Tranh Đông Hồ: Những gam màu vẫn sáng
Nói đến Bắc Ninh, người ta không chỉ nghĩ đến Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại: Quan họ; mà còn có tranh dân gian Đông Hồ. Đây được coi là dòng tranh quý hiếm, từng được đưa vào danh sách bảo tồn khẩn cấp, bởi dòng tranh này đã tồn tại nhiều thế kỷ, mang lại nhiều giá trị to lớn, nhưng bây giờ hầu như đã không còn giữ được như trước nữa. Một thời, từ làng trên xóm dưới, ai ai cũng say mê với nghề, nay chỉ còn lác đác vài ba hộ gia đình là vẫn 'thủy chung' gắn bó với di sản văn hóa cha ông.
Quý nhưng đang mai một
Trời Hà Nội những ngày cuối năm, khi không khí se se lạnh đang ùa về khắp mọi nơi, người dân Đông Hồ lại hồ hởi chuẩn bị in tranh. Họ chuyên chở tranh bằng thuyền đến các làng mạc, hoặc bán buôn, hoặc trực tiếp bán cho người dân treo Tết. Nên tranh dân gian còn gọi là tranh Tết. Khi phát đạt, người Đông Hồ có câu: Hỡi cô thắt lưng bao xanh/ Có về làng Mái với anh thì về/ Làng Mái có lịch có lề/ Có ao tắm mát có nghề làm tranh. (Làng Mái là tên nôm của Đông Hồ, xưa gọi là Kẻ Mái). Nhưng nhiều khi chiến tranh, đói kém, Đông Hồ không bán được tranh, nên dân gian có câu: Con gái đừng gả cho anh hàng tờ/ Ngày ba mươi Tết vẫn phất phơ ngoài đường. (Anh hàng tờ tức là người bán tranh).
Câu chuyện “một thời xa vắng” ấy cứ nhẹ nhàng dẫn người ta vào không gian triển lãm “Tranh dân gian Đông Hồ xưa và nay” (tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, từ 31/10/2019 - 31/1/2020), đưa người xem đến với di sản của làng nghề hơn 400 năm tuổi. Ngắm nhìn những bức tranh quý giá đó, ai ai cũng dậy lên trong mình một niềm xúc đồng. Đó là sự trân trọng, có pha chút nuối tiếc nhưng cao hơn cả vẫn là khát vọng vì sự phồn thịnh của làng nghề giàu có. Đi giữa không gian của buổi triển lãm đó, người ta không khỏi nghĩ ngợi về sức sống bất diệt của nghệ thuật truyền thống. Cái cội rễ ấy đã ăn sâu bén rễ, tàng ẩn như viên ngọc quý tồn tại song hành trong đời sống của cả một cộng đồng, được hun đúc từ tình yêu, sự gắn bó và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chỉ có điều bây giờ, tuy không còn chiến tranh, đói kém, giặc giã, nhưng tranh Đồ Hồ vẫn khó bán được, vẫn thiếu mảnh đất màu mỡ để phát triển. Những ngôi làng tấp nập thợ thuyền, nhà nhà làm tranh dường như chỉ còn tồn tại trong kí ức mà thôi...
Không gian triển lãm gồm hàng trăm bức tranh với đường nét, hình vẽ, màu sắc trầm ấm, sống động, ngòi bút khỏe khoắn, tinh tế. Từ những bộ truyền thống đặc trưng của phong cách tranh Đông Hồ như gà đàn, lợn đàn, vinh hoa phú quý... đến tập hợp tranh được phục chế gần đây và các sáng tác từ sự cải tiến trong cách thức thực hiện và nội dung biểu đạt. Mang danh tranh làng nghề nhưng thực tế chỉ của ba gia đình trong hai dòng họ nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam. Thực trạng mai một dòng tranh này đang hiển hiện. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả (con trai cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam) cho biết, bởi lẽ tranh Đông Hồ ngày xưa chỉ treo vào dịp Tết, các cụ chơi tranh sau Tết thì bỏ, sang năm lại mua, nhưng giờ người ta lồng tranh vào khung, một bộ tranh treo tới 30 - 40 năm, thành ra sự chu chuyển của một tờ tranh khá chậm. Hơn nữa, nhiều người không biết giá trị của tranh dân gian Đông Hồ nên tiêu thụ tranh kém, cũng vì vậy mà nhiều người làng bỏ nghề.
