Tranh chấp sở hữu trí tuệ - lỗi do hợp đồng không rõ ràng

Qua các phiên tòa về tranh chấp chất xám chúng ta thường thấy việc tranh chấp xảy ra do hợp đồng từ đầu không rõ ràng, thiếu chi tiết cụ thể, thiếu công bằng trong ứng xử đôi bên. Thực tế mâu thuẫn chỉ xảy ra khi có sự mất cân đối trong quyền lợi. Lẽ ra, yếu tố này cần được đề cập đến ngay trong hợp đồng.

Tác giả là người trực tiếp sáng tạo...

Gần đây nhất là vụ án tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt”, xử phúc thẩm ngày 3-9-2019. Nguyên đơn là ông Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh) và bị đơn là Công ty TNHH truyền thông giáo dục và giải trí Phan Thị (gọi tắt là Công ty Phan Thị) và bà Phan Thị Mỹ Hạnh (Giám đốc Công ty Phan Thị).

Tòa đã bác kháng cáo của Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh, giữ nguyên bản án sơ thẩm và công nhận ông Lê Linh là tác giả duy nhất của hình tượng 4 nhân vật trong truyện “Thần đồng đất Việt”. Hội đồng xét xử cũng buộc Công ty Phan Thị xin lỗi ông Lê Linh công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và thanh toán chi phí thuê luật sư bảo vệ tác quyền bị xâm phạm.

Theo nội dung đơn khởi kiện, họa sĩ Lê Linh đề nghị tòa án công nhận ông là tác giả duy nhất của hình tượng các nhân vật "Trạng Tí", "Sửu ẹo", "Dần béo" và "Cả Mẹo" trong bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” gồm 78 tập; không thừa nhận bà Mỹ Hạnh là đồng tác giả trong việc sáng tác 4 nhân vật trên. Đồng thời buộc Công ty Phan Thị phải chấm dứt việc tự tạo ra và sử dụng những biến thể khác nhau về các hình tượng do ông Lê Linh sáng tạo từ các tập “Thần đồng đất Việt” tiếp theo.

Bộ truyện tranh “Thần Đồng Đất Việt”.

Bộ truyện tranh “Thần Đồng Đất Việt”.

Trước đó, tại bản án sơ thẩm hồi tháng 2, TAND quận 1 đã tuyên họa sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất của bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt”, chấp nhận yêu cầu của ông Lê Linh về việc buộc Công ty Phan Thị phải chấm dứt việc tạo ra và sử dụng những biến thể khác nhau của những hình tượng do ông Linh sáng tạo…

Sau đó, Công ty Phan Thị đã có đơn kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm sửa toàn bộ án sơ thẩm theo hướng bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn, công nhận Công ty Phan Thị có quyền tự do sử dụng quyền tài sản, trong đó có quyền làm tác phẩm phái sinh đối với hình tượng các nhân vật "Trạng Tí", "Sửu ẹo", "Dần béo" và "Cả Mẹo".

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh đề nghị tòa sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng trên cơ sở giữ nguyên hiệu lực của các Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả do Cục Bản quyền tác giả đã cấp cho nguyên đơn là bà Phan Thị Mỹ Hạnh; công nhận họa sĩ Lê Linh là đồng tác giả với bà Phan Thị Mỹ Hạnh đối với hình tượng các nhân vật trên.

Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm, TAND TP Hồ Chí Minh đã trích dẫn những quy định được căn cứ theo hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ: “Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học...; tổ chức, cá nhân làm công việc hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả”.

Do đó, Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm xác định ngoài ông Lê Linh thì không có ai tham gia trực tiếp vào việc vẽ 4 hình tượng nhân vật nói trên nên công nhận ông Linh là tác giả duy nhất; bà Phan Thị Mỹ Hạnh chỉ là người góp ý để ông Linh hoàn thiện tác phẩm thì theo quy định của pháp luật, không phải là đồng tác giả.

