Tranh chấp địa giới hành chính là vấn đề nóng

Sáng 28/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo khoa học của Đề tài cấp Bộ 'Pháp luật về quản lý địa giới hành chính - thực trạng và giải pháp hoàn thiện' theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Nhiều chuyên gia, đại biểu nhận định, tranh chấp về địa giới hành chính vẫn đang là vấn đề nóng chưa được giải quyết dứt điểm ở nhiều địa phương, trong khi pháp luật về điều chỉnh địa giới hành chính vẫn chưa theo kịp một số chủ trương mới và quan trọng của Đảng.

Nêu lên những bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật điều chỉnh về địa giới hành chính, một số đại biểu đánh giá, việc chia tách đơn vị hành chính được diễn ra thường xuyên trong giai đoạn từ năm 2002 đến nay không phải là biện pháp để đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền mà còn tạo thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước nếu việc thành lập này không mang lại hiệu quả kinh tế xã hội rõ rệt cho đơn vị được thành lập và đơn vị sau khi điều chỉnh.

Bên cạnh đó, khi một đơn vị hành chính mới được thành lập thì hoạt động của bộ máy chính quyền nơi đó sẽ gặp nhiều khó khăn, có những đơn vị hành chính phải đóng trụ sở tạm bợ rất lâu, ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu quả công việc. Đáng nói, việc tranh chấp địa giới hành chính giữa tỉnh nọ với tỉnh kia gây ra không ít hệ lụy cho người dân. Những vướng mắc này xuất phát từ pháp luật điều chỉnh về địa giới hành chính còn chồng chéo, thiếu đồng bộ. Đa số quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này nằm ở văn bản dưới luật.

Ông PHẠM VĂN HÒA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “Những văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương như của Bộ Nông nghiệp, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Nội vụ thực hiện theo nghị định, theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ còn bất cập. Bộ Nội vụ thì hướng dẫn quản lý nhà nước về hành chính, còn Bộ Tài nguyên - Môi trường thì quản lý về đất đai. Người dân cũng rất phiền hà, nếu người dân hai bên giáp ranh với nhau, việc cấp quyền sử dụng đất vẫn chưa cấp được.”

Để khắc phục những bất cập trong pháp luật về quản lý địa giới hành chính, nhiều đại biểu kiến nghị cần sớm hoàn thiện pháp luật về xác lập, điều chỉnh địa giới hành chính các cấp chính quyền địa phương. Việc này cần phải tính đến các yếu tố được đổi mới về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, giảm bớt thủ tục xây dựng ở các cấp chính quyền.

Ông PHAN THÁI BÌNH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: “Trước hết, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, rà soát lại toàn bộ văn bản luật và dưới luật về vấn đề này, từ đó thấy những vấn đề gì không còn phù hợp với thực tiễn thì phải điều chỉnh kịp thời. Cái lớn nhất là kiến nghị với UBTVQH, Quốc hội cho nghiên cứu tổng thể, toàn diện, đầy đủ trên cơ sở một dự án luật, nội hàm là luật về địa giới hành chính.”

Điều quan trọng khác để cải thiện thực trạng quản lý địa giới hành chính hiện nay là pháp luật về địa giới hành chính phải gắn chặt với cải cách hành chính, đặc biệt là tập trung xây dựng Chính phủ điện tử ở các cấp chính quyền địa phương.

Thực hiện : Diệu Linh Ngọc Tuấn

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tranh-chap-dia-gioi-hanh-chinh-la-van-de-nong