Tranh chấp quyền lực phủ bóng lên tiến trình hòa bình
Thực hiện thỏa thuận với Taliban, Mỹ bắt đầu triển khai kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan. Chính quyền Kabul cũng chuẩn bị phóng thích khoảng 1 ngàn tay súng Taliban để dọn đường cho các cuộc thương lượng tiếp theo. Tuy nhiên, những diễn biến tích cực này bị phủ bóng đen bởi tranh chấp quyền lực chính trị trong nước khi cả hai ông Ashraf Ghani và Abdullah Abdullah cùng tuyên thệ nhậm chức Tổng thống.
Tổng thống Ghani ngày 9-3 tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai sau khi kết quả chính thức của cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 9-2019 xác nhận ông giành chiến thắng trước “đối thủ truyền kiếp” Abdullah. Ủy ban Bầu cử đã mất gần nửa năm kiểm phiếu lại do những cáo buộc gian lận, nhưng ứng viên Abdullah vẫn không công nhận kết quả cuối cùng. Quan chức điều hành chính phủ (chức danh như Thủ tướng) cùng ngày cũng tuyên thệ nhậm chức Tổng thống.
Mỹ trước đó đứng ra dàn xếp một sự chia sẻ quyền lực như cách đây 5 năm. Theo đó, ông Ghani làm Tổng thống và quyết định 60% thành viên chính phủ, ông Abdullah tiếp tục giữ ghế “Thủ tướng” và có 40% đại diện trong chính phủ. Tuy nhiên, ông Abdullah chỉ muốn làm Tổng thống.
Tranh chấp quyền lực giữa ông Ghani và ông Abdullah có nguy cơ đẩy Afghanistan vào cuộc khủng hoảng chính trị làm cản trở, thậm chí phá vỡ tiến trình hòa bình mà Mỹ đang thúc đẩy tại quốc gia Nam Á này.
Theo thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Taliban, từ ngày 10-3, chính quyền Kabul và Taliban bắt đầu các cuộc hòa đàm. Để tạo động lực cho các cuộc đàm phán, Tổng thống Ghani sẽ ký sắc lệnh thả tự do cho 1 ngàn tay súng Taliban trong số 5 ngàn người mà chính phủ đang giam giữ. Đổi lại, Taliban cũng sẽ thả 1 ngàn tù nhân. Về phần mình, Mỹ bắt đầu cắt giảm quân số từ mức hơn 12 ngàn hiện nay xuống còn 8.600 trong vòng 135 ngày.