Tránh hình thức, tắc trách ở BCĐ phòng chống tham nhũng cấp tỉnh
Trưởng ban Nội chính TW yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh tránh tình trạng hình thức, được chăng hay chớ, lúc ra mắt thì rầm rộ nhưng sau cứ thưa thớt, nguội lạnh dần.
Ngày 31/3, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến công tác quý 1/2023 ngành nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc chủ trì Hội nghị.
Đưa hơn 500 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp vào diện theo dõi ở cấp tỉnh
Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải cho biết đến tháng 8/2022, 63/63 ban chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập.
Từ đó đến nay, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tổ chức được 137 phiên họp của Ban Chỉ đạo và 166 cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo, qua đó chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương và đạt được một số kết quả bước đầu tích cực.
Cụ thể, các Ban Chỉ đạo đã đưa nhiều vụ án, vụ việc vào theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý; chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã phát huy vai trò, tham mưu, thực hiện, hoàn thành nhiều công việc quan trọng.
Một số địa phương chủ động, linh hoạt tham mưu thành lập tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo, qua đó đề xuất biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng; tham mưu ban hành quy trình tiếp nhận và xử lý đơn thư, thông tin, phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực…
Bên cạnh đó, một số Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra các nội dung, chuyên đề như việc thực hiện một số dự án tại địa phương; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19; thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh bất động sản; thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp; quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng.
Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã chỉ đạo rà soát, quyết định đưa 327 vụ án, 179 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Các địa phương có nhiều vụ án, vụ việc đưa vào diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo là: Hà Nội 48 vụ, Thanh Hóa 10 vụ; Ninh Thuận, 10 vụ; Bắc Giang 9 vụ, Đồng Nai 9 vụ…
Quý 1/2023, các địa phương trong cả nước đã khởi tố mới 512 vụ án/1.283 bị can phạm tội về tham nhũng; số vụ án có cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tiêu cực là 225 vụ án/835 bị can.
Cùng với đó, các Ban Nội chính đã tham mưu Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tập trung chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận quan tâm như: vụ án Việt Á, vụ FLC, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty AIC, Vụ án xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm...
Tránh tình trạng hình thức, tắc trách ở Ban Chỉ đạo cấp tỉnh
Phát biểu kết luận, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đánh giá những kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh vừa qua có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị, ý thức trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố là hoàn toàn đúng đắn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số địa phương chưa quán triệt nghiêm quy định của Ban Bí thư về thành phần tham gia Ban Chỉ đạo; bố trí nhân sự tham gia Ban Chỉ đạo chưa đảm bảo cơ cấu, thành phần. Tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo chưa thống nhất.
Một số Ban Chỉ đạo chậm ban hành quy chế làm việc, chương trình công tác, chưa cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Một số nơi việc tổ chức các phiên họp của Ban Chỉ đạo, cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo chưa theo đúng quy định của Trung ương, nhất là cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo định kỳ hàng tháng.
Một số Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy còn lúng túng về phương pháp, cách làm trong tham mưu, phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo. Hoạt động của một số Ban Nội chính trên lĩnh vực công tác nội chính, cải cách tư pháp còn bị động, chất lượng, hiệu quả chưa cao...
Về nhiệm vụ công tác quý 2/2023 và cả năm 2023, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cục cấp tỉnh mới đi vào hoạt động chưa đầy 1 năm, đang trong quá trình vừa làm, vừa học, vừa hoàn thiện, rút kinh nghiệm.
Yêu cầu tiên quyết đặt ra trước hết Ban Chỉ đạo phải thực sự là một tập thể mạnh, đoàn kết thống nhất cao, gắn bó chặt chẽ; mỗi thành viên của Ban phải hết sức gương mẫu, công tâm, trong sạch, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào và cũng không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào, như hình ảnh Tổng Bí thư vẫn hay dùng: “Chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người."
“Hiệu quả, quyết liệt hay không hiệu quả, quyết liệt trước hết là người đứng đầu - Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo và các lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh," ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh và yêu cầu các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phải “đúng vai, thuộc bài," không “làm thay,” “lấn sân” sang các cơ quan khác. Kịp thời điều chuyển, thay thế những khâu, “mắt xích” yếu, bảo đảm bộ máy Ban Chỉ đạo vận hành thông suốt, thực hiện đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư: "Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm."
Theo ông Phan Đình Trạc, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tổ chức công việc chặt chẽ; làm việc nghiêm túc, khoa học, nền nếp, kỷ luật, kỷ cương, phối hợp công tác một cách nhịp nhàng, đồng bộ.
"Tuyệt đối tránh tình trạng hình thức, tắc trách, được chăng hay chớ, lúc ra mắt thì rầm rộ nhưng sau cứ thưa thớt, nguội lạnh dần. Muốn thế phải có chương trình, kế hoạch, quy chế công tác một cách bài bản, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên," Trưởng ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh.
Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tập trung nghiên cứu, quán triệt cuốn sách về phòng, chống tham nhũng của Tổng Bí thư, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đồng thời, các Ban Chỉ đạo chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội như: quản lý, sử dụng tài sản công, đầu tư công, quy hoạch, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán...
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra, thanh tra để phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ.
Trưởng ban Nội chính Trung ương yêu cầu các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực, trong đó có vụ liên quan đến Việt Á, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm, y tế, giáo dục...
Các Ban Chỉ đạo chủ động nắm chắc tình hình, phối hợp tham mưu giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, không để phát sinh “điểm nóng," bị động, bất ngờ.../.