Tranh chấp biên giới Trung - Ấn: Ấn Độ tuyên bố kiên quyết không nhân nhượng!

Cuộc đối đầu Trung - Ấn tại khu vực Ladakh tranh chấp trên biên giới hai nước ngày càng căng thẳng, quan chức cấp cao Ấn Độ tuyên bố cứng rắn chính phủ Ấn Độ 'sẽ không mảy may thỏa hiệp'. Theo giới truyền thông phân tích, so với vụ việc Doklam năm 2017, lần này phía Trung Quốc có vẻ mềm mỏng hơn.

Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ liên tục đối đầu căng thăng tại khu vực tranh chấp biên giới ở Ladakh (Ảnh: Đa Chiều)

Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ liên tục đối đầu căng thăng tại khu vực tranh chấp biên giới ở Ladakh (Ảnh: Đa Chiều)

Ấn Độ cứng rắn: “Quyết không mảy may thỏa hiệp”

Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều dẫn nguồn trang web India.com ngày 2/6 nói, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah tuyên bố, trong cuộc đối đầu giữa các lực lượng quân đội Trung Quốc và Ấn Độ tại Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở Ladakh, chính phủ do Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo "sẽ quyết không mảy may thỏa hiệp”.

Ông Amit Shah nói thêm, Ấn Độ đang giải quyết vấn đề này thông qua các kênh quân sự và ngoại giao. Ông nhấn mạnh, dù trên đất liền hay trên biển, Ấn Độ sẽ không bao giờ có bất kỳ thỏa hiệp nào trong việc bảo vệ an ninh biên giới. Đó là điều không chút nghi ngờ.

Ông nói rằng chính phủ trung ương Ấn Độ có trách nhiệm bảo vệ biên giới quốc gia.

Trước đó vào ngày 1/6, Đảng Quốc Đại Ấn Độ đã lên tiếng chỉ trích chính phủ và bày tỏ nghi ngờ về việc của chính phủ của Thủ tướng Modi "giữ im lặng" trong vấn đề "người Trung Quốc mặt dầy vô liêm sỉ xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ".

Ông Randeep Surjewala, người phát ngôn viên chính của Đảng Quốc Đại, tuyên bố “an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ không thể bị xâm phạm” và đặt ra một loạt câu hỏi với chính phủ về tình hình ở khu vực biên giới Ladakh.

ông Amarinder Singh, người đứng đầu bang Punjap: Ấn Độ không muốn có một cuộc chiến tranh nhưng cảnh báo Trung Quốc “chớ có ý đồ xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ” (Ảnh: The Hindustan).

Theo trang web tin tức Republic World của Ấn Độ ngày 31/5, về cuộc đối đầu Trung-Ấn, ông Amarinder Singh, người đứng đầu bang Punjap nói cùng ngày, Ấn Độ không muốn có một cuộc chiến tranh nhưng cảnh báo Trung Quốc “chớ có ý đồ xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ”.

Trong một tuyên bố quan trọng, ông Amarinder Singh, người từng là Thượng úy trong quân đội Ấn Độ, nói Ấn Độ “sẽ không tha thứ cho bất kỳ sự bắt nạt nào từ phía Trung Quốc” và nói thêm “hiện giờ không phải là năm 1962”.

Ông Singh cho biết Trung Quốc không thể ngăn cản việc Ấn Độ xây dựng bất kỳ cơ sở hạ tầng nào ở phía lãnh thổ Ấn Độ trên biên giới.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài AT (Aaj Tak) vào ngày 30/5, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh nói Ấn Độ và Trung Quốc đang tiến hành một cuộc đối thoại quân sự và ngoại giao để giải quyết cuộc đối đầu ở khu vực Ladakh.

Ông Rajnath Singh đã đề cập đến cuộc đối đầu Doklam năm 2017: "Tình hình lúc đó có vẻ rất căng thẳng. Nhưng chúng ta đã không lùi bước ... cuối cùng, chúng ta đã giải quyết được tình thế”.

Ông Singh cũng nói: "Nhân dân Ấn Độ hãy yên tâm. Trong bất cứ tình huống nào, chúng tôi cũng không cho phép nhân phẩm của Ấn Độ bị xâm hại”.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh: "Nhân dân Ấn Độ hãy yên tâm. Trong bất cứ tình huống nào, chúng tôi cũng không cho phép nhân phẩm của Ấn Độ bị xâm hại” (Ảnh: AT).

Ai đã gây ra xung đột? Hai bên đổ lỗi cho nhau

Cuộc đối đầu Trung-Ấn lần này đã bùng phát như thế nào? Tuyên bố của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với cáo buộc của Ấn Độ rằng "PLA đã xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ".

Theo những tình hình cuộc đối đầu được tờ Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc tiết lộ vào ngày 18/5 thì, kể từ đầu tháng 5, phía Ấn Độ đã vượt qua đường ranh giới ở khu vực Thung lũng Galwan trên biên giới Trung-Ấn để vào lãnh thổ Trung Quốc, xây dựng các rào cản và ngăn chặn lực lượng biên phòng Trung Quốc tuần tra, cố tình gây sự và ý đồ đơn phương thay đổi hiện trạng kiểm soát biên giới.

