Tranh chân dung - Một lịch sử rút gọn của hội họa
Triển lãm chủ đề 'Tranh chân dung - Một lịch sử rút gọn của hội họa' do không gian nghệ thuật Eight Gallery (số 357/2 đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Tân Bình, TPHCM) tổ chức, diễn ra từ nay đến ngày 10-11. Triển lãm trưng bày hơn 60 tác phẩm chân dung của nhiều thế hệ họa sĩ, từ các họa sĩ lão thành của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cho đến các họa sĩ trẻ của hội họa Việt Nam đương đại.
Triển lãm trưng bày các tác phẩm tranh chân dung của nhiều họa sĩ như: Nguyễn Phan Chánh, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Lưu Công Nhân, Ca Lê Thắng… được thể hiện qua các chất liệu sơn dầu, màu nước, bột màu, phấn màu, chì than... Qua sự đa dạng về chất liệu và phong cách các họa sĩ không chỉ nhấn mạnh cái đẹp, mà còn đưa người xem đến được thế giới nội tâm của nhân vật, thể hiện cái nhìn về con người và sự vật.
Nghệ thuật vẽ chân dung có một lịch sử lâu dài ở phương Đông và phương Tây, nhu cầu thể hiện gương mặt con người là một trong những chủ đề được quan tâm nhất của nghệ thuật biểu hình. Những bức chân dung đẹp không chỉ cho thấy vẻ đẹp ngoại hình mà còn là thế giới nội tâm của nhân vật.
Khái niệm vẻ đẹp nội tâm của con người cũng khác biệt theo quan điểm của từng họa sĩ và từng phong cách nghệ thuật. Nói về triển lãm tranh chân dung lần này, nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn chia sẻ: “Nghệ thuật tranh chân dung còn phản ánh lịch sử hội họa nói chung, từ chủ nghĩa hiện thực nhiếp ảnh, các trường phái ấn tượng, biểu hiện, tượng trưng, siêu thực... đến phong cách đồ họa hiện đại, nhưng cũng cho thấy lịch sử hội họa không phải là một dòng chảy tuyến tính mà còn là các phong cách không ngừng tái hiện.
Khuôn mặt con người là nơi tập trung những năng lực biểu cảm, việc vẽ khuôn mặt là để thể hiện đầy đủ các cung bậc cảm xúc tinh tế qua vô số biến thể, là kết hợp của đường nét, màu sắc và bố cục. Người ta nói rằng, con mắt là cửa sổ của tâm hồn, và các họa sĩ cũng thường tập trung diễn tả đôi mắt, nhưng danh họa Amedeo Modigliani lại chỉ phác họa một vài nét đơn giản cho đôi mắt và lông mày, thậm chí nhiều bức chân dung không có mắt...
Thích thú với những tác phẩm thể hiện chân dung, chị Nguyễn Thu Hòa (34 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa, ngụ quận Tân Bình, TPHCM), chia sẻ: “Tranh chân dung khiến người xem thú vị ở chỗ có những khuôn mặt nhìn rất quen, cho người ta cảm giác như đã từng gặp ở đâu đó, nhưng thực tế chỉ là một người mẫu ngẫu hứng nào đó của các họa sĩ. Hay có những bức tranh tả thực đến mức rõ từng chân tóc, nếp nhăn để người xem nhìn ra tài năng của người cầm cọ”.
Nhiều nhà sưu tập lẫn các họa sĩ trong giới cũng quan niệm, ở thể loại tranh chân dung, người nghệ sĩ thể hiện rõ ràng nhất cái nhìn của mình về con người và sự vật, qua đó, thể hiện thế giới nội tâm của chính mình chứ không chỉ là của nhân vật. Vì thế, dù họa sĩ vẽ chân dung của bất kỳ ai, ít hay nhiều cũng là một chân dung tự họa. Và triển lãm tranh chân dung là cuộc đối thoại trong im lặng của tác giả và người thưởng lãm.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tranh-chan-dung-mot-lich-su-rut-gon-cua-hoi-hoa-post766555.html