Tranh Đông Dương và câu chuyện hồi hương

Với những giá trị đặc biệt, tranh Đông Dương có sự lôi cuốn đặc biệt. Những cuộc đấu giá càng cho thấy điều đó. Nhiều người trong giới mỹ thuật, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa mong muốn sớm thành lập bảo tàng phong cách tranh Đông Dương.

Tác phẩm “Chị dạy em học” của họa sĩ Mai Trung Thứ vẽ năm 1941. Nguồn: SOTHEBY’S.

Tác phẩm “Chị dạy em học” của họa sĩ Mai Trung Thứ vẽ năm 1941. Nguồn: SOTHEBY’S.

Tranh Đông Dương được hiểu là các tác phẩm mỹ thuật của những họa sĩ từng theo học ở Trường Mỹ thuật Đông Dương trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20 tại Hà Nội.

Đó là các họa sĩ bậc thầy như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh, Vũ Cao Đàm, Lê Phổ, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên… Dù tất cả những bậc tài danh đó đều đã khuất núi nhưng tác phẩm của họ vẫn được các nhà sưu tập tìm kiếm. Và cũng thật đáng nói khi hầu hết các tác phẩm ấy đều lưu lạc ở nước ngoài, thuộc về các bộ sưu tập cá nhân, không dễ gì người trong nước xem được bản gốc, mà chỉ là phiên bản, hay còn gọi là “tranh giả”.

Tại buổi trò chuyện “Mỹ thuật Đông Dương: Từ lịch sử đến thị trường”, diễn giả Ace Lê - nhà nghiên cứu và giám tuyển nghệ thuật cho rằng tranh Đông Dương đã tồn tại, trải qua phép thử lâu dài của thời gian nên sức lôi cuốn là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Kim Khôi - nhà nghiên cứu về lịch sử hội họa Việt Nam, thị trường tranh Việt Nam vào những năm 30 của thế kỷ XX rất huy hoàng, dấu mốc khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương có triển lãm tại Paris, khi đó chúng ta có một thị trường lớn. Bức tranh đầu tiên được bán cho người nước ngoài là bức “Chợ gạo bên Sông Hồng” của Nguyễn Nam Sơn, đây là bức tranh đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được nước Pháp mua và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Pháp.

Cũng chính vì sự nổi tiếng của phong cách tranh Đông Dương mà nhiều năm qua tranh giả đã “lộng hành”, khiến giới mỹ thuật bức xúc và niềm tin từ phía công chúng yêu nghệ thuật chân chính bị bào mòn.

Tác phẩm “Thiếu nữ choàng khăn” của họa sĩ Lê Phổ vẽ năm 1938.

Tác phẩm “Thiếu nữ choàng khăn” của họa sĩ Lê Phổ vẽ năm 1938.

Cho tới nay, thị trường tranh Đông Dương vẫn rất hấp dẫn. Lần đấu giá mới nhất của Sotheby’s Hồng Kông (diễn ra trong 2 ngày 11 - 12/11/2024) rao bán 95 lô, trong đó có 13 tác phẩm của các danh họa Đông Dương như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Tiến Chung, bên cạnh nhiều tác phẩm của các danh họa thế giới.

Đáng chú ý là bức “Tâm sự” được Lê Phổ vẽ khoảng năm 1941 - 1942 bằng mực và bột màu trên lụa. Đây là tác phẩm Đông Dương duy nhất được xếp vào phiên tối 11/11 dành cho các lô giá trị cao. Tác phẩm “Tâm sự” của Lê Phổ, kích thước 51,5 x 46 cm, bán với giá 624.000 USD (15,6 tỷ đồng).

