Tranh luận học sinh dùng điện thoại trong lớp: Phản đối vì sợ?

TS tâm lý Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, chúng ta cần phải xác định đứa trẻ không thể tuyệt giao với công nghệ trong thời đại hiện nay. Vậy thay vì cấm, tại sao không tận dụng những thiết bị đang có để hướng cho con mình cảm thấy hứng thú với việc học tập hơn?

Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư 32 về điều lệ trường THCS, THPT có quy định "Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng chỉ phục vụ học tập, với sự đồng ý của giáo viên". Quy định này được nhiều bạn teen cũng như các thầy cô giáo quan tâm.

Thông tin này đã thu hút được sự quan tâm cũng như ý kiến trái chiều các nhà giáo dục cũng như các thầy cô giáo, học sinh thì cảm thấy hào hứng với quy định mới này. Mặt khác, dư luận xã hội lo ngại về vấn đề kiểm soát việc sử dụng điện thoại trong giờ học.

Thông tư có dựa trên căn cứ, cơ sở khoa học nào không?

TS tâm lý Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội đặt câu hỏi: Vì sao ngành Giáo dục lại đề ra quy định cho học sinh sử dụng điện thoại? Nó có dựa trên căn cứ, cơ sở khoa học nào không?

Theo TS Nam, không ít phụ huynh ra sức phản đối vì lo sợ quy định này gây tác động tiêu cực, con em mình sẽ rơi vào đà nghiện điện thoại…

“Thực tế lâu nay, nhiều bậc phụ huynh vẫn có thói quen, với con em mình, cái gì không quản được thì cấm. Trong số những người phản đối cho học sinh dùng điện thoại trong giờ học, hầu hết đang xuất phát từ nỗi lo, cảm xúc cá nhân, còn đã mấy ai bình tĩnh lại để suy ngẫm: Vì sao ngành Giáo dục lại đề ra quy định như vậy? Nó có dựa trên căn cứ, cơ sở khoa học nào không?”- TS Nam nhấn mạnh.

Cũng theo TS Nam, thống kê cho thấy, số điện thoại di động được sử dụng tại Việt Nam hiện đang là 150 triệu thiết bị, gần gấp rưỡi tổng dân số; Trung bình người Việt Nam dành tới 6 giờ 42 phút mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới mạng Internet…

“Vì thế, chúng ta cần phải xác định đứa trẻ không thể tuyệt giao với công nghệ trong thời đại hiện nay. Vậy thay vì cấm, tại sao không tận dụng những thiết bị đang có để hướng cho con mình cảm thấy hứng thú với việc học tập hơn?”- TS Nam nhấn mạnh

Theo cô Đỗ Ngọc Dung, Hiệu trưởng trường THCS Minh Khai, Hoài Đức, Hà Nội cho rằng, chúng ta cũng cần xem xét về quy định này. Vì hiện nay, học trực tuyến là một trong những giải pháp quan trọng trong việc giảng dạy. Các phương tiện dạy học hiện đại rất cần thiết để học sinh tra cứu thông tin cũng như sử dụng để làm công cụ học tập.

Tuy nhiên, vị hiệu trưởng này cũng băn khoăn, để đưa vào thực tế thì cần quán triệt để học sinh hiểu đúng về việc được sử dụng điện thoại.

“Sẽ có nhiều bất cập cũng lo lắng vì việc sử dụng điện thoại có thể làm sự mất tập trung của học sinh, các con sẽ sử dụng vào mục đích khác, như ghi âm, quay lén, lướt facebook...”- bà Dung nêu quan điểm.

Hãy dạy trẻ kỹ năng an toàn mạng

TS tâm lý Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục cho rằng, hiện nay, các công ty công nghệ giáo dục cho ra khoảng hơn 4.000 ứng dụng qua điện thoại để phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu. 2/3 trong số ứng dụng đó là miễn phí, tại sao lại không tận dụng?

Về mặt tâm lý giáo dục, tỷ lệ trẻ tiếp thu qua đọc là rất ít, chủ yếu kiến thức các em nhận được qua nghe nhìn thực tế. Thế nhưng, liệu rằng có phải trường nào, học sinh nào cũng có điều kiện để mua được thiết bị hiện đại đó hay không?

Cũng theo TS Nam, hiện có rất nhiều ứng dụng trong giảng dạy buộc trẻ mang điện thoại tới lớp phải truy cập vào để học. Khi đó, cô giáo vừa giảng bài, vừa quan sát được hành vi học sinh. Trường hợp trò làm việc riêng, chơi game, không tương tác với bài giảng, ngay lập tức phần mềm sẽ hiện lên cảnh báo trên màn hình.

TS Nam cho rằng, công nghệ là công cụ giúp trẻ học nhanh, tốt hơn, tránh bị lạc hậu so với guồng phát triển chung và tăng sức cạnh tranh về đầu ra.

“Tuy nhiên, để làm được điều này, bản thân người lớn bao gồm thầy cô và cha mẹ phải tự tăng cường năng lực công nghệ để dạy trẻ kỹ năng an toàn mạng, định hướng cách sử dụng thiết bị trong học tập và nghiên cứu. Bên cạnh đó, các nhà quản lý giáo dục cũng cần tăng cường phát triển các phần mềm giúp cha mẹ và nhà trường quản lý thời gian thực của con”- TS Nam nhấn mạnh.

Đỗ Hợp

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/tranh-luan-hoc-sinh-dung-dien-thoai-trong-lop-phan-doi-vi-so-1725643.tpo