Tranh luận kịch tính trong phiên xử vụ án 'chống người thi hành công vụ' ở Yên Bái
Ngày 31/3, TAND tỉnh Yên Bái mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án chống người thi hành công vụ đối với bị cáo Đinh Hồng Hải (SN 1983, trú tại phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái). Tại tòa, luật sư và VKS đã có những tranh luận dân chủ, công khai và không kém phần kịch tính.
Bắt quỳ vì cán bộ...không đeo thẻ
Đây là phiên tòa nhận được sự quan tâm của dư luận và đông đảo người dân địa phương. Trước đó, phiên tòa đã phải tạm hoãn hai lần do những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và nhân chứng vắng mặt tại tòa không có lý do, mặc dù Tòa án đã có giấy mời triệu tập hợp lệ.
Tại phiên tòa lần thứ 3, nhân chứng là bà Nguyễn Thị Hồng Tâm (SN 1963, Tổ trưởng tổ dân phố số 14, phường Yên Ninh) có mặt còn bà Phạm Thị Chính, ông Lưu Vũ Quân, Trần Nam Sơn có đơn xin xét xử vắng mặt.
Trong phần thủ tục, luật sư Lại Huy Phát, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đề nghị HĐXX triệu tập điều tra viên và những người có quyền lợi liên quan gồm các ông Lưu Vũ Quân, Trần Nam Sơn, bà Phạm Thị Chính đến tòa đối chất để làm rõ lời khai và động cơ dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo Đinh Hồng Hải. Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát tỉnh Yên Bái (VKS) cho rằng, những người nêu trên đã có đơn xin xét xử vắng mặt, nên việc họ không đến tòa không ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án.
Cáo trạng thể hiện, khoảng 15 giờ 30 phút ngày 25/3/2022, tại gia đình ông Đinh Trọng Đức (thuộc tổ 14, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái), 4 thành viên tổ công tác của Hội đồng Bồi thường hỗ trợ tái định cư thuộc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Yên Bái gồm: bà Nguyễn Thị Hồng Tâm; bà Phạm Thị Chính; ông Lưu Vũ Quân, Trần Nam Sơn, đến gửi giấy mời gia đình ông Đức tham gia họp triển khai kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc kiểm đếm để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở khu vực đầu cầu Tuần Quán, phường Yên Ninh.
Tại đây, bà Tâm tổ trưởng tổ dân phố số 14, phường Yên Ninh giới thiệu những người trong tổ công tác. Lúc này, Đinh Hồng Hải (con trai ông Đức) hỏi biển hiệu của ông Quân và ông Sơn thì được bà Chính cho biết những người này không có thẻ.
Nghi ngờ 2 người này giả danh cán bộ nhà nước, Hải đã cản trở, chửi bới và cầm dao đe dọa đến tính mạng, ép buộc ông Quân và ông Sơn phải quỳ xuống sân nhà ông Đức khoảng 20 phút.
VKS cáo buộc hành vi đe dọa của bị cáo Đinh Hồng Hải đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của người thi hành công vụ, gây cản trở, trở ngại, làm cho người thi hành công vụ không thực hiện được công vụ được giao, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, vi phạm pháp luật Nhà nước.
Tại phiên tòa, bị cáo Hải kêu oan và không thừa nhận hành vi chống người thi hành công vụ.
Hải khai, do trước đó có nhiều người tìm đến nhà bố đẻ mình xưng là cán bộ nhà nước, thuyết phục gia đình giao đất, nhưng gia đình không đồng ý nên rất bức xúc. Chiều ngày 25/3/2022, Hải thấy 4 người đến nhà bố đẻ mình không đeo thẻ nhân viên, không có giấy tờ gì chứng minh là người đang thực hiện công vụ. Cho rằng những người này là là cán bộ giả danh, Hải đã bắt 2 thanh niên quỳ, mục đích bắt quỳ để giữ 2 người này, sau đó nhờ bố đẻ gọi diện cho công an đến giải quyết.
