Tranh luận về đáp án Lịch sử 'Ai cập giành độc lập ở châu Phi'

Câu hỏi trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử về quốc gia châu Phi giành được độc lập sau chiến tranh thế giới thứ II đang có nhiều ý kiến tranh luận.

Sau khi kết thúc môn thi Lịch sử, cụm từ "Ấn Độ thuộc châu Phi", "Ấn Độ thuộc châu lục nào" được tìm kiếm nhiều. Nguyên nhân được cho rằng xuất phát từ câu hỏi trong đề: "Sau Chiến tranh thế giới thứ II, một trong những quốc gia ở châu Phi giành được độc lập là?". Đề ra kèm 4 đáp án gợi ý, lần lượt là Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản.

Nhiều thí sinh đã nhầm lẫn chọn Ấn Độ, trong khi đáp án đúng phải là Ai Cập. Mới đây, một số ý kiến lại đặt vấn đề Ai Cập có phải đáp án đúng cho câu hỏi này.

 Câu hỏi quốc gia châu Phi giành được độc lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử.

Câu hỏi quốc gia châu Phi giành được độc lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử.

Theo dịch giả Nguyễn Việt Long, Ai Cập đã chính thức tuyên bố độc lập từ năm 1922 và trở thành vương quốc. Đến năm 1952 (sau Chiến tranh thế giới thứ II, 1941-1945), một nhóm sĩ quan làm đảo chính, lật đổ chế độ quân chủ, thành lập nền cộng hòa. Ngày 23/7/1952 là ngày cách mạng, sau được lấy làm ngày quốc khánh, không phải đến lúc đó Ai Cập mới giành được độc lập. Như vậy, ông Long cho rằng trong tất cả 4 đáp án trên không có đáp án nào đúng.

Tuy nhiên, theo một giáo viên Lịch sử tại TP.HCM, đây là câu hỏi ở mức độ nhận biết. Học sinh chỉ cần dùng phương pháp loại trừ để chọn đáp án. Nói cách khác, trong các đáp án, chỉ có Ai Cập thuộc châu Phi nên các em dễ dàng chọn đáp án này.

 Nội dung về nền độc lập của Ai Cập trong sách giáo khoa Lịch sử 12.

Nội dung về nền độc lập của Ai Cập trong sách giáo khoa Lịch sử 12.

"Căn cứ sách giáo khoa làm chuẩn thì người ra đề không sai. Còn xét về quan điểm khoa học, phân tích sâu về nền độc lập của Ai Cập bắt đầu từ khi nào, sẽ có nhiều quan điểm khác nhau", giáo viên này nói.

Tương tự, thầy Phạm Văn Giềng, giáo viên Lịch sử, trường THPT Einstein (Hà Nội), thông tin sách giáo khoa đã viết năm 1952, cuộc binh biến của sĩ quan, binh lính yêu nước đã lật đổ vương triều Pharúc - chỗ dựa của thực dân Anh. Thế nên, cuộc binh biến này vẫn được coi là một phong trào giải phóng dân tộc của Ai Cập.

"Giới sử học vẫn tranh luận rất nhiều về bản chất của ngày cách mạng ở Ai Cập, vương triều Farouk có phải vương triều phản động hay không. Chắc chắn chúng ta còn phải tranh luận nhiều để tìm ra chân lý. Còn đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần dựa vào sách giáo khoa để đưa ra đáp án", thầy Giềng nêu quan điểm.

Minh Nhật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tranh-luan-ve-dap-an-lich-su-ai-cap-gianh-doc-lap-o-chau-phi-post1237191.html