Tranh chấp nhà văn hóa…
Với kinh nghiệm gần 50 năm công tác trong quân đội, cấp bậc hàm lên tới Đại tá, với bản lĩnh, tác phong và kỷ luật của người lính, cùng thâm niên xử lý những 'ca khó' trong công tác hòa giải cơ sở, bà Nguyễn Thị Bích Lộc (70 tuổi, địa bàn dân cư số 1, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội) đã hòa giải thành công mâu thuẫn giữa những 'cái tôi' quá lớn.
Câu chuyện hòa giải:
Nhà văn hóa địa tổ dân phố số 11 và 12 phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình rộng và khang trang. Đây là nơi hoạt động cộng đồng chung của 2 tổ dân phố cũng như diễn ra các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... nhằm duy trì, phát huy giá trị văn hóa truyền thống xây dựng nếp sống văn minh đô thị trong các tầng lớp Nhân dân.
Tại phường Vĩnh Phúc, các phong trào, hoạt động cộng đồng rất sôi nổi và phát triển nên các nhà văn hóa trên địa bàn phường nói chung và nhà văn hóa số 11 và 12 nói riêng ngày nào cũng đầy ắp các hoạt động.
Một câu lạc bộ bóng bàn được thành lập và quản lý bởi Hội Người cao tuổi phường. Câu lạc bộ này kê 2 chiếc bàn tại góc của nhà văn hóa và hàng ngày tổ chức đánh bóng bàn với nhiều khung giờ. Thành viên của câu lạc bộ chủ yếu là những người đã nghỉ hưu, bao gồm cư dân trên địa bàn phường và nhiều thành viên đến từ các phường khác. Sau khi đi vào hoạt động, mâu thuẫn bắt đầu phát sinh giữa các thành viên trong câu lạc bộ và Nhân dân.
Lãnh đạo 2 tổ dân phố và các tầng lớp Nhân dân cho rằng câu lạc bộ sinh hoạt tại nhà văn hóa quá nhiều khung giờ trong ngày. Các thành viên khi chơi bóng thì gây ồn ào, làm ảnh hưởng đến các hoạt động khác như hội họp, tập văn nghệ, các buổi họp Chi bộ.
Ngoài ra, các thành viên câu lạc bộ cũng không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, khiến cho nhà văn hóa thường xuyên có rác thải, nhếch nhác…
Sau nhiều lần Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố và Nhân dân nhắc nhở, góp ý nhưng các thành viên không thay đổi nên Nhân dân đã thống nhất gửi đơn lên UBND phường và Hội Người cao tuổi đề nghị cấm câu lạc bộ sinh hoạt tại nhà văn hóa.
Trước hành động quyết liệt của Nhân dân, các thành viên câu lạc bộ bóng bàn phản đối gay gắt… đẩy mâu thuẫn lên đỉnh điểm.
Bà Nguyễn Thị Bích Lộc chia sẻ, trước tình hình như trên, Đảng ủy và UBND phường đã đề nghị bà vào cuộc hóa giải mâu thuẫn. “Tôi nhận thấy vụ việc rất căng thẳng vì lãnh đạo 2 Tổ dân phố đều là những cán bộ nghỉ hưu, trước đây từng công tác tại nhiều cơ quan lớn, có những bác giữ những chức vụ cao, cấp bậc quân hàm cao. Còn phía câu lạc bộ thì đa số các thành viên cũng đều là cán bộ hưu trí, nhiều người đã từng công tác trong lực lượng vũ trang,… Để hóa giải mâu thuẫn giữa hai bên, với những cái đầu nóng và “cái tôi” quá lớn là cả một vấn đề”, bà Lộc chia sẻ.
Nhưng với kinh nghiệm gần 50 năm công tác trong quân đội, cấp bậc hàm lên tới Đại tá, với bản lĩnh, tác phong và kỷ luật của người lính, bà Lộc đã hòa giải thành công mâu thuẫn giữa 2 bên.
