Tránh được bẫy thu nhập trung bình và phát triển bền vững sẽ là ưu tiên của kinh tế Việt Nam thời gian tới
Để đạt mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao thì trong 20 năm tới tăng trưởng kinh tế phải đạt tốc độ bình quân 7%/năm. Do đó, việc tránh được bẫy thu nhập trung bình và tìm ra con đường phát triển bền vững đang là vấn đề đặt ra cho các nhà hoạch định kinh tế.
Thành quả khi chuyển dịch nền kinh tế
Ngày 22/2, tại Hà Nội, Trường đại học Kinh tế quốc dân phối hợp Viện nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản tổ chức Tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề "30 năm phát triển của Việt Nam: Nhìn lại quá khứ và ứng phó với thách thức mới".
Phát biểu khai mạc, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, cho biết: Trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam đã chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế định hướng thị trường.
Từ nền kinh tế đóng và thay thế nhập khẩu, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất và định hướng xuất khẩu trên thế giới. Việt Nam đã chuyển từ nền kinh tế thu nhập thấp dựa vào nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp hóa mới với thu nhập trung bình thấp.
Tiếp nối thành công này, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu Việt Nam trở thành "Quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao với nền công nghiệp hiện đại" vào năm 2030 và "Quốc gia phát triển có thu nhập cao" vào năm 2045.
Để đạt được mục tiêu này, nền kinh tế sẽ phải tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm là 7% trong 22 năm tới. Việt Nam cũng đặt mục tiêu tăng trưởng xanh và toàn diện hơn, cam kết giảm 30% lượng khí thải mêtan và chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, đồng thời đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
“Liệu Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, dần bước vào nhóm các nước có thu nhập cao, như Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã làm được trong thời gian qua hay chúng ta lại bước theo vết xe đổ của một số quốc gia lân cận như Thái Lan, Malaysia, Indonesia sau một thời gian dài vẫn loay hoay chưa thể thoát ra khỏi mức thu nhập trung bình hay rơi vào bẫy thu nhập trung bình là một câu hỏi lớn”, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương nêu vấn đề.
“Để quá trình phát triển không bị dừng ở ngưỡng thu nhập trung bình, ngay từ bây giờ Việt Nam cần có những định hướng chiến lược, những hành động cụ thể để duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh một cách bền vững và trở thành nước có thu nhập cao trong tương lai”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Chuyển hóa chất lượng để tăng thu nhập
Đánh giá những thành tựu sau hơn 30 năm đổi mới, GS.TS Ngô Thắng Lợi - Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: "Việt Nam đã đạt được 2/3 “cửa ải” lớn. Thứ nhất là đảm bảo được an ninh lương thực, thứ hai là vượt qua được mức thu nhập trung bình thấp, xây dựng được nền tảng cho một nước công nghiệp. Còn lại, mục tiêu thách thức thứ ba chưa vượt qua được là trở thành nước công nghiệp vào năm 2020".
Tuy nhiên, quá trình đó cũng xuất hiện một vài bất cập, biên độ tăng trưởng đang có xu hướng giảm và chưa đủ mạnh để tạo ra những đột phá trong thực hiện tiến bộ xã hội. “Tăng trưởng cũng chưa đủ nhanh để tạo ra những đột phá trong thực hiện tiến bộ xã hội. Chất lượng tăng trưởng của Việt Nam đang ở mức khá thấp so với các nước ở cùng thời kỳ như Hàn Quốc, Nhật Bản...", vị chuyên gia nêu quan điểm.
Để đạt được các mục tiêu phát triển cao đã đề ra, nhất làtrở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, GS.TS Ngô Thắng Lợi cho rằng, Việt Nam không thể không tăng trưởng nhanh, nhưng phải gắn với chất lượng tăng trưởng. Điều này đòi hỏi phải có mô hình phát triển hài hòa nhằm đạt tác động tốt nhất từ tăng trưởng cho tiến bộ xã hội. Trong đó, bệ đỡ của phát triển hài hòa chính là thể chế phát triển.
Đề xuất một vài giải pháp, ông cho rằng cần thực hiện phát triển bao trùm ở góc độ không gian, cụ thể là thông qua các chính sách và kết nối vùng động lực với các vùng khác (đặc biệt là các vùng chậm phát triển) để họ có thể trực tiếp tham gia vào quá trình tạo thu nhập.
Bên cạnh đó, cần tạo môi trường, cơ hội để các doanh nghiệp có chung một sân chơi, mà sân chơi đó giúp cho doanh nghiệp thỏa sức thực hiện phát triển kinh doanh.
Đồng quan điểm, GS Trần Văn Thọ - Đại học Waseda, Nhật Bản cũng cho rằng, trong khoảng một thập niên tới, mở rộng công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và cải cách thể chế để phân bổ hiệu suất các nguồn lực là các yếu tố tăng năng suất cho Việt Nam. Đồng thời Việt Nam cần chuẩn bị cho thời đại tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo cho thập niên 2030 và xa hơn.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự chuyển hóa cơ cấu và liên tục tăng năng suất sẽ làm cho Việt Nam tăng sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đây là điều kiện để tránh được vị trí "bánh sandwich" - không cạnh tranh được với nước đi sau có chi phí sản xuất rẻ hơn, cũng như chưa cạnh tranh được với nước đi trước.