Tại phiên phúc thẩm, đại diện bị đơn cho rằng, họa sĩ Lê Linh từng vẽ nhiều truyện gửi đến các nhà xuất bản nhưng đều bị từ chối do không có dấu ấn cá nhân. Suốt phiên tòa sơ thẩm, ông Linh không mô tả được ý tưởng ban đầu thì không thể là tác giả của các nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo trong “Thần đồng đất Việt”. Ông Linh nói phong cách sáng tác bộ truyện này giống với Sơn Tinh - Thủy Tinh sáng tác trước đó nhưng thực tế phong cách hai bộ truyện này khác nhau.

Về việc làm tác phẩm phái sinh, bên bị đơn cho rằng ông Linh là nhân viên theo hợp đồng của Công ty Phan Thị. Toàn bộ quyền tài sản đã chuyển giao cho công ty này, do đó Phan Thị được quyền làm tác phẩm phái sinh mà không cần sự đồng ý của ông Linh.

Hình tượng 4 nhân vật các bên tranh chấp.

Hình tượng 4 nhân vật các bên tranh chấp.

Đại diện bị đơn cũng không đồng ý bản án sơ thẩm cho rằng Phan Thị làm tác phẩm phái sinh "là xâm phạm đến sự toàn vẹn của tác phẩm" mà không đề cập đến "như thế nào là xâm phạm sự toàn vẹn của tác phẩm". Nếu bản án sơ thẩm được thực thi sẽ làm các nhà đầu tư nước ngoài về xuất bản, phim ảnh sẽ lo lắng vì luật pháp Việt Nam khuyến khích nhân viên lợi dụng quyền nhân thân, đòi hỏi chia theo doanh số, cản trở kinh doanh của công ty.

Về phần mình, họa sĩ Lê Linh cho rằng bản án sơ thẩm là hợp lý nên đề nghị tòa giữ nguyên phán quyết. Ông cho biết, tại văn bản gửi Cục Bản quyền, không có dòng nào ông công nhận bà Hạnh là đồng tác giả. Từ ý tưởng đến vẽ phác họa đều do một mình ông thực hiện và cung cấp cho tòa các bản phác thảo sơ khai. Họa sĩ cho rằng quyền nhân thân không được chuyển giao.

Công ty Phan Thị là chủ sở hữu tác phẩm, có quyền làm tác phẩm phái sinh dựa trên hình tượng gốc. Tuy nhiên, ở đây Phan Thị làm tác phẩm phái sinh khác với hình tượng gốc nên phải được sự đồng ý của ông.

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh và họa sĩ Lê Linh tại Tòa; Họa sĩ Lê Linh tại phiên sơ thẩm.

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh và họa sĩ Lê Linh tại Tòa; Họa sĩ Lê Linh tại phiên sơ thẩm.

Bài học nào?

Nhớ lại vụ án cách đây vài năm, TAND tỉnh Tây Ninh xét xử vụ án “Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ” giữa nguyên đơn là một Công ty cổ phần tập đoàn H. (Công ty H.) và bị đơn là chủ một nhà máy cán tôn T. (nhà máy T.) ở huyện Tân Biên.

Đầu năm 2015, Công ty H. phát hiện nhà máy T. tự ý sử dụng nhãn hiệu hàng hóa của mình đã được cấp bằng bảo hộ để in trên các bảng hiệu quảng cáo của nhà máy. Đồng thời, nhà máy T. tự ý sử dụng logo của Công ty H. để in trên mẫu bảng chào giá của cơ sở, nhằm phục vụ cho mục đích kinh doanh, mặc dù không có sự đồng ý của Công ty H. bằng văn bản…

