Tránh chồng chéo trong nhiệm vụ bảo vệ khu vực biên giới
Chiều 2-6, tiếp tục kỳ họp thứ năm, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, một số nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật có liên quan đến các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; liên quan tới quy định của Luật Quốc phòng, Luật Biên phòng Việt Nam về chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, kiểm soát xuất, nhập cảnh tại khu vực cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo luật để bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tính khả thi.
Cụ thể, Điều 33 về khai báo tạm trú của dự thảo luật có nêu “Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm công an nơi có cơ sở lưu trú. Cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu người nước ngoài xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam để thực hiện khai báo tạm trú trước khi đồng ý người nước ngoài tạm trú...”. Theo nhiều đại biểu, cần bổ sung quy định đồn biên phòng ở khu vực biên giới cửa khẩu là cơ quan tiếp nhận thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài khi tạm trú tại khu vực biên giới cửa khẩu.
Đại biểu Hoàng Hữu Chiến (đoàn An Giang) đề nghị bổ sung thẩm quyền của lực lượng biên phòng trong tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài tạm trú ở khu vực biên giới cửa khẩu vào Điều 33 của dự luật; đề nghị bổ sung thẩm quyền của lực lượng biên phòng trong giải quyết các trường hợp có dấu hiệu vi phạm về tạm trú của người nước ngoài ở khu biên giới cửa khẩu vào Điều 45a của dự luật. Đại biểu phân tích, quy định của các hiệp định về quy chế quản lý biên giới, đang giao quyền hạn cho lực lượng biên phòng phòng ngừa, đấu tranh với những hành vi vi phạm quy chế biên giới theo hiệp định, cấp phép qua lại cho cư dân biên giới, giải quyết, xử lý vi phạm về cư trú bất hợp pháp ở khu vực biên giới cửa khẩu. Đặc biệt, khoản 2, Điều 35 Luật Quốc phòng quy định: "Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia; duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên".
Đại biểu cũng dẫn chứng, quy định của Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, đều quy định lực lượng biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới, là lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật... “Đề nghị ban soạn thảo, các cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát các quy định của điều ước quốc tế, pháp luật trong nước để quy định cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các lực lượng, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, người nước ngoài ra, vào, hoạt động ở khu vực biên giới và cửa khẩu”-đại biểu Hoàng Hữu Chiến nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu), đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) cho biết, quy định như dự thảo hiện nay cho thấy, chỉ có công an cấp xã mới có thẩm quyền tiếp nhận khai báo tạm trú, tiếp nhận các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cư trú bất hợp pháp của người nước ngoài. Quy định này chưa đồng bộ với các điều ước quốc tế và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của lực lượng Bộ đội Biên phòng trong quản lý cư trú của người nước ngoài tại khu vực biên giới, hải đảo theo các điều ước quốc tế với các nước có chung đường biên giới đã ký kết. Đại biểu cũng khẳng định, thực tiễn hiện nay trên tuyến biên giới Việt Nam có hàng trăm đồn biên phòng và đây là nguồn lực rất lớn trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, hải đảo.
Thực tế trong thời gian qua, Bộ đội Biên phòng phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an cấp xã, huyện khu vực biên giới trong công tác quản lý người nước ngoài rất hiệu quả, lực lượng Bộ đội Biên phòng cũng có trách nhiệm trong quản lý hoạt động cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Với những phân tích nêu trên, các đại biểu đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của lực lượng Bộ đội Biên phòng trong khai báo tạm trú và trách nhiệm trong việc phát hiện dấu hiệu vi phạm của người nước ngoài để bảo đảm tính tương thích với hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới, phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tránh tình trạng sửa luật này xong lại phải sửa đổi nhiều luật khác.