Bà Nguyễn Thị Bích Lộc kể: “Đầu tiên, tôi hẹn gặp đại diện lãnh đạo 2 Tổ dân phố cùng đại diện các hộ dân. Tại buổi làm việc, tôi đã phân tích rằng, việc các bác đề nghị UBND phường cấm câu lạc bộ bóng bàn sinh hoạt tại nhà văn hóa là hơi nóng vội và không đúng quy định. Bởi, chức năng của nhà văn hóa ngoài việc là nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng như cuộc hội họp phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của quần chúng nhân dân trên địa bàn.
Do đó, việc cấm câu lạc bộ sinh hoạt tại đây là không hợp cả tình lẫn lý. Câu lạc bộ bóng bàn là do Hội Người cao tuổi phường thành lập và quản lý, tại sao các bác không trao đổi với tôi mà lại gửi đơn vượt cấp lên UBND phường. Theo tôi, đại diện 2 tổ dân phố và đại diện câu lạc bộ nên ngồi lại với nhau, thảo luận và đưa ra quy định cụ thể về giờ giấc sinh hoạt bóng bàn”.
“Theo tôi, các bác cần thống nhất rõ với nhau nội quy sử dụng nhà văn hóa. Ví dụ: Khi tổ dân phố họp hay tập văn nghệ để phục vụ cho hoạt động của phường thì vào giờ đó câu lạc bộ bóng bàn không được sinh hoạt. Sau khi kết thúc cuộc họp hoặc các buổi tập văn nghệ thì câu lạc bộ sinh hoạt bình thường. Sau khi nghe tôi phân tích thì đại diện 2 tổ dân phố nhận ra sự nóng vội và hứa sẽ xử lý vụ việc theo hướng gợi ý của tôi”, bà Lộc kể.
Sau buổi làm việc với đại diện 2 tổ dân phố, bà Lộc đã gặp các thành viên câu lạc bộ bóng bàn. Tại buổi làm việc, bà Lộc phân tích rằng: “Nhà văn hóa là nơi duy trì các hoạt động cộng đồng ở tổ dân phố như họp tổ dân phố; các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... nhằm duy trì, phát huy giá trị văn hóa truyền thống văn xây dựng nếp sống văn minh đô thị trong các tầng lớp Nhân dân. Do đó, câu lạc bộ nên đặt các nhiệm vụ chính trị của phường, của tổ dân phố lên hàng đầu. Câu lạc bộ dừng sinh hoạt 1 hoặc 2 ngày cũng không ảnh hưởng gì nhưng các hoạt động phục vụ nhiệm vụ của phường và tổ dân phố thì không thể không diễn ra.
Ngoài ra, khi sinh hoạt, các thành viên cũng nên hạn chế lời ăn tiếng nói, không nên ức chế chỉ vì vài đường bóng thua mà cáu gắt, văng tục. Đặc biệt, các thành viên cũng nên có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung của nhà văn hóa. Các anh uống nước, hút thuốc trong giờ nghỉ giải lao, rồi vứt bữa bãi xuống nền nhà sẽ khiến Nhân dân bức xúc. Các anh bày bừa rác thải trong khi đại diện tổ dân phố phải đi dọn thì không ai có thể chịu đựng được mãi”.
“Sau khi nghe tôi phân tích, các thành viên câu lạc bộ hiểu ra những thiếu sót và hứa sẽ khắc phục”, bà Lộc cho hay.
Bà Lộc kể tiếp: “Sau ngày hôm đó, tôi thu xếp buổi hòa giải gồm có tôi, đại diện 2 tổ dân phố và đại diện câu lạc bộ bóng bàn tại nhà văn hóa tổ dân phố 11, 12. Tại buổi làm việc này, khi phát biểu ý kiến, các bên đều nhận thấy có những việc làm chưa phù hợp, khiến mâu thuẫn nảy sinh và bị đẩy lên đỉnh điểm. Hai bên có lời xin lỗi nhau, bắt tay giải hòa trong tiếng cười và niềm vui.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tranh-chap-nha-van-hoa-331052.html