Tránh chồng chéo quy định tự chủ tổ chức bộ máy, nhân sự
Thực hiện quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự tại các cơ sở giáo dục đại học vẫn còn vướng mắc.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99 có thể tháo gỡ đến đâu những khó khăn này?
Vướng mắc tổ chức nhân sự
TS Lê Hồ Sơn, Trưởng phòng Tổ chức và Hành chính, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, cho biết: Khoản 1 Điều 32 Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 (gọi tắt là Luật 34) quy định: Cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trên các lĩnh vực: Học thuật và hoạt động chuyên môn; tổ chức bộ máy và nhân sự; tài chính và tài sản.
Riêng quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự bao gồm: Ban hành và tổ chức thực hiện quy định nội bộ về cơ cấu tổ chức, lao động, danh mục, tiêu chuẩn, chế độ của từng vị trí việc làm; tuyển dụng, sử dụng và cho thôi việc đối với giảng viên, viên chức và người lao động khác, quyết định nhân sự quản trị, quản lý trong cơ sở giáo dục đại học phù hợp với quy định của pháp luật. Quy định chi tiết quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục đại học đã được thể hiện tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ.
Thực hiện các quy định của Luật 34 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã chuyển biến tích cực về thực hiện cơ chế tự chủ, tăng cường tính chủ động trong công tác tổ chức bộ máy, nhân sự. Nhiều trường đã chủ động tái cơ cấu, tổ chức, sắp xếp lại bộ máy cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đổi mới mô hình quản trị, nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hội đồng trường, hội đồng đại học.
Tuy nhiên, TS Lê Hồ Sơn cũng cho rằng, thực tiễn triển khai thực hiện quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự của các cơ sở giáo dục đại học công lập còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
Về tổ chức bộ máy, dù Luật Giáo dục Đại học cho phép hội đồng trường được quyền quyết định thành lập các đơn vị thuộc và trực thuộc. Tuy nhiên, trên thực tế, các trường bị ràng buộc nhiều quy định liên quan đến thành lập, tổ chức lại và giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Về nhân sự, việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ viên chức, đặc biệt là giảng viên phải tuân thủ các quy định của pháp luật về viên chức, khiến cho các cơ sở giáo dục đại học công lập khó cạnh tranh với các đơn vị ngoài công lập trong việc thu hút giảng viên, giữ chân cũng như phát huy tối đa năng lực đội ngũ giảng viên có trình độ cao.
Về thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học: Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 21 Luật số 34 thì “Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tại Việt Nam thuộc cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục đại học, không có tư cách pháp nhân…”. Đối chiếu với quy định tại Khoản 6 Điều 4 Luật này, thẩm quyền thành lập phân hiệu thuộc về hội đồng trường.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 92 Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục lại quy định “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập phân hiệu của trường đại học công lập”. Sự chồng chéo giữa các quy định ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện quyền tự chủ về tổ chức bộ máy của cơ sở giáo dục đại học công lập.
Để tháo gỡ triệt để
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP. Theo PGS.TS Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, đây là việc làm cần thiết và phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, việc sửa đổi chưa thể tháo gỡ hết khó khăn, vướng mắc đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Lấy ví dụ về vấn đề các cơ sở giáo dục công lập gặp khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện, đó là quyền tự chủ về tổ chức, bộ máy và nhân sự, PGS Võ Văn Minh cho biết: Dự thảo sửa đổi Nghị định 99 điều chỉnh “Điều 13. Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học”. Tuy nhiên, dự thảo chỉ bổ sung thêm cụm từ “và pháp luật khác có liên quan” để rõ hơn về mặt văn bản.
Trong thực tế, dù Nghị định 99 quy định “cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện quyền tự chủ về tài chính và tài sản theo quy định của Luật Giáo dục Đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và các quy định hiện hành về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập”, nhưng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cũng không thể thực hiện điều gì vượt qua giới hạn “pháp luật khác có liên quan”.
Chia sẻ băn khoăn này, PGS Võ Văn Minh bày tỏ: Thực tế, Nghị định 99 là văn bản pháp lý “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học”. Khi sửa đổi, bổ sung cũng chỉ là chi tiết hóa, hướng dẫn cho rõ, còn những vấn đề khác Luật đã quy định mà gặp bất cập thì chỉ có sửa Luật.
Có cùng quan điểm, TS Lê Hồ Sơn qua nghiên cứu dự thảo sửa đổi Nghị định 99 nhận thấy việc sửa đổi, bổ sung lần này chủ yếu tập trung vào các quy định liên quan đến thành lập và tổ chức, hoạt động của hội đồng trường.
Để góp phần tháo gỡ triệt để những vướng mắc trong việc thực hiện quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự nói riêng và quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập nói chung, TS Lê Hồ Sơn cho rằng không thể chỉ dừng lại ở việc sửa đổi Nghị định số 99/2019/NĐ-CP mà cần tiến hành rà soát Luật Giáo dục Đại học, Luật Viên chức, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học công lập.
“Cần phải xác định, cơ sở giáo dục đại học là một loại hình đơn vị sự nghiệp đặc thù; đội ngũ giảng viên trong các đơn vị này cũng là một loại hình viên chức đặc thù (vừa là nhà giáo vừa là nhà khoa học) để từ đó thiết kế một hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp. Cùng đó, có chính sách thu hút nhân tài, đội ngũ viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc và phát huy tối đa năng lực của họ. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, TS Lê Hồ Sơn nêu ý kiến.