Tránh doanh nghiệp lợi dụng đất cho hoạt động tôn giáo để kinh doanh
Hiện nay, có hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng tôn giáo để tổ chức hoạt động kinh doanh.
Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tôi nhận thấy một số quy định liên quan đến đất tôn giáo còn nhiều bất cập. Cụ thể, về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định tại điểm d, khoản 2, điều 78 về việc Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án công trình để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có “dự án xây dựng cơ sở tôn giáo”. Đây là sự quan tâm của Nhà nước đối với nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.
Tuy nhiên, trên thực tế, tại một số thôn, khu dân cư vẫn chưa có cơ sở tôn giáo nên việc sinh hoạt tôn giáo thuần túy của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, có hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng tôn giáo để tổ chức hoạt động kinh doanh. Nếu quy định như trên sẽ tạo kẽ hở, dễ bị lợi dụng nếu không làm rõ mục đích sử dụng đất.
Tôi đề nghị luật có định nghĩa để xác định cụ thể việc thu hồi đất phục vụ cho tổ chức tôn giáo hay cơ sở tôn giáo, phần nào là tôn giáo thì giao đất không thu tiền, phần nào kinh doanh thì phải nộp tiền cho Nhà nước. Nhà nước cần có quy hoạch, kế hoạch cụ thể, định kỳ rà soát xác định nhu cầu sử dụng đất của các tổ chức tôn giáo để các tổ chức tôn giáo có điều kiện xây dựng cơ sở vật chất, làm nơi sinh hoạt chung cho người dân. Khi thu hồi đất có ảnh hưởng đến các tổ chức tôn giáo, Nhà nước có trách nhiệm bố trí khu đất phù hợp để các tổ chức tôn giáo và người dân có nơi sinh hoạt chung, đồng thời thường xuyên công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tôn giáo rộng rãi đến người dân.
Bên cạnh đó, cần quan tâm công tác tuyên truyền nhằm lấy ý kiến rộng rãi, tạo sự đồng thuận trong người dân với các quy định mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đặc biệt quan tâm các quy định về thu hồi đất.
NGUYỄN VĂN ĐẢO
Linh mục, Chánh xứ giáo xứ Tân Kim, đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII