Tránh cho nhà thầu thi công và cơ quan quản lý nhà nước rủi ro pháp lý liên quan đến khoáng sản

Cần tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến quy định về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để vừa đẩy nhanh tiến độ dự án, vừa tránh rủi ro cho nhà thầu và cơ quan quản lý nhà nước, theo ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Long An).

ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Long An) phát biểu sáng 17-6. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Long An) phát biểu sáng 17-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) - gọi tắt là dự án, tại nghị trường sáng nay, 17-6, đại biểu Quốc hội (ĐB) Nguyễn Tuấn Anh (Long An) chỉ ra 6 vướng mắc liên quan đến quy định về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

 Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên thảo luận. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên thảo luận. Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB cho rằng, quy định nội dung khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như dự thảo nghị quyết sẽ tiếp tục gặp 6 vướng mắc. Đơn cử, một số mỏ vật liệu thuộc hồ sơ khảo sát lại không nằm trong quy hoạch khoáng sản. Về thủ tục hành chính, dự thảo nghị quyết đã quyết định cơ chế đặc thù không phải cấp giấy phép khai thác khoáng sản, không phải thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết chưa tính đến các thủ tục hành chính khác vẫn phải làm như: cấp giấy phép thăm dò khoáng sản; phê duyệt kết quả thẩm định đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường…

“Như vậy, nếu dự thảo nghị quyết không quy định cơ chế đặc thù cho phép miễn những thủ tục này, cả nhà thầu thi công và cơ quan quản lý nhà nước nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với rủi ro pháp lý sau này”, ĐB Nguyễn Tuấn Anh cảnh báo.

 Đại biểu dự họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Đại biểu dự họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Dự thảo nghị quyết cũng chưa có cơ chế đặc thù cho phép được miễn thủ tục điều chỉnh giấy phép khai thác đối với các mỏ đang hoạt động được phép nâng công suất khai thác để phục vụ dự án. Nếu phải thực hiện điều chỉnh giấy phép khai thác sẽ mất rất nhiều thời gian dẫn đến không đáp ứng được tiến độ, khối lượng vật liệu phục vụ cho dự án.

Bên cạnh đó, quy định về xử lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng dư thừa là cần thiết, nhưng chưa đầy đủ trong thực tế; chưa có quy định xử lý trường hợp đào đắp, san nền có đất, đá, cát dư thừa của dự án.

Đặc biệt, trường hợp chồng lấn tuyến đường lên quy hoạch khoáng sản thì thực hiện điều chỉnh quy hoạch khoáng sản theo trình tự thủ tục của Luật Khoáng sản và Luật Quy hoạch sẽ mất rất nhiều thời gian. “Đồng thời, nếu phát hiện khoáng sản khi thi công cần được giải quyết thế nào”, ĐB băn khoăn và cho rằng nếu thực hiện theo quy định hiện hành sẽ mất rất nhiều thời gian để cơ quan có thẩm quyền quyết định việc thăm dò, khai thác, thu hồi khoáng sản.

Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, ĐB kiến nghị sửa đổi bổ sung một số cơ chế chính sách đặc biệt tại Điều 3 dự thảo nghị quyết theo hướng quy định rõ nguyên tắc việc khai thác khoáng sản phục vụ cho dự án thu hồi khoáng sản khi thi công dự án không bắt buộc phải phù hợp với quy hoạch khoáng sản, quy hoạch tỉnh đối với các mỏ vật liệu thuộc hồ sơ khảo sát. Với khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dư thừa trong quá trình thi công tuyến đường, thì cho phép nhà thầu thi công cung cấp cho các công trình khác kèm theo các nghĩa vụ tài chính…

 Quang cảnh hội trường Diên Hồng. Ảnh: QUANG PHÚC

Quang cảnh hội trường Diên Hồng. Ảnh: QUANG PHÚC

“Khi thi công trên đường nếu phát hiện khoáng sản cần phân biệt thành 2 loại: khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; khoáng sản có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để có cách tiếp cận, xử lý phù hợp với từng loại khoáng sản”, ĐB nêu rõ.

Cũng quan tâm đến lĩnh vực khoáng sản, ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) tán thành đề nghị cho phép trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng. ĐB đề nghị quy định rõ, việc khai thác khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường…

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tranh-cho-nha-thau-thi-cong-va-co-quan-quan-ly-nha-nuoc-rui-ro-phap-ly-lien-quan-den-khoang-san-post744953.html