Tranh chấp lãnh thổ, xung đột quân sự trên thế giới đang tác động đến thị trường dầu khí toàn cầu (Kỳ 2)
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran tại vùng Vịnh luôn khiến thế giới lo ngại về dòng dầu vận chuyển qua eo biển Hormuz có thể bị chặn lại.
Kỳ 2: Căng thẳng Mỹ - Trung Đông và Hiểm lộ Hormuz
Eo biển Hormuz là một eo biển hẹp có chiều dài khoảng 167 km và rộng khoảng 33 km tại vị trí hẹp nhất. Đây là con đường chiến lược trên biển để kết nối các nhà sản xuất dầu thô và khí đốt ở Trung Đông với các thị trường tiêu thụ toàn cầu. Eo biển Hormuz cũng là tuyến đường biển đông đúc nhất thế giới bởi tàu bè có rất ít lựa chọn khác nếu không đi qua eo biển này. Theo dữ liệu của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) năm 2018, mỗi ngày có khoảng 21% nguồn cung dầu thô, hơn 30% nguồn cung khí hóa lỏng toàn cầu được vận chuyển qua eo biển này. EIA coi Hormuz là một "hiểm lộ biển" (chokepoint), ám chỉ một eo biển hẹp nằm trên một tuyến đường biển dài có ý nghĩa sống còn đối với an ninh năng lượng thế giới. Nếu một "hiểm lộ biển" bị đóng lại, dù chỉ tạm thời, nguồn cung dầu toàn cầu có thể bị gián đoạn nghiêm trọng, đẩy giá năng lượng tăng vọt.
Chính vì tầm quan trọng của eo biển chiến lược này, nên Iran - một trong những quốc gia nắm quyền kiểm soát eo biển Hormuz thường sử dụng Hormuz như một công cụ để đe dọa Mỹ vàphương tây mỗi khi căng thẳng leo thang.
Căng thẳng Mỹ - Iran bước vào giai đoạn leo thang mới sau những vụ việc như: Mỹ ám sát tướng Qassem Soleimani của Iran và Iran trả đũa bằng không kích vào căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq. Cho dù cả hai hiện tại vẫn chìm trong khủng hoảng đại dịch Covid-19 song căng thẳng đang leo thang lên cấp độ mới.
Lần đầu tiên, hai bên ra lệnh sẵn sàng nổ súng. Tổng thống Mỹ D.Trump lệnh cho tàu chiến Mỹ đánh chìm những chiếc xuồng vũ trang của Iran quấy nhiễu hoạt động của hải quân Mỹ trên vịnh Ba Tư. Đáp trả lại tuyên bố từ phía Mỹ, phía Iran lệnh cho quân đội nước này được khai hỏa vào tàu chiến Mỹ nếu an ninh và chủ quyền của Iran bị xâm hại. Mới đây nhất (30/6), Iran đưa ra tuyên bố gây sốc khi đề nghị Interpol tiến hành bắt giữ 36 cá nhân có liên quan đến vụ ám sát tướng Soleimani, trong đó có Tổng thống Mỹ D.Trump. Interpol đã từ chối đề nghị này.
Nhận xét và đánh giá
Rõ ràng, bất cứ hành động quân sự nào của Mỹ và Iran vượt quá giới hạn có thể khơi mào cho một cuộc trả đũa, cao hơn là xung đột quân sự và có thể dẫn đến bùng nổ chiến tranh. Thị trường dầu mỏ toàn cầu vốn đã chịu tác động từ cuộc khủng hoảng kép giá dầu và đại dịch vừa qua rất dễ bị tổn thương trước căng thẳng bùng phát giữa Mỹ và Iran hiện nay.Việc giá dầu vẫn đang duy trì ở ngưỡng 40 USD/thùng (thấp hơn 30% so với thời điểm trước khủng hoảng) vẫn tác động tiêu cực đến ngành dầu mỏ các nước, trong đó ngành dầu khí đá phiến đang chịu thiệt hại nặng nề. Không ngoại trừ khả năng việc một quốc gia hay một tổ chức nào đó có thể là phía Mỹ, Arab Saudi hay Iran, sử dụng sức mạnh của mình để làm "nóng" căng thẳng Mỹ - Iran, đẩy thị trường vào trạng thái lo sợ nhằm đẩy giá dầu tăng.
Chiến dịch quân sự của Arab Saudi tại Yemen
Cuộc chiến mà Arab Saudi khơi mào tại Yemen được thúc đẩy bởi những lo ngại về việc cung cấp và vận chuyển dầu. Căng thẳng khu vực với Iran đã biến eo biển Hormuz trở thành tuyến đường không đáng tin cậy cho 30% nguồn cung dầu và các cảng trung chuyển dầu mỏ. Sáng kiến về việc xây dựng các đường ống dẫn dầu thay thế nổi lên như một yếu tố quan trọng trong sự ổn định nền kinh tế Arab Saudi trong tương lai.
Để duy trì các cơ sở và hệ thống phân phối dầu thô không bị gián đoạn,Arab Saudi lên kế hoạch xây dựng một tuyến đường ống dẫn dầu qua tỉnh Al-Mahra, tỉnh cực đông của Yemen. Việc xây dựng đường ống này và cảng dầu mỏ Nishtoon trên bờ biển phía nam Yemen là kết quả của hai thập kỷ đàm phán và nỗ lực ngoại giao cuaẢrab Saudi. Sự bùng nổ cuộc nội chiến ở Yemen năm 2014 đã giúp choArab Saudi hỗ trợ và chi phối chính quyền mới của Yemen.
Điều trớ trêu là trong chiến dịch quân sự của Arab Saudi từ 2015 đến nay tại Yemen nhằm chống lại phong trào đối lập Houthi, thay vì thúc đẩy an ninh năng lượng, cuộc chiến càng làm cho các chiến binh Houthi trở nên ngoan cường và nguy hiểm hơn. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi vào tháng 9/2019 đã cho thấy các chiến binh bộ lạc Houthi có khả năng tấn công vào lãnh thổ Arab Saudi và làm gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu, gây thiệt hại nhiều tỷ USD cho nguồn thu ngân sách cuaẢrab Saudi. Trong khi chính phủ và truyền thông tiếp tục phỏng đoán thủ phạm đầu sỏ cho các cuộc tấn công dầu mỏ thì một vấn đề đặt ra là tại sao Bộ dầu moẢrab Saudi không chuẩn bị cho tình huống bị tấn công mà hoàn toàn để rơi vào thế bị động.
Nhận xét và đánh giá
Houthi đã được coi là mối đe dọa dọc biên giới phía Nam Arab Saudi từ năm 2009. Các cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ Abqaiq cũng không phải là lần đầu tiên và hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai nếu Arab Saudi không tự đảm bảo an ninh tuyệt đối cho các cơ sở năng lượng của mình hay tiếp tục sa lầy vào cuộc chiến chống Houthi ở Yemen, đang tiêu tốn nhiều chiến phí. Chiến dịch vô tình tạo ra một mối đe dọa an ninh mới đối với các cơ sở sản xuất dầu mỏ cuaẢrab Saudi. Nếu dự án đường ống Al-Mahra trở thành hiện thực, chắc chắnArab Saudi sẽ phải tốn nhiều nhân lực và chi phí để đảm bảo an toàn thêm cho đường ống dẫn dầu mới này. Arab Saudi hiện chiếm hơn 10% sản xuất dầu thô toàn cầu và bất kỳ một sự gián đoạn sản xuất hay gián đoạn về vận chuyển dầu thô sẽ gây biến động lớn đối với thị trường dầu khí toàn cầu, đẩy giá dầu tăng.