“Nếu những người đến nhà bố tôi có đầy đủ giấy tờ chứng minh là người của nhà nước, bị cáo không bao giờ có hành vi như thế”, Hải nói và cho biết, bản thân có nhiều bức xúc đối với dự án thu hồi đất của UBND thành phố Yên Bái và cho rằng, việc thu hồi đất là không thỏa đáng, xâm phạm đến quyền và lợi ích của bản thân và gia đình bị cáo.
Tại phiên tòa, trình bày trước HĐXX, những người làm chứng cũng đều thừa nhận, Hải không có hành vi đánh đập những người đến nhà ông Đức. Nguyên nhân chính dẫn đến việc bị cáo Hải bắt 2 cán bộ quỳ tại sân là để gọi công an đến giải quyết, xem những người này có phải là người đang đi làm nhiệm vụ hay không.
Tranh luận "nảy lửa" giữa Luật sư và Kiểm sát viên
Trình bày quan điểm luận tội đối với bị cáo Đinh Hồng Hải, đại diện VKS cho rằng, bị cáo có đầy đủ năng lực nhận thức, không thể không biết anh Sơn và anh Quân là người đi thực thi nhiệm vụ.
Ngoài ra, tại thời điểm bị Hải đe dọa, ông Sơn và ông Quân đang là cán bộ của Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh Yên Bái, trực thuộc Sở Tài nguyên Môi trường quản lý, đang trực tiếp thực hiện công vụ do Chánh văn phòng Sở Tài nguyên Môi trường giao. Việc ông Quân và ông Sơn không đeo thẻ nhân viên khi đi đưa giấy mời là do chưa được cấp thẻ, nên không ảnh hưởng gì đến việc thực thi nhiệm vụ.
Đại diện VKS cho biết, Tòa án cấp sơ thẩm, xét xử bị cáo về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 330 Bộ luật hình sự là có căn cứ pháp luật, đúng người đúng tội, nên đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, tuyên phạt bị cáo Đinh Hồng Hải 1 năm 6 tháng tù
Tranh luận tại tòa, luật sư Lại Huy Phát nêu quan điểm, chưa đủ căn cứ để chứng minh 4 người gồm Nguyễn Thị Hồng Tâm, Phạm Thị Chính, Trần Nam Sơn, Lưu Vũ Quân là những người đang thi hành công vụ, bởi 4 người này khi đi làm nhiệm vụ không có bất cứ giấy tờ, thẻ gì chứng minh là người của nhà nước. Điều này cũng được khẳng định bằng việc từ đầu xảy ra sự việc đến khi xét xử, không có tài liệu nào xác định Hải biết những người bị Hải bắt quỳ là nhân viên nhà nước.
Luật sư cho rằng, trong vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng nhận định và cho rằng, 4 người gồm: Nguyễn Thị Hồng Tâm, Phạm Thị Chính, Trần Nam Sơn, Lưu Vũ Quân không đeo thẻ là chưa được cấp thẻ nên không ảnh hưởng gì đến việc thực thi nhiệm vụ là không thuyết phục, không có căn cứ. Bởi lẽ, tại Điều 7, khoản 1, quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 129/2007/QĐ-TTG ngày 2/8/2007 quy định: Cán bộ, công chức, viên chức, phải đeo thẻ khi thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra, quyết định số 06/2008/QĐ/BNV quy định về trách nhiệm của cán bộ công chức viên chức trong quản lý thẻ; Quyết định số 1446/QĐ/UBND ngày 20/9/2007 của UBND tỉnh Yên Bái quy định cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ phải đeo thẻ theo quy định.
“Lỗi của 4 người trên là nguyên nhân chính dẫn đến Hải có hành vi bắt ông Quân và ông Sơn quỳ tại sân bố đẻ là ông Đinh Trọng Đức. Không thể biện minh cho cái sai của người thực hiện công vụ, để buộc người dân phải nhận biết đó là người của cơ quan nhà nước đang thi hành công vụ”, luật sư Phát nói.
Sau phần tranh tụng thẳng thắn, kịch tính dân chủ công khai, dưới sự điều hành của chủ tọa phiên tòa và sự chứng kiến của của đông đảo người dân tham dự, HĐXX đã ghi nhận ý kiến của các bên và cho biết sẽ tuyên án vào ngày 4/4 tới đây.