Là người con của quê hương, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả có cái đau đáu của riêng mình. Với ông, từng ấy thời gian làm nghề vẽ tranh đủ để ông hiểu thế nào là nghệ thuật, những thăng trầm đi qua đời người tồn tại trong những bức tranh quý hiếm kia. “Làng Đông Hồ bây giờ có hơn 30 người làm tranh, con số rất nhỏ so với số dân của làng nghề. Đây là sự thiệt thòi, nếu để mất đi giá trị văn hóa này thì quả thực đáng tiếc. Nghệ nhân chúng tôi là người trong cuộc thấy đau xót, hay là do cứ đắm vào đó, thấy được giá trị đích thực của nó thì tự mình trăn trở thế thôi”.
Bảo vệ tốt khi nhận thức tốt
Không để nghệ nhân “tự mình trăn trở”, UBND tỉnh Bắc Ninh và Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đang tích cực xây dựng Hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO, đề nghị đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia, thời vàng son của tranh dân gian nói chung, tranh Đông Hồ nói riêng đã qua. Việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO cũng phản ánh đúng thực trạng của dòng tranh Đông Hồ hiện nay là còn rất ít người tiếp nối truyền thống làm tranh. Điều quan trọng trong vấn đề bảo vệ tranh dân gian Đông Hồ là phải bắt đầu từ nghệ nhân và cộng đồng nơi tranh dân gian Đông Hồ ra đời, phát triển. Câu chuyện cộng đồng, tầm quan trọng của lớp nghệ nhân mới vì vậy chính là trọng tâm đề cập trong hồ sơ, cũng như trong các giải pháp bảo tồn, phát triển dòng tranh này.
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đang tổ chức lớp truyền dạy làm tranh dân gian Đông Hồ ở ngay xã Đông Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Đó chính là hành động thực tiễn để tạo ra lớp nghệ nhân mới, vì sự tồn tại của di sản. Không chỉ vì lưu giữ kỹ năng, kỹ thuật từ thế hệ này sang thế hệ khác, đó còn là cách để nâng cao nhận thức về giá trị, vai trò của tranh dân gian Đông Hồ trong dòng chảy văn hóa nghệ thuật dân tộc. Nhiều ý kiến cho rằng, triển lãm “Tranh dân gian Đông Hồ xưa và nay” hay hội thảo quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại” ngày 1/11 vừa qua... là những bước đi cần thiết để cộng đồng cùng nhận thức về giá trị, thực trạng cũng như giải pháp bảo vệ di sản.
Di sản chỉ có thể được bảo vệ tốt hơn khi được nhận thức tốt hơn. Nhận định như vậy, PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho biết, đến giờ, các bước cơ bản liên quan đến hồ sơ, bao gồm báo cáo thực trạng, phim tài liệu 10 phút, hệ thống ảnh... đã gần như hoàn tất. Theo tiến độ, tháng 12 năm nay, hồ sơ sẽ trình Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thẩm định, xét duyệt, trước khi hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ. “Bảo vệ tranh dân gian Đông Hồ không chỉ là bảo vệ một loại hình nghệ thuật mà còn là bảo vệ một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc, văn hóa ấy thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của người Việt. Đồng thời, đó cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với di sản văn hóa trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển rất nhanh và văn hóa dân tộc chính là hồn cốt cho phát triển bền vững”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn nói.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/tranh-dong-ho-nhung-gam-mau-van-sang-tintuc456187