Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ: Đề xuất giải quyết theo hình thức trực tuyến
Ngày 26/5, tại Hải Phòng, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) phối hợp BQL chương trình về hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DN nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025, đã tổ chức Hội nghị 'Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cho DN Việt trên môi trường số'. Ông Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế dự và chỉ đạo Hội nghị.
Các vi phạm SHTT ngày càng phức tạp
Hiện nay, vấn đề thực thi bảo vệ quyền SHTT nói chung và quyền SHTT trên môi trường số nói riêng nhận được nhiều sự quan tâm. Về cơ bản, khung pháp lý đã được xây dựng khá toàn diện, đầy đủ với việc ban hành Luật SHTT; Bộ luật Dân sự; BLHS; Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Mới đây, ngày 16/6/2022, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, trong đó có nhiều quy định mới nhằm tăng cường vấn đề thực thi và bảo vệ quyền SHTT trên môi trường số.
Ngày 26/4/2023, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật SHTT về quyền tác giả, quyền liên quan. Nghị định hướng dẫn cụ thể về quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số của DN cung cấp dịch vụ trung gian khi nhận được yêu cầu của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan. Đây là điểm mới quan trọng trong việc tăng cường trách nhiệm của các DN cung cấp dịch vụ trung gian trong việc phối hợp với các chủ thể quyền trong thực thi và bảo vệ quyền SHTT trên môi trường số.
Ông Cao Đăng Vinh cho biết, quyền SHTT bị vi phạm nhiều nhất trên môi trường số là quyền tác giả, quyền liên quan và nhãn hiệu. Các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng liên quan nhiều loại hình tác phẩm gồm âm nhạc, điện ảnh, chương trình truyền hình, thể thao…
Các hành vi xâm phạm nhãn hiệu chủ yếu diễn ra trong thương mại điện tử dưới 2 dạng: Tên miền có thành phần chính trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại đã được bảo hộ; và quảng cáo, mua bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử. Thậm chí, các hoạt động giao dịch thương mại đã vượt qua giới hạn địa lý, lãnh thổ.
Tại Hải Phòng, theo thống kê của Cục SHTT, từ 2019 - 2022, số lượng đơn đăng ký bảo hộ SHTT của các cá nhân, DN trên địa bàn là 2.397 đơn. Điều này cho thấy số lượng đơn đăng ký bảo hộ SHTT hàng năm vẫn còn chưa xứng với tiềm năng phát triển của DN. Nhiều DN chưa thực sự quan tâm đến nhãn hiệu, thương hiệu của mình.
Là TP cảng, đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, tình hình hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tại Hải Phòng diễn ra sôi động. Tuy nhiên, cũng vì lý do trên, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới diễn biến phức tạp, tinh vi hơn. Trong giai đoạn 2019 - 2022, các cơ quan thực thi quyền SHTT của TP đã phát hiện xử lý 142 vụ việc xâm phạm quyền SHTT, trong đó có 134 vụ việc xử lý vi phạm hành chính và 8 vụ xử lý hình sự.
Xuất phát từ thực tiễn, đại diện Sở KH&CN Hải Phòng nhận định còn khá nhiều rào cản liên quan công tác xử lý hàng hóa xâm phạm quyền SHTT. Kinh phí chi cho công tác giám định, xử lý hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT còn hạn hẹp. Việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực mới như thương mại điện tử, tên miền, các sản phẩm số hóa như phần mềm, lập trình ứng dụng, xâm phạm về sáng chế, tên doanh nghiệp và trên môi trường mạng internet... còn gặp vướng do thiếu văn bản quy định cụ thể.
Việc xác định hành vi vi phạm trong lĩnh vực SHTT cũng rất khó, phải căn cứ vào nhiều yếu tố như: ý kiến chuyên môn của Cục SHTT, kết quả giám định ở Viện Khoa học SHTT… Trong khi đó, những vi phạm thông qua các trang bán hàng trực tuyến, website bán hàng và đặc biệt là các trang mạng xã hội là “không có biên giới, không có rào cản địa lý”.
Cần rà soát điều chỉnh một số quy định pháp luật
Phát biểu tại Hội nghị, ThS Phan Vũ, Phòng Kinh tế tổng hợp (Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế) cho hay: Những tranh chấp mới phát sinh liên quan quyền SHTT thời gian gần đây luôn xoay quanh việc xác định, mổ xẻ giải quyết các vấn đề pháp lý.
Trước thực tế các vi phạm SHTT phức tạp, ông Vũ đề xuất mở rộng phạm vi các tranh chấp được giải quyết theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy hoạt động này thành một quy trình khép kín; hướng đến các quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp được tiến hành hoàn toàn trên không gian mạng.
Bên cạnh việc đẩy mạnh các dịch vụ có ý nghĩa trực tiếp với việc giải quyết tranh chấp trực tuyến như dịch vụ họp trực tuyến, cần phải đồng thời phát triển hệ thống dịch vụ bổ trợ như dịch vụ tiếp nhận và gửi đơn yêu cầu và tài liệu trực tuyến; chữ ký số từ xa…
Hiện nay, hoạt động giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải trực tuyến, trọng tài thương mại trực tuyến, tố tụng dân sự trực tuyến còn hạn chế về cả quy định pháp luật và thực tiễn triển khai. Để việc giải quyết tranh chấp vi phạm SHTT bằng hình thức trực tuyến được triển khai hiệu quả, các chuyên gia cũng cho rằng cần thống nhất ghi nhận tôn trọng giá trị pháp lý, giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử trong quá trình giải quyết tranh chấp; đối xử bình đẳng giữa thông tin được thể hiện bằng hình thức điện tử và thông tin được thể hiện trên văn bản giấy.
Để đạt được yêu cầu này, cần xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động công chứng, chứng thực dữ liệu điện tử; thừa phát lại với sự kiện, hành vi trên môi trường mạng.
Tại Hội nghị, một số DN tại Hải Phòng và các chuyên gia cũng trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực thi pháp luật về bảo vệ quyền SHTT trên môi trường số tại địa phương; phương hướng, giải pháp hoàn thiện cũng như nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ quyền SHTT trên môi trường số.
Kết luận Hội nghị, ông Cao Đăng Vinh nhấn mạnh: Những vấn đề pháp lý mới nêu trên đòi hỏi Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam cần nghiên cứu, rà soát hệ thống pháp luật nhằm điều chỉnh một số quy định; để vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, vừa hạn chế các rủi ro và bảo vệ lợi ích chung của xã hội.
Tại Hội nghị, đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam nhấn mạnh: Bảo hộ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số đang là vấn đề cấp bách mà cơ quan ban ngành cần phải triển khai quyết liệt, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền tác giả, đồng thời tăng cường hỗ trợ cho các tổ chức đại diện tập thể bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan và các chủ sở hữu quyền trong việc chủ động xử lý các hành vi xâm phạm.