Tranh danh họa đấu giá quốc tế - thật giả khó lường

Hai bức tranh của danh họa Trần Văn Cẩn và Tô Ngọc Vân đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhưng sàn đấu giá Sotheby's Hong Kong cũng công bố sẽ bán ra hai bức tương tự trong các phiên đấu giá ngày 5 và 6/10 tới.

 Tranh của họa sĩ Trần Văn Cẩn - Một bản khá mới đang được rao bán trên Sotheby's Hong Kong; trong khi bản đang lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã xuống cấp trầm trọng.

Tranh của họa sĩ Trần Văn Cẩn - Một bản khá mới đang được rao bán trên Sotheby's Hong Kong; trong khi bản đang lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã xuống cấp trầm trọng.

Mới đây, thông tin bức “Lá thư” của danh họa Tô Ngọc Vân và “Hai cô gái” của danh họa Trần Văn Cẩn sắp được bán ra trên sàn đấu giá Sotheby’s Hong Kong vào ngày 5 và 6/10 tới đang khiến giới họa sĩ Việt một phen sôi sục.

Để xác định lai lịch hai bức tranh của họa sĩ Tô Ngọc Vân và Trần Văn Cẩn đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, VietTimes đã liên lạc tới lãnh đạo Bảo tàng.

Ông Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: “Cả hai tranh “Bức thư” của danh họa Tô Ngọc Vân và “Hai thiếu nữ trước bình phong” của họa sĩ Trần Văn Cẩn mà chúng tôi đang lưu giữ là tranh thật. Hồ sơ tiếp nhận còn lưu ở Bảo tàng”.

Theo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết thì Bảo tàng đã tiếp nhận tranh “Bức thư” từ Hội Mỹ thuật Việt Nam vào tháng 8/1964, nhưng hiện đang bảo quản trong kho do tình trạng xuống cấp nặng nề của bức tranh, khó có thể trưng bày. Với đặc thù của tranh lụa vốn đã rất khó bảo quản, lại chịu tác động của thời tiết phía Bắc có độ ẩm rất cao trong mùa Đông - Xuân, nên rất khó bảo vệ tranh.

Bức “Hai thiếu nữ trước bình phong” (tên chính xác, theo Bảo tàng cho biết) của danh họa Trần Văn Cẩn được Bảo tàng mua sưu tầm năm 1970, với giá 300 VND. Bức tranh hiện vẫn đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhưng cũng đã xuống cấp khá nhiều sau gần 50 năm tuổi.

Tranh lụa "Hai thiếu nữ trước bình phong" của họa sĩ Trần Văn Cẩn đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện đã xuống cấp khá nặng

"Bức thư" của danh họa Tô Ngọc Vân còn xuống cấp nặng nề hơn, đang được lưu giữ bảo quản trong kho, không thể trưng bày

Thời gian gần đây, rất nhiều bức tranh của các danh họa tiền bối thời kỹ Mỹ thuật Đông Dương khó xác định nguồn gốc, thật giả, nhưng lại đang được rao bán với những mức giá cao ngất ngưởng trên thị trường thế giới.

Ngay các bức sắp bán ra trong phiên 5 và 6/10 cũng vậy. “Lá thư” ghi tên danh họa Tô Ngọc Vân đang được Sotheby’s đưa giá đề xuất từ 800.000 đến 1.500.000 HKD; “Hai cô gái” ghi tên họa sĩ Trần Văn Cẩn giá từ 60.000 đến 90.000 HKD; tranh sơn mài “Dân quê Việt” ghi tên dan họa Nguyễn Sáng giá từ 100.000 đến 150.000 HKD và tranh sơn mài “Tranh phong cảnh” ghi tên danh họa Nguyễn Gia Trí có giá đề xuất từ 1.200.000 đến 1.800.000 HKD (tương đương 153.366 USD đến 230.000 USD).

Tất cả đều là những mức giá đề xuất không hề rẻ. Các nhà chuyên môn dự báo, như thường thấy thì tranh danh họa thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương sẽ về tay chủ mới với những mức giá rất “khủng”, có thể lên tới hơn 500.000 USD.

Hiện trạng làm giả tranh danh họa bán ra thế giới kiếm lời “khủng” của những đường dây “buôn tranh” xuyên quốc gia đã kéo dài rất nhiều năm nay. Phiên đấu sắp tới trên sàn Sothebys Hong Kong, ngoài hai bức tranh nói trên, sẽ bán ra các bức tranh của các danh họa Nguyễn Sáng và Nguyễn Gia Trí khiến các họa sĩ, nhà nghiên cứu đều không khỏi lo lắng.

Tranh Trần Văn Cẩn đang rao bán trên Sotheby's có màu lụa khá mới

Tranh Tô Ngọc Vân cũng quá mới nếu so sánh với bản đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã xuống cấp sau 50 năm

Họa sĩ Phạm Hà Hải (nguyên chuyên viên Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triển lãm, nguyên Thư ký Hội đồng khoa học Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) bức xúc: “Nếu im lặng, sẽ mất vàng!”.

Xem xét so sánh đối chiếu các bức tranh lụa của Trần Văn Cẩn và Tô Ngọc Vân bản đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã xuống cấp trầm trọng sau 50 năm tuổi, với hai bản rất mới đang được rao bán trên Sotheby’s, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cảnh báo: “Với sự tác động của thời gian và thời tiết lên hai bức tranh đang được bảo quản ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các nhà đầu tư và công chúng có thể tin được rằng tranh của Sotheby’s là thật hay không?”

Họa sĩ Phạm Hà Hải nhấn mạnh: “Việt Nam cần minh bạch và mạnh mẽ ngay từ sân nhà. Muốn hội nhập thì chính chúng ta phải ý thức bảo vệ chính mình. Im lặng lúc này là thiếu trach nhiệm, là “đánh mất vàng”. Bảo tàng cần phát huy ngay công tác tuyên truyền, cũng chính là thu hút công chúng đến với mình. Chúng ta có tác phẩm, có hồ sơ, nhân chứng, có tàng thư, ấn phẩm... tức là có những căn cứ đủ mạnh để lên tiếng. Hành động này vừa có tác dụng ngăn giảm tệ nạn tranh giả và đồng thời tuyên truyền di sản của Việt Nam".

So sảnh đơn giản cũng thấy được độ mới của chất lụa trong tranh đang rao bán trên Sotheby's với "Bức thư" của Tô Ngọc Vân (bản gốc đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) đã xuống cấp trầm trọng

Nhà nghiên cứu Phạm Long đau xót khi bức tranh của danh họa Tô Ngọc Vân bị hỏng nặng quá, còn bức tranh của Trần Văn Cẩn tuy vẫn trưng bày được nhưng cũng xuống cấp khó cứu vãn.

Về hai bức tranh đang rao bán trên Sotheby’s, nhà nghiên cứu Phạm Long phân tích: “Tay nghề vẽ bức “Lá thư” tốt hơn bức “Hai cô gái”. Tuy nhiên, cả 2 bức đều không đạt cả về hòa sắc chung lẫn thần thái các nhân vật. Đặc biệt, bức 2 cô gái nét thô cứng, màu chưa đạt độ nền nã và mất hết nét thùy mị, không có hồn như bức tranh ở Bảo tàng Mỹ thuật VIệt Nam. Nét vẽ các nếp áo dài, nếp vải hỏng hẳn, bị cứng, đơ, tranh không có hồn, vô cảm, giống ma-nơ-canh”.

Hòa Bình

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tranh-danh-hoa-dau-gia-quoc-te-that-gia-kho-luong-post114438.html