Tránh chồng chéo giữa các quy định xử phạt trong lĩnh vực trồng trọt
Dự thảo quy định hai khung xử phạt khác nhau cho hai hành vi có cùng tính chất vi phạm dường như chưa hợp lý, nên VCCI đề nghị Ban soạn thảo quy định cùng khung xử phạt đối với hai hành vi trên.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý vào Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trồng trọt.
Theo VCCI, về đối tượng bị xử phạt, Dự thảo quy định gồm các đối tượng sau: Đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện); Tổ chức được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư gồm: nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam.
VCCI cho rằng, quy định trên là chưa phù hợp vì chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, hoạt động nhân danh doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ là chủ thể chịu trách nhiệm đối với những vi phạm do chi nhánh hoặc văn phòng đại diện thực hiện. Do đó, Dự thảo xác định “các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện)” là đối tượng bị xử phạt là chưa phù hợp.
Khoản 7 Điều 19 Dự thảo quy định các khung phạt tiền khác nhau để xử phạt đối với các hành vi: Sản xuất phân bón khi đã bị đình chỉ hoạt động hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/Giấy phép sản xuất phân bón đã hết hạn và bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi; Sản xuất phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/Giấy phép sản xuất phân bón.
Xét bản chất, VCCI cho rằng, hai hành vi trên đều có cùng tính chất là sản xuất phân bón không có giấy phép. Dự thảo quy định hai khung xử phạt khác nhau cho hai hành vi có cùng tính chất vi phạm dường như chưa hợp lý, nên VCCI đề nghị Ban soạn thảo quy định cùng khung xử phạt đối với hai hành vi trên.
Tương tự, Dự thảo quy định các khung xử phạt khác nhau đối với các hành vi vi phạm có cùng tính chất sản xuất phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, trong đó khoản 8 xác định khung xử phạt đối với hành vi này dựa trên giá trị của số phân bón được sản xuất hoặc số lợi bất chính được thu về, và có cả quy định chung cho hành vi này.
Để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo gộp chung các hành vi vi phạm quy định này vào một khung xử phạt, trong đó xác định các khung xử phạt dựa trên giá trị phân bón được sản xuất hoặc số lợi bất chính được thu về.
Điểm d khoản 1 Điều 21 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “nhập khẩu phân bón có nhãn không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa”. Quy định này có thể được hiểu nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu không phù hợp với quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa tại thời điểm nhập khẩu, trước khi đưa ra lưu thông, sẽ bị xử phạt.
Theo VCCI, quy định này là chưa phù hợp với Nghị định 43/2017/NĐ-CP, cụ thể Khoản 4 Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định “hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 và các khoản 3, 4 Điều 8 của Nghị định khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc”.
Theo quy định này thì nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu không phù hợp với quy định của pháp luật về nhãn tại thời điểm trước khi đưa ra lưu thông, không được xem là vi phạm. Đối với các hành vi vi phạm về nhãn của hàng hóa nhập khẩu khi lưu thông trên thị trường đã được quy định tại Nghị định 119/2017/NĐ-CP.
Vì vậy, VCCI cho rằng, Dự thảo không cần thiết phải quy định về các hành vi vi phạm này để tránh chồng lấn giữa các quy định.