Tránh 'giấy phép con', 'luật con' khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc ở địa phương trong triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Tại cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Tài chính về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 diễn ra vào chiều 26/6, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, các nghị quyết của Quốc hội về chương trình mục tiêu quốc gia được xem là công cụ hỗ trợ để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện, phân bổ nguồn vốn, kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, thống nhất thực hiện lồng ghép.
Bộ Tài chính đã ban hành 3 Thông tư: Thông tư số 15 ngày 4/3/2022, Thông tư số 46 ngày 28/7/2022, Thông tư số 53 ngày 12/8/2022 và một số văn bản để hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp thực hiện với các bộ, ngành địa phương trong triển khai thực các chương trình.
Dẫn chiếu quá nhiều văn bản khác nhau
Tuy nhiên, đa số ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát nhận thấy, nội dung 3 thông tư hướng dẫn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia dẫn chiếu 324 lượt điều khoản hoặc tên văn bản của 97 văn bản; trong đó dẫn chiếu 59 lượt từ 9 văn bản của 3 chương trình và 265 lượt từ 88 văn bản khác đã ban hành trước đó (trong đó có 31 Thông tư của Bộ Tài chính).
Dẫn yêu cầu của Nghị quyết 88 là tích hợp các chính sách đồng bộ và thống nhất việc thu gọn đầu mối, phân công nhiệm vụ rõ ràng; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry băn khoăn, việc thu gọn đầu mối, cải cách thủ tục hành chính của 3 chương trình mục tiêu quốc gia có đổi mới gì so với giai đoạn trước để đảm bảo yêu cầu và tinh thần của Nghị quyết 88 đã đặt ra? Liệu có giảm được văn bản nào không? Những văn bản vướng mắc, bất cập được đối chiếu khá rõ, đến khi nào mới khắc phục được những bất cập này?
Nhiều ý kiến trong Đoàn giám sát đề nghị Bộ Tài chính cần có ngay giải pháp khắc phục kịp thời việc dẫn chiếu quá nhiều văn bản khác nhau, trong đó nhiều nội dung chưa cụ thể về nội dung chi và mức chi; theo hướng Bộ Tài chính và các bộ chủ quản cùng các bộ, ngành liên quan cần thống nhất một danh mục tổng hợp đầy đủ các mục chi, mức chi hoặc hướng dẫn chi tiết cho các hoạt động, dự án, tiểu dự án… để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đồng thời cần rà soát các chính sách đã ban hành để tích hợp, lồng ghép chính sách.
Qua làm việc với các địa phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai nhận thấy, vấn đề nổi lên trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia chính là việc lồng ghép vốn. Bà bày tỏ băn khoăn khi thực hiện lồng ghép nguồn vốn của 3 chương trình thì có được lồng ghép 3 nguồn vốn phát triển sản xuất trong 1 dự án hay không? Thành viên Đoàn giám sát đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu và trả lời vấn đề này để địa phương xây dựng cơ chế lồng ghép.
Có cần tháo gỡ cơ chế hoạt động của cơ quan Ban Chỉ đạo?
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình làm rõ một số nội dung mà thành viên Đoàn giám sát nêu liên quan đến các vấn đề như: Thông tư sửa đổi, dẫn chiếu nhiều văn bản; việc chậm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; thu gọn đầu mối; vấn đề lồng ghép vốn; vấn đề phân bổ vốn và giao vốn; tỷ lệ giải ngân đạt thấp; vấn đề kiểm tra, thanh tra việc sử dụng kinh phí thực hiện CTMTQG thuộc thẩm quyền...
Qua báo cáo của Bộ Tài chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia đã được lãnh đạo Bộ Tài chính quan tâm chỉ đạo, hoàn thành các văn bản hướng dẫn quản lý sử dụng kinh phí cho cả 3 chương trình; phối hợp với các bộ khác, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư để ban hành Nghị định 27, Nghị định 38 được sửa đổi kịp thời.
Chia sẻ với Chính phủ, các bộ, nhất là các Bộ chủ chương trình như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, chủ trương lồng ghép theo Nghị quyết của Quốc hội là chủ trương mới, với 118 chính sách cụ thể cần được lồng ghép. Tuy nhiên, ông bày tỏ băn khoăn khi “có một ban chỉ đạo chung nhưng từng chương trình có văn phòng điều phối riêng thì sẽ làm việc như thế nào?”. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính và các bộ khác suy nghĩ thấu đáo về vấn đề này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các bộ ngành liên quan lưu ý một số vấn đề sau:
Đề nghị Bộ Tài chính rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, đánh giá việc sửa đổi Nghị định 38 thay cho Nghị định 27 có đủ sức tháo gỡ những vướng mắc đã phát hiện hay không?
Có cần tháo gỡ cơ chế hoạt động của cơ quan Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia không hay để nguyên như hiện nay? Nếu để nguyên như hiện nay thì có giải quyết được không, hay đổ lỗi do hệ thống? Vẫn giữ 3 văn phòng điều phối riêng của từng chương trình hay cần phải có 1 văn phòng điều phối chung do Thủ tướng chỉ đạo, Ủy ban Dân tộc tham mưu điều phối?
Cần khắc phục việc dẫn chiếu quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng dẫn chiếu “như ma trận”.
Đề nghị có cẩm nang hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia sao cho rõ ràng, cụ thể, tránh xảy ra tình trạng “giấy phép con”, “luật con”. Đây cũng là vấn đề mà nhiều địa phương kiến nghị.
Đề nghị nghiên cứu kiến nghị của Quốc hội tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 về giao vốn tập trung cho đầu mối cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia và hướng dẫn thực hiện.
Qua ý kiến của Tổ Công tác, Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn đến ngày 30/6 Bộ Tài chính có báo cáo cuối cùng, bổ sung thêm giai đoạn từ 31/12/2022 đến nay. Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc ở địa phương trong triển khai thực hiện 3 chương trình. Giao Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp với các thành viên Đoàn giám sát nghiên cứu đề xuất để có phương án cụ thể.