Tranh luận về kiểm toán các dự án PPP
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần kiểm toán toàn diện dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Nội dung kiểm toán với các dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã nhận được rất nhiều ý kiến từ các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận sáng 28/5 liên quan đến dự án Luật PPP.
Một số đại biểu cho rằng, Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán tài sản công, tài chính công trong dự án PPP, không kiểm toán vốn đầu tư tư nhân tham gia dự án. Cơ chế, chính sách pháp luật đối với các dự án PPP cần phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công nhưng đồng thời cũng phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân.
Do đó, nếu quy định kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, các dự án này sẽ khó thu hút, huy động được nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho sự phát triển.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, dự án PPP là đầu tư công, nên Kiểm toán Nhà nước phải kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần đầu tư từ nguồn vốn tư nhân.
Theo đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình), bản chất của dự án thực hiện theo hình thức PPP là đầu tư công. Các dự án này do nhà nước chủ trì mời gọi thêm các nhà đầu tư tham gia. Chính vì vậy, dự án cần phải tuân thủ hoạt động Kiểm toán Nhà nước theo đúng quy định của Luật Kiểm toán.
Nhà nước khi kêu gọi hợp tác công tư PPP phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, không bao giờ để nhà đầu tư phải thua thiệt.
Theo ông Phương, với các dự án PPP, có 3 vấn đề cần kiểm toán. Thứ nhất, kiểm toán xem dự án có tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đúng hợp đồng, đúng quy chế dự án hay không. Thứ hai là kiểm toán giá trị công trình để tính toán hiệu quả của dự án. Thứ ba là kiểm toán hiệu lực, hiệu quả kinh tế của dự án.
"Nếu không kiểm toán giá trị công trình ngay sau khi kết thúc, lấy căn cứ đâu để Nhà nước trả nợ cho các nhà đầu tư bằng các tài sản công khác. Khi chủ đầu tư làm đúng thì sẽ không ngại kiểm toán, ngại thanh tra kiểm tra", ông Phương nhấn mạnh
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cũng cho rằng, cần kiểm toán toàn diện dự án PPP.
Bản chất các dự án PPP là hoạt động của đầu tư Nhà nước để thu hút nguồn lực của tư nhân. Nhà nước thực hiện qua hợp đồng BOT với các nhà đầu tư. Nhà nước không trực tiếp trả kinh phí cho các nhà đầu tư mà cho phép họ thu phí với mức thu và thời hạn thu do Nhà nước quy định.
Chính vì vậy, nếu không kiểm toán chi phí đầu tư, phương án tài chính, dự án sẽ không thể xác định được mức thu phí, thời gian thu phí phù hợp, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, để đảm bảo phù hợp với hiến pháp, pháp luật về kiểm toán, dự thảo đã quy định kiểm toán tuân thủ về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP; kiểm toán việc sử dụng vốn Nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có); kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án PPP.
Khi chuyển giao cho Nhà nước, cần thiết phải thực hiện kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP.
Đầu tư BOT giao thông: Khó khăn bủa vây doanh nghiệp
Cũng theo ông Thanh, về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP, để hạn chế phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều lần và tránh thủ tục phức tạp, kéo dài, dự thảo luật quy định trường hợp thay đổi tăng tổng mức đầu tư từ 10% trở lên thì mới phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Đồng thời, dự thảo luật cũng đã bổ sung quy định về mức trần được phép điều chỉnh không quá 30%. Trường hợp tổng mức đầu tư tăng từ 30% trở lên, trước khi điều chỉnh dự án phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền ở cấp cao hơn.
Về lựa chọn nhà đầu tư, dự thảo luật cũng quy định rõ nguyên tắc không lựa chọn nhà đầu tư quốc tế trong trường hợp dự án cần bảo đảm về quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước; ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Đối với dự án cần bảo đảm về quốc phòng, an ninh quốc gia, khi thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng đối với yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, Bộ Công an đối với yêu cầu về bảo đảm an ninh quốc gia và bảo đảm bí mật nhà nước.
Làm rõ quy định về vốn nhà nước trong dự án PPP, ông Thanh cho biết, vốn nhà nước có thể tham gia ở tất cả dự án PPP phụ thuộc vào khả năng cân đối vốn nhà nước trong từng thời kỳ và tính khả thi của dự án theo hướng nhà đầu tư sẽ tham gia ở mức tối đa và Nhà nước tham gia ở mức tối thiểu.
Căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn, báo cáo nghiên cứu khả thi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, kết quả lựa chọn nhà đầu tư, vốn đầu tư công sử dụng trong dự án PPP được tổng hợp trong kế hoạch đầu tư công hằng năm. Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP.
Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP và chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm không quá 50% tổng mức đầu tư.
Quy định tỷ lệ này áp dụng chung với tất cả các dự án PPP. Đối với dự án có nhiều dự án thành phần. Trong đó có dự án thành phần áp dụng phương thức PPP thì tỷ lệ vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đối với từng dự án thành phần được xác định trên tổng mức đầu tư của dự án thành phần.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/tranh-luan-ve-kiem-toan-cac-du-an-ppp-1590649452229.htm