Các tác phẩm khác trong phiên đấu giá kể trên còn có: Bức “Chị dạy em học” do Mai Trung Thứ vẽ năm 1941 bán giá 156.000 USD (3,9 tỷ đồng); bức “Mẹ và con” của Vũ Cao Đàm bán giá 128.000 USD (3,2 tỷ đồng)…

Tương tự, ngày 26/11/2024, tại Vente Prestige Hôtel Drouot (Pháp) đã diễn ra phiên đấu giá nghệ thuật với 3 tác phẩm nổi bật của Lê Phổ và Mai Trung Thứ, được bán cao hơn giá trần dự kiến. Bức “Hai người phụ nữ” của Lê Phổ, giá gõ búa 190.000 euro (200.000 USD), giá sau thuế 259.000 USD (6,4 tỷ đồng); “Mẹ và con” của Mai Trung Thứ, giá sau thuế 70.000 USD (1,75 tỷ đồng); “Áo dài xanh” của Mai Trung Thứ, giá sau thuế 65.500 USD (1,63 tỷ đồng).

Tới nay, bức “Chân dung cô Phượng” của họa sĩ Mai Trung Thứ được nhà đấu giá Sotheby’s Hồng Kông bán với giá 3,1 triệu USD (khoảng 72,3 tỷ đồng), đã xác lập kỷ lục của đấu giá tranh Việt trên sàn đấu giá quốc tế.

Giám tuyển Ace Lê cho biết, thường tranh Việt bán được trong một phiên đấu giá cho thấy tỉ lệ rất cao (92%), chứng tỏ sức hút vẫn rất ổn định của tranh Đông Dương. Nhóm danh họa Đông Dương sẽ vẫn nằm trong nhóm tạo kỷ lục giá.

Lâu nay, các bức tranh phong cách Đông Dương “lưu lạc” xứ người mà ít khi được hồi hương. Nhà sưu tập Phạm Lê Collection nói rằng: “Khi gặp họ, chúng tôi đặt vấn đề mua những tác phẩm này vì đó là tranh quý của Việt Nam. Họ trả lời với chúng tôi rằng hầu hết đều đã được bán. Chúng tôi thực sự xúc động vì cơ hội tiếp cận mỹ thuật Đông Dương là rất khó. Phải làm sao giữ lại đưa về nước cho thế hệ mai sau”.

Một số ý kiến cũng cho rằng, gần đây Nhà nước đã cho tư nhân đăng ký bảo vật quốc gia, nên chăng những cuộc hồi hương tranh Việt cũng cần có thêm chủ trương, cơ chế và kinh phí từ Nhà nước, để hiệu quả hơn, thiết thực hơn với đời sống. Để trong hành trình ấy, sẽ có thêm nhiều bảo vật cho đất nước, đa số tranh đẹp đang ở nước ngoài sẽ có cơ hội trở về sau thời gian dài “chu du”.

Cũng chính vì thế, việc thành lập một bảo tàng tranh Đông Dương cần được nghĩ tới. Không chỉ để hồi hương những tác phẩm “quý hơn vàng” và tôn vinh một cách xứng đáng ngay trên quê hương xứ sở nơi sản sinh ra nó, mà còn là sự khích lệ với giới mỹ thuật nước nhà nói chung.

TS Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam:

Cần có không gian trưng bày riêng cho tranh Đông Dương

Tranh Đông Dương là những tác phẩm do các họa sĩ ở giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20 của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương sáng tác. Họ là những họa sĩ khóa đầu tiên của trường tiếp xúc với hội họa phương Tây. Nhờ học hỏi, chắt lọc cùng với sự sáng tạo, các họa sĩ đã tạo nên những tác phẩm theo lối riêng, chất riêng với lối vẽ phương Tây nhưng mang phong cách đặc sắc của người Việt.

Hiện nay tranh Đông Dương nằm ở nhiều các nhà sưu tập, trong nước có, ngoài nước có, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đang lưu giữ và trưng bày một số lượng lớn tranh Đông Dương.

Có một số ý kiến mong muốn thành lập bảo tàng mang phong cách tranh Đông Dương, đây là một ý tưởng hay nhưng khó thực hiện vì chúng đều là những tác phẩm có giá trị rất cao, nên để hội tụ những tác phẩm này đem trưng bày ở một bảo tàng riêng là rất khó, vì vậy cần có một không gian trưng bày riêng cho những bức tranh Đông Dương trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

P.Sỹ (ghi)

Miên Thảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tranh-dong-duong-va-cau-chuyen-hoi-huong-10297213.html