Tranh luận 'nóng' trong lĩnh vực giáo dục và điện năng lượng
Chiều 31/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi các vấn đề liên quan đến giáo dục, an sinh xã hội...
Đại biểu Quốc hội thảo luận:
Xem xét miễn học phí và tiền ăn trưa cho học sinh mầm non vùng khó khăn
Quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, đại biểu Hà Ánh Phượng, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho biết: hiện nay trẻ mẫu giáo 3- 6 tuổi ở các xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn đang được hỗ trợ tiền ăn trưa và miễn học phí theo quy định.
Nhưng trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ ở khu vực này vẫn phải đóng 100% học phí và không được hỗ trợ ăn trưa. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tại các xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ tiền ăn trưa cho tất cả trẻ em trong độ tuổi mầm non ở các xác đặc biệt khó khăn để cha mẹ các em yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.
Đại biểu cũng cho rằng, tăng trưởng những tháng đầu năm 2023 có dấu hiệu chững lại, gây áp lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả năm. Theo đại biểu, bên cạnh nguyên nhân Chính phủ đã nêu có nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, đó là một số nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội thực hiện chưa tốt, trong đó chính sách hỗ trợ 2% lãi suất đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá để có giải pháp tháo gỡ ngay điểm nghẽn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, khơi thông dòng vốn phục hồi và phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tại Phú Thọ phản ánh thực hiện Thông tư của Bộ Xây dựng về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn phòng cháy chữa cháy cho công trình đã khiến không ít doanh nghiệp kinh doanh gặp khó khăn, gây đình trệ trong sản xuất kinh doanh.
Trước ý kiến này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, nhưng việc triển khai vẫn chậm. Do vậy, đại biểu đề nghị các bộ ngành rà soát thực hiện Công điện của Chính phủ để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhiều địa phương thiếu giáo viên giảng dạy...
Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023, đại biểu Nguyễn Quốc Luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, bày tỏ sự nhất trí với Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kinh tế-xã hội ở trong nước thời gian qua và các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra trong thời gian tới.
Về thu hút đầu tư, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Chính phủ có chính sách thu hút đầu tư, cải cách hành chính cho việc đầu tư ở khu vực khó khăn.
Về chương trình giáo dục phổ thông mới, đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho biết, hiện nay, nguồn lực giáo viên để phục vụ cho công tác giảng dạy theo chương trình mới ở nhiều địa phương còn thiếu. Vì vậy, đề nghị Chính phủ tạo điều kiện để các địa phương có thể tự tuyển chọn giáo viên Tiểu học theo tiêu chuẩn như giai đoạn trước…
Các địa phương sẽ có lộ trình đào tạo, bồi dưỡng đến năm 2030. Đội ngũ giáo viên này đảm bảo đạt được kết quả theo quy định. Đồng thời, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường ở địa bàn đặc biệt khó khăn, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường thuộc xã trong lộ trình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Để đảm bảo các điều kiện phát triển khai thực hiện chương trình, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, bổ sung đầy đủ các quy định, hướng dẫn để loại bỏ khó khăn cho các địa phương, nhà trường và học sinh trong triển khai chương trình triển khai đảm bảo hiệu quả, dễ dàng thực hiện.
Về việc triển khai triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, theo báo cáo của Chính phủ, việc triển khai một số chính sách của 3 chương trình còn chậm, chưa đạt yêu cầu, không chắc chắn tiến độ đề ra. Theo đại biểu Nguyễn Quốc Luận, nguyên nhân là một số quy định, hướng dẫn của các Bộ, ngành chưa kịp thời, chưa đủ kế hoạch vốn sự nghiệp cho cả giai đoạn 2021-2025 của các chương trình chưa được Thủ tướng Chính phủ giao, dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện giao vốn hàng năm có mặt chưa hợp lý. Do vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương rà soát, xem xét sớm ban hành đầy đủ các hướng dẫn, định mức hỗ trợ và các quy định cụ thể về tổ chức phát triển khai triển các chương trình.
Cần hạn chế các bất cập trong chính sách thu mua điện từ năng lượng tái tạo, điện gió và điện mặt trời:
Phát biểu góp ý về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023 tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu bày tỏ nhất trí và đánh giá cao với Báo cáo của Chính phủ.
Tại Phiên họp, đại biểu Trần Thị Hoa Ry bày tỏ sự quan tâm về vấn đề năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, đảm bảo các mục tiêu cho mục tiêu Quy hoạch điện VIII; quan tâm hơn đến các mục tiêu, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm hơn về vấn đề việc làm cho lao động sau đại dịch COVID-19…
Liên quan đến hạn chế, bất cập trong các chính sách thu mua điện từ năng lượng tái tạo, điện gió và điện mặt trời, trước thềm của kỳ họp, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII với mục tiêu là đặt ra phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ cho sản xuất điện.
Tuy nhiên, liên quan đến lĩnh vực này trong thời gian vừa qua vẫn còn những vấn đề bất cập. Trong khi chủ trương luôn khẳng định khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo trong thực tiễn đầu tư thì lĩnh vực năng lượng tái tạo như là điện gió, điện mặt trời, doanh nghiệp phải có chi phí đầu tư cao hơn so với lĩnh vực khác.
Song thời gian vừa qua, việc định giá để mua điện gió, điện mặt trời lại thấp hơn giá từ điện than, điện chạy dầu diezel. Mặt khác, trong khi mua chưa hết công suất của điện gió, điện mặt trời ở trong nước thì lại đi nhập khẩu điện từ các nước lân cận, gây ra tình trạng bức xúc trong doanh nghiệp lĩnh vực này vì không đảm bảo cái quyền lợi chính đáng. Đây cũng chính là điểm nghẽn cản trở cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Vì vậy, đề nghị Chính phủ quan tâm và sớm chỉ đạo các ngành chức năng có giải pháp tháo gỡ những khó khăn này cho doanh nghiệp, đồng thời cũng để đảm bảo các mục tiêu trong việc thực hiện Quy hoạch điện VIII về phát triển nguồn năng lượng tái tạo phục vụ cho sản xuất điện sớm đi vào cuộc sống.
Vấn đề thứ hai là về đời sống xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều đại biểu cũng đã đề cập đến nhiều trong việc chậm trễ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong thời gian vừa qua, qua triển khai giám sát của Quốc hội, Chính phủ cũng đã chỉ đạo và hết sức nỗ lực trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Đặc biệt là trong Công điện 71 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề cập, xác định rõ có 21/42 điều gây khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và có 16 điều hiện nay đang tập trung để sửa Nghị định 27.
Ngoài những việc các đại biểu Quốc hội đã đề cập, đại biểu Trần Thị Hoa Ry rất mong Chính phủ quan tâm thêm về những vướng mắc, bất cập trong thời gian qua đã được Thủ tướng chỉ đạo cho các Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ cho địa phương.
Qua giám sát, có một số Bộ, ngành sau khi lý giải, chỉ dẫn lòng vòng lại khẳng định là đề nghị áp dụng theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng, vấn đề này nếu mà không có quan tâm, giải quyết một cách thấu đáo thì từ nay đến cuối năm liên quan đến mục tiêu chương trình này cũng rất là khó giải ngân được.