết bài thu hoạch.
Theo đó, đối với học sinh vi phạm nội quy, nhà trường sẽ được yêu cầu lên thư viện vào chiều thứ 7 hàng tuần, tự chọn sách để đọc trong thời gian quy định dưới sự giám sát của thủ thư. Khi kết thúc giờ đọc, các em viết cảm nhận của mình về những gì đã tiếp thu từ cuốn sách, nhân viên thư viện tiến hành kiểm tra bài thu hoạch. Nếu không đạt yêu cầu học sinh phải thực hiện hình thức xử lý kỷ luật khác.
Cô Văn Liên Na, Phó Hiệu trưởng cho biết, việc yêu cầu học sinh đọc sách không chỉ đơn thuần là hình thức phạt mà còn là biện pháp mang tính giáo dục và nhân văn nhằm khuyến khích đọc sách và giúp các em nhận thức được hành vi của mình. Tùy từng trường hợp, mức độ vi phạm, nhà trường sẽ áp dụng biện pháp kỷ luật này. Đặc biệt, mọi hình thức xử lý đều có sự trao đổi và đồng thuận của cha mẹ nhằm đảm bảo phối hợp trong việc giáo dục học sinh.
Đại diện nhà trường bày tỏ mong muốn, thời gian tới biện pháp xử lý kỷ luật này sẽ được nhân rộng trong môi trường giáo dục, giúp học sinh nhận thức được giá trị của đọc sách, phát triển khả năng ngôn ngữ, kiến thức và tư duy. Đồng thời, các em cũng hiểu rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của việc tuân thủ quy tắc, nội quy trường lớp.
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc công ty First News - Trí Việt cũng cho rằng đây là hình thức phạt “nhân văn và nên lan tỏa ra cả nước”.
Một giáo viên trường Tiểu học Tốt Động (Hà Nội) bày tỏ, nhìn ở góc độ phương pháp giáo dục, phạt đọc sách trở thành nhiệm vụ phải làm để chuộc lỗi. “Trong bối cảnh học sinh đang có xu hướng lười đọc, có thể xem đây là hình thức giáo dục sáng tạo, khuyến khích văn hóa đọc trong nhà trường”.
TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh - người sáng lập Câu lạc bộ Đọc sách cùng con cho rằng “phạt đọc sách rất độc đáo và có ích”. Theo bà, khoảng thời gian ngồi trong thư viện giúp trẻ bình tâm lại để nghĩ về lỗi sai, hành vi chưa phù hợp của mình. Tuy nhiên, hình phạt không có hiệu quả nếu chỉ đơn giản là yêu cầu các em đọc sách. Vẫn cần sự trò chuyện, trao đổi thẳng thắn, chân tình sau đó giữa giáo viên và học sinh dựa trên nội dung cuốn sách mà thầy cô gợi ý cho trò đọc, ghi lại câu văn phải suy ngẫm, liên hệ với lỗi lầm của mình.
Nếu không có phương pháp, việc “đọc như một hình thức phạt” cũng trở thành một hoạt động hời hợt, không giúp trẻ nhìn được lại mình để điều chỉnh thái độ, hành vi.
Để việc đọc trở thành thú vui
"Tôi rèn luyện cho con từ nhỏ thói quen đọc sách, truyện tranh, coi đó như một quyền lợi. Hôm nào không hoàn thành tốt việc nhà, ăn uống vệ sinh trễ giờ sẽ bị phạt không được đọc. Mỗi lần như thế bé rất tiếc nuối. Nay đến trường, đọc sách lại trở thành hình phạt, e rằng sẽ tạo tâm lý ngược cho con?", chị Ngọc Linh - một phụ huynh băn khoăn.
Theo ông Nguyễn Quốc Vương - tác giả của cuốn Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam, Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm, phạt học sinh đọc sách là con dao hai lưỡi. Đặc biệt khi trẻ chưa hình thành nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của sách lẫn định nghĩa của cụm từ "bị kỷ luật". Học sinh sau khi bị phạt có thể ghét/yêu sách. Vì vậy, biện pháp này nên áp dụng cho người lớn, những công ty, tổ chức, đoàn thể nhằm thúc đẩy văn hóa đọc lan rộng.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khẳng định, mọi đứa trẻ trên thế giới đều thích nghe kể chuyện. Thói quen đọc sách là sự nối dài việc nghe chuyện dưới hình thức chủ động. Đó là một hành vi, một nhu cầu như chạy nhảy, bơi lội, đùa nghịch, hát hò, vẽ vời. Nhưng hạt giống của thói quen đó phải có ai gieo trồng trong đầu đứa trẻ từ thuở ấu thơ bằng những câu chuyện kể, những cuốn sách làm quà tặng. Để nhu cầu đọc sách nảy mầm và trở thành một khát khao tự nhiên.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhấn mạnh, trẻ em đến với sách trước hết vì niềm vui. Các em đọc do thích thú chứ không phải nghĩa vụ nên mới có câu "thú đọc sách". Nó cũng như câu cá, đánh cờ, chơi tem là hoạt động hoàn toàn tự nguyện.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/phat-doc-sach-de-giam-bot-xung-dot-hoc-duong-2149103.html