Tranh luận về sách Công nghệ giáo dục: Đừng vội vã 'đập bỏ' cái hiện hành

Đề cập đến việc sách Công nghệ giáo dục bị loại, TS. Nguyễn Thành Nam, giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự băn khoăn, nếu đập bỏ cái hiện hành còn hữu dụng trong khi cái mới còn chưa hoàn thiện, chưa đi vào thực tiễn và chưa chứng tỏ được tính ưu việt của nó, nếu cái mới gặp vấn đề thì làm thế nào?

Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ vật lý ở Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Cộng hòa Pháp (CNRS) năm 2007, TS. Nguyễn Thành Nam đã bỏ ra 4 năm chỉ để học cách dạy học sinh tiểu học. Hai năm tiếp theo, ông trực tiếp vừa biên soạn chương trình vừa dạy khoa học cho học sinh tiểu học. Có điều kiện tiếp xúc, làm việc với trẻ nhỏ, TS. Nam hiểu được cách dạy học sinh tiểu học sẽ có nhiều khác biệt so với các cấp học khác...

TS. Nguyễn Thành Nam. (Ảnh: NVCC)

Từ câu chuyện sách Công nghệ giáo dục bị loại với những ý kiến trái chiều, để nhận định giá trị của một bộ sách cần theo tiêu chí và cơ sở nào?

Tiêu chí đúng đắn nhất là năng lực của sản phẩm ở đầu ra. Chúng ta cần xây dựng một bộ tiêu chí với những chỉ số có thể đo lường được, để đánh giá năng lực của học sinh ở đầu ra của mỗi chương trình giáo dục mà sách giáo khoa chỉ là một yếu tố của nó.

Đồng thời cần lưu ý, sách giáo khoa (SGK) chỉ là một thành tố của chương trình giáo dục như là giải pháp hoàn chỉnh. Vì SGK mới chưa biết sẽ được sử dụng như thế nào trong thực tế, nhưng theo như chương trình đại trà hiện hành thì SGK là tài liệu dùng chung của cả giáo viên và học sinh, thầy cô giáo dựa vào đó để giải thích cho học sinh hiểu kiến thức, còn học sinh dựa vào đó để ghi nhớ và vận dụng vào việc làm bài tập. Trong khi ở chương trình Công nghệ giáo dục (CNGD), giáo viên sử dụng các bản thiết kế riêng, còn SGK vừa là vở ghi, vở bài tập, vở sáng tạo của học sinh sau giờ học.

Theo quan niệm của CNGD, SGK là những gì thầy và trò cùng làm ra trong lớp học. Quan niệm này hoàn toàn khác với SGK hiện hành, do đó sách của họ làm ra hoàn toàn khác, không thể đem so câu chữ hay cấu trúc với các bộ SGK khác được.

Có ý kiến cho rằng, không nên bắt bộ sách đã hoàn thiện trong 40 năm và thực nghiệm thành công phải sửa gần 300 chỗ, tức là phải làm lại hoàn toàn, chẳng khác nào phải “gọt chân cho vừa giày”. Tiến sĩ có nghĩ như vậy?

Vấn đề không phải là bao nhiêu năm mà quan trọng nó có còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống hay không? Sách có đáp ứng được các đòi hỏi có tính thời đại hay không? Nếu không còn phù hợp thì buộc phải điều chỉnh, thậm chí loại bỏ là điều tất yếu.

Tiến sĩ Nam trong một giờ dạy lớp 1 bằng phương pháp Công nghệ giáo dục. (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đổi mới hay cải cách giáo dục cần hết sức thận trọng vì nó liên quan đến tiền đồ của quốc gia, nhất định không nên đập bỏ hoàn toàn cái hiện hành trước khi cái mới được hoàn thiện và được cuộc sống chấp nhận. Tức là, sản phẩm của cái mới phải chứng tỏ có chất lượng cao hơn sản phẩm hiện hành.

Trong một nền giáo dục lành mạnh, bản thân các chương trình giáo dục cũng cần phải được điều chỉnh liên tục trong mối quan hệ biện chứng với thực tiễn. Chương trình CNGD vẫn thường xuyên được điều chỉnh để luôn đi sát với thực tiễn dạy học. Theo tôi biết, bộ SGK CNGD được nộp lên cho hội đồng thẩm định là bản mới nhất.

Cái sai ở chỗ, bắt CNGD phải “đập đi” và “xây lại” toàn bộ cho sát với những quy định mới trong các văn bản hành chính chứ không phải là cho phù hợp với thực tiễn dạy và học. Đây là một sự can thiệp thô bạo và hoàn toàn phản khoa học nên chẳng khác nào “gọt chân cho vừa giày”.

Tại sao chúng ta không chờ đến khi sản phẩm đầu ra của các chương trình giáo dục mới chứng tỏ được sự vượt trội về chất lượng so với các chương trình hiện hành rồi hãy đập bỏ cái hiện hành? Rõ ràng, chưa có gì đảm bảo các chương trình đang xây dựng sẽ thành công như mong muốn. Nếu đập bỏ luôn cái hiện hành còn hữu dụng trong khi cái mới còn chưa hoàn thiện, chưa đi vào thực tiễn và chưa chứng tỏ được tính ưu việt của nó, nếu cái mới gặp vấn đề, chất lượng sản phẩm đầu ra không được như cái cũ thì làm thế nào?

Ông từng khẳng định, phương pháp học tập thông qua hệ thống việc làm của CNGD là phương pháp hiện đại nhất, vì sao vậy?