Trong khi đó, truyền thông Ấn Độ nói rằng sự bế tắc ở Thung lũng Galwan có liên quan đến các hoạt động xây dựng của Ấn Độ, bao gồm việc xây dựng một con đường bên trong lãnh thổ Ấn Độ từ Dharchuk qua Shyok đến Daulat Beg Oldie ở vùng Ladakh, hiện tại đó có một sân bay tuyến trước (ALG) đã được sửa chữa.

Theo phân tích, xét từ góc độ quân sự, đây có thể là sân bay dã chiến nằm ở độ cao nhất thế giới và Ấn Độ có thể hạ cánh máy bay vận tải C-130J tại đây, qua đó tăng cường đáng kể khả năng vận chuyển hàng không chiến lược của họ.

Xuồng chiến đấu Trung Quốc thuộc "Hạm đội Biển Tây" trên hồ Pangong (Ảnh: Đa Chiều).

Truyền thông Ấn Độ tiết lộ, quân đội Ấn Độ đã ra lệnh tăng viện binh lực ở phía đông Ladakh và điều động một số tiểu đoàn bộ binh từ những nơi khác đến. Sư đoàn bộ binh ở Leh và các đơn vị khác cũng đã được đưa vào đóng quân lâu dài ở khu vực báo động chiến đấu trên tiền tuyến.

Hồ Pangong nằm trên độ cao 4.400 mét so với mực nước biển và Thung lũng Galwan đều là những nơi xảy ra xung đột Trung-Ấn vào năm 1962, vì vậy nhiều cơ quan truyền thông Ấn Độ cho rằng lần này có thể lặp lại "cuộc đối đầu Doklam (Trung Quốc gọi là Donglang) năm 2017".

Những điểm khác với cuộc đối đầu Doklam, Trung Quốc tỏ ra mềm mỏng

Theo tin của Times of India ngày 25/5, các lực lượng vũ trang Trung Quốc và Ấn Độ liên tục đối đầu với nhau tại nhiều địa điểm dọc biên giới và đưa quân tăng viện. Các quan chức an ninh Ấn Độ đã tiết lộ với giới truyền thông. Ấn Độ sẽ không ngừng các hoạt động ở biên giới và đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đối đầu lâu dài với Trung Quốc.

Trang mạng trực tuyến Trung Quốc "Sina quân sự" ngày 2/6 đã đăng tải một bài báo phân tích nói, điều tương tự với sự kiện Doklam là cả hai bộ ngoại giao Trung Quốc, Ấn Độ và các cơ quan truyền thông chính thức hai bên đều thể hiện thái độ rất cứng rắn.

Trung Quốc tung hình ảnh đánh đập và bắt giữ 5 linh Ấn Độ ven hồ Pangong (Ảnh: Đa Chiều).

Tuy nhiên, bài báo viết, lần này Trung Quốc có vẻ kiềm chế hơn. Trung Quốc dường như không nhấn mạnh sự kiện này. Rõ ràng, họ muốn giảm nhẹ cuộc xung đột để vì đại cục quan hệ Trung - Ấn.

Đa Chiều nhận xét, cuộc đối đầu Trung-Ấn hiện vẫn chưa thấy bất kỳ dấu hiệu hòa dịu nào. Tin tức từ nhiều nguồn cho thấy hai bên vẫn đang tiếp tục tăng quân. Theo trang Defense News ngày 1/6, các nguồn tin quân sự ngày 31/5 tiết lộ quân đội Ấn Độ và quân đội Trung Quốc đang đưa các thiết bị và vũ khí hạng nặng, bao gồm pháo và xe chiến đấu, đến các căn cứ phía sau ở phía đông Ladakh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 27/5 đã tuyên bố trên Twitter, Mỹ mong muốn đứng ra hòa giải các vấn đề liên quan ở biên giới Trung - Ấn.

Trực thăng Apache của quân đội Ấn Độ được đưa tới gần khu vực tranh chấp (Ảnh: Đa Chiều).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khi trả lời về điều này tại cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 29/5, nói rằng lập trường của Trung Quốc về vấn đề biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ là nhất quán và rõ ràng; trước nay luôn thực hiện nghiêm túc sự đồng thuận quan trọng giữa lãnh đạo hai nước, tuân thủ chặt chẽ các thỏa thuận liên quan mà hai nước đã ký kết, dốc sức bảo vệ chủ quyền và an ninh lãnh thổ quốc gia và duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới Trung - Ấn.

Triệu Lập Kiên nói, hiện tại, tình hình ở khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ nói chung là ổn định và có thể kiểm soát được. Giữa Trung Quốc và Ấn Độ có các cơ chế và kênh liên lạc hoàn thiện liên quan đến biên giới. Cả hai bên đều có khả năng giải quyết ổn thỏa các vấn đề giữa hai nước thông qua đối thoại và tham vấn, không cần sự can dự của bên thứ ba.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/tranh-chap-bien-gioi-trung-an-an-do-tuyen-bo-kien-quyet-khong-nhan-nhuong-390982.html