Phát hiện sự việc, Công ty H. có văn bản yêu cầu nhà máy T. gỡ bỏ bảng hiệu, nhưng nhà máy vẫn tiếp tục vi phạm. Sau đó, Công ty H. tiếp tục tìm hiểu thực tế, phát hiện nhà máy T. vẫn còn sử dụng trái phép nhãn hiệu và logo của công ty. Tiếp đến, Công ty H. lại phát hiện nhà máy T. sử dụng nhãn hiệu tôn của công ty để làm kệ trưng bày sản phẩm, nhằm quảng cáo cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đến lúc đó, Công ty H. khởi kiện yêu cầu TAND tỉnh xét xử, buộc nhà máy T. chấm dứt hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu tôn của công ty để in trên bảng hiệu quảng cáo và dỡ bỏ ngay lập tức các bảng hiệu, bảng quảng cáo sử dụng nhãn hiệu của Công ty H. Đồng thời, yêu cầu nhà máy T. chấm dứt hành vi sử dụng logo của Công ty H. để in trên các bảng chào giá của nhà máy, hủy bỏ tất cả những bảng chào giá và các chứng từ khác đã in logo thuộc sở hữu của Công ty H.

Sau đó, tòa đã xác định nhà máy tôn T. sử dụng các nhãn hiệu đã được bảo hộ của Công ty H. Tuy nhiên, khi xem xét, thẩm định tại chỗ, nhà máy T. đã dùng các hình ảnh màu che logo của Công ty H. trên các bảng quảng cáo, qua đó cho thấy nhà máy này đã chấm dứt hành vi sử dụng nhãn hiệu của Công ty H. in trên các bảng quảng cáo.

Hội đồng xét xử cũng nhận định, phía nhà máy T. cho rằng có kinh doanh các sản phẩm của Công ty H. nên được sử dụng nhãn hiệu của Công ty H. là không đúng. Bởi lẽ, Công ty H. là chủ sở hữu các nhãn hiệu, logo đã được đăng ký bảo hộ.

Theo khoản 1 Điều 123 Luật Sở hữu trí tuệ, Công ty H. có các quyền “sử dụng, cho phép người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định Điều 124 và Chương X của luật này; ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 125 luật này; định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Chương X luật này”.

Theo quy định trên, nếu nhà máy T. sử dụng nhãn hiệu hàng hóa của Công ty H. thì phải được sự cho phép của Công ty H.

Từ đó, Hội đồng xét xử cho rằng nhà máy T. có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu của chủ sở hữu là Công ty H. theo điểm a khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ, quy định “sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu”.

Do đó, TAND Tây Ninh chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty H., buộc nhà máy T. chấm dứt hành vi sử dụng nhãn hiệu của Công ty H. in trên bảng quảng cáo trước nhà máy; dỡ bỏ các bảng quảng cáo, bảng hiệu có sử dụng nhãn hiệu của Công ty H.; chấm dứt hành vi sử dụng các nhãn hiệu của Công ty H. để in trên bảng chào giá của nhà máy T.; và buộc nhà máy T. có trách nhiệm tiêu hủy tất cả những bảng chào giá và các chứng từ khác có in các nhãn hiệu thuộc sở hữu của Công ty H.

Qua phiên tòa vụ tranh chấp liên quan đến bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt cũng như một vài trường hợp tranh chấp sở hữu trí tuệ, nếu ngay từ đầu, các bên có sự chặt chẽ trong các điều khoản hợp đồng sẽ tránh được những rắc rối về sau, cũng như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình tốt hơn.

Còn đối với vụ kiện công ty khác tự tiện sử dụng nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp mình đã được bảo hộ thì đây có thể xem là một bài học cảnh báo cho các chủ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Cụ thể là không được sử dụng các nhãn hiệu sản phẩm của các công ty, tập đoàn đã được bảo hộ để quảng cáo trên bảng hiệu cơ sở của mình nếu không có được sự cho phép của chủ sở hữu.

Những chủ cơ sở, doanh nghiệp nào cố tình sử dụng nhãn hiệu, logo của công ty, tập đoàn đã được đăng ký bảo hộ thì sẽ bị pháp luật xử lý.

Phan Hồng

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/tranh-chap-so-huu-tri-tue-loi-do-hop-dong-khong-ro-rang-561029/