Suy cho cùng, mọi hoạt động dạy và học ở phổ thông đều dựa trên hai yếu tố là giải thích của giáo viên và hoạt động của học sinh. Nền giáo dục cổ truyền của chúng ta chỉ dùng mỗi cách thầy giảng giải, trò ghi nhớ và cách đó đã lỗi thời. Các phương thức học tập mới, hiện đại tập trung nhiều hơn vào hoạt động học tập của học sinh. Vai trò của người thầy chuyển dần từ chỗ là người giải thích, cung cấp thông tin sang vai trò của người hướng dẫn, tổ chức hoạt động học tập của học sinh. Thông qua hoạt động học tập, người học tự tạo ra các năng lực cho bản thân mình.

Trong chương trình CNGD, giáo viên là người thiết kế ra hệ thống hoạt động của học sinh và tổ chức hoạt động học tập đó, do vậy mới gọi là “thầy thiết kế, trò thi công”. Qua đó, học sinh sẽ “tự học, tự giáo dục, tự làm ra chính mình”, vậy nên tôi mới nói là hiện đại nhất.

TS. Nguyễn Thành Nam trong một giờ học. (Ảnh: NVCC)

Nhưng hình như nhiều người chưa hiểu cặn kẽ về cách dạy theo Công nghệ giáo dục?

Thực tế cho thấy, việc dạy theo CNGD đòi hỏi cao hơn ở người thầy, SGK cũng khác. Do đó, nhiều người nhìn vào có cảm giác rất khó hiểu với cái tư duy giảng giải của họ, chứ thực ra không khó đối với học sinh vì các em học tập thông qua việc làm chứ không học qua lời giải thích của người lớn.

Phải chăng chúng ta rất dễ theo lối “tư duy đồng phục”, triệt tiêu mọi sáng tạo nếu đòi hỏi tất cả bộ sách giáo khoa đều phải biên soạn giống nhau?

Đúng vậy! Nếu yêu cầu tất cả các bộ sách giáo khoa đều phải biên soạn giống hệt nhau về cấu trúc, về phân phối nội dung, cuối cùng cái khác nhau duy nhất chỉ có thể là vật liệu - điều giáo viên hoàn toàn có thể tự điều chỉnh trong quá trình dạy học. Với cách làm như vậy không khác gì chúng ta chỉ có một bộ sách giáo khoa.

Ở nước ngoài, họ sử dụng sách giáo khoa như thế nào và chúng ta có thể học được gì, thưa Tiến sĩ?

Còn tùy ở mỗi quốc gia, có nước cho phép sử dụng song song nhiều bộ sách giáo khoa và việc sử dụng bộ sách nào là do hiệu trưởng quyết định. Nhiều nước thậm chí cho phép giáo viên tự biên soạn bài giảng và dạy theo cách của riêng mình chứ không nhất thiết phải theo một cuốn sách nào, miễn là năng lực của học sinh phải đáp ứng được các yêu cầu chuẩn đầu ra. Người ta xây dựng các kỳ thi sát hạch quốc gia và kiểm soát chất lượng thông qua các kỳ thi sát hạch đó.

Để tiệm cận với phương pháp giáo dục của các nước phát triển, chúng ta cần phải thay đổi như thế nào, theo ông?

Đây là việc lớn và cần một hệ thống các giải pháp phức tạp và đồng bộ. Ở đây, tôi chỉ xin nếu ý kiến cá nhân về việc xây dựng chương trình giáo dục mới. Tôi cho rằng, các chương trình giáo dục hiện hành nên được tiếp tục duy trì trong quá trình xây dựng và triển khai chương trình giáo dục mới. Việc xây dựng các chương trình giáo dục mới bao gồm biên soạn sách giáo khoa cứ tiến hành như cách đang làm.

Đồng thời, Nhà nước nên tập trung xây dựng một bộ tiêu chuẩn chất lượng đầu ra cùng với hệ thống đánh giá chất lượng đi kèm. Bộ tiêu chuẩn này bao gồm các năng lực tối thiểu mà học sinh cần phải có được sau khi hoàn thành chương trình học. Trong trường hợp cần loại bỏ một chương trình giáo dục nào đó thì nên dựa vào việc so sánh chất lượng sản phẩm đầu ra, tức là năng lực của học sinh để quyết định nên giữ chương trình nào, nên loại bỏ chương trình nào, chương trình nào cần phải điều chỉnh mới có thể tiếp tục được sử dụng. Tóm lại, theo tôi nên tìm câu trả lời cuối cùng từ thực tiễn cuộc sống.

Xin cảm ơn ông!

Trước đó, ngày 23/9, PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào đã đại diện cho cán bộ trung tâm CNGD viết kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thể hiện sự bức xúc về việc sách CNGD bị loại với các lý do không thuyết phục.

Ngày 25/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã có văn bản trả lời về việc Bộ GD&ĐT thực hiện quy trình thẩm định sách giáo khoa theo quy định pháp luật và thông báo nếu nhóm tác giả sách CNGD tiếp tục sửa chữa thì có thể sẽ đăng ký thẩm định lại ở các đợt sau.

Ngày 7/10, PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào tiếp tục gửi thư lên Phó thủ tướng Vũ Đức Đam để trao đổi về những bức xúc xung quanh bộ sách công nghệ giáo dục không qua “cửa thẩm định”.

Nguyệt Anh

(thực hiện)

Nguyệt Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tranh-luan-ve-sach-cong-nghe-giao-duc-dung-voi-va-dap-bo-cai-hien-hanh-102423.html