Tranh luận nóng bỏng về luận án tiến sĩ nghiên cứu... áo ngực nữ sinh
Tên đề tài luận án tiến sĩ 'Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực' của nghiên cứu sinh (NCS) tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đang khiến dư luận và mạng xã hội xôn xao bình luận. Một số người thậm chí còn đặt dấu hỏi liệu đề tài có thực sự có ý nghĩa xã hội và 'xứng tầm' với luận án tiến sĩ hay không?
Đề tài nghiên cứu: “Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực” của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung ngành Công nghệ dệt, may. Người hướng dẫn khoa học là PGS.TS Nguyễn Nhật Trinh và PGS.TS Nguyễn Thị Lệ. Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ dự kiến tổ chức vào ngày 12/10 tới tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
PGS.TS Phan Thanh Thảo - Viện trưởng Viện Dệt may - Da giầy và thời trang, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, nhà trường đã nắm bắt được thông tin có những dư luận khác nhau về đề tài này.
Theo PGS.TS Phan Thanh Thảo, đây là đề tài chuyên ngành về công nghệ dệt, may có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn. Đề tài có tính cấp thiết rất lớn vì áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ có vai trò đặc biệt quan trọng với cảm nhận và ảnh hưởng tới sức khỏe của người mặc. Khoa học đã chứng minh áo ngực có thể làm cho người mặc cảm thấy khó chịu, hạn chế lưu thông máu, đau nhức, tổn thương trên da… nếu giá trị áp lực của áo ngực lên cơ thể trong thời gian dài và lớn hơn mức chịu đựng của con người.
Hiện nay trên thế giới, nhiều nghiên cứu đã được công bố về đo lường các kích thước ngực, phân loại ngực nữ; xây dựng hệ thống cỡ số áo ngực, đo lường áp lực của áo ngực, ảnh hưởng của các loại vật liệu, cấu trúc thiết kế của áo ngực tới áp lực và độ vừa vặn, độ tiện nghi của áo ngực nữ đã được thực hiện trên các nhóm phụ nữ ở lứa tuổi khác nhau ở các nước như Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…
Với nội dung nghiên cứu của luận án này, NCS Lưu Thị Hồng Nhung cũng đã có 8 công trình nghiên cứu được công khai trong nước và quốc tế trong đó có 1 bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, 3 bài báo khoa học công bố (Scopus, Springer); 4 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học và công nghệ trong nước (có phản biện và được tính điểm của Hội đồng học hàm giáo sư nhà nước) và 1 giải thưởng Khoa học công nghệ đo lường Việt nam 2020. Trong đó nội dung của các bài báo đều phản ánh kết quả của luận án. Vấn đề nghiên cứu này còn rất mới, hoàn toàn phù hợp và rất cần thiết nhằm góp phần xây dựng cơ sở khoa học để cải thiện độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ cho người mặc trong quá trình thiết kế và sản xuất áo ngực.
Cũng theo PGS.TS Phan Thanh Thảo, nghiên cứu về áo ngực và phần ngực phụ nữ đã là vấn đề có tính thời sự và thực sự thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong 15 năm qua ở nhiều quốc gia trên thế giới với các từ khóa nổi bật như: “bra - áo ngực”, “ breast- bầu ngực”, “ pressure comfort – độ tiện nghi áp lực,…thường được sử dụng. Trong các luận văn, luận án, bài báo khoa học nghiên cứu về áo ngực, áo ngực thể thao có hàng trăm công trình nghiên cứu. Trong nội dung luận án, NCS đã phân tích tổng hợp 132 công trình nghiên cứu và các công trình đều được trích dẫn trong phần tài liệu tham khảo của luận án.
Liên quan đến đề tài luận án này, hiện trên mạng xã hội đang có 2 luồng ý kiến trái chiều. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng đề tài này có phần "gây cười" và chưa xứng tầm của một luận án tiến sĩ. Luồng ý kiến thứ hai lại cho rằng, đây là một vấn đề có ý nghĩa khoa học lẫn ý nghĩa thực tiễn và đã được thế giới nghiên cứu từ lâu.
Theo thống kê của TS Phạm Hiệp, chuyên gia giáo dục, đã có hơn 800.000 bài báo Scopus và hơn 6.000 luận án tiến sĩ trên Proquest về ngực-breast.
"Vấn đề này thế giới đã nghiên cứu như vũ bão mà ở Việt Nam người ta lại đang mất quá nhiều thời gian để níu kéo nhau, nào là có đáng để nghiên cứu không, có đáng làm luận án tiến sĩ không?"-chuyên gia giáo dục Phạm Hiệp bày tỏ quan điểm.