Tranh luận về việc 'có tiền mà tiêu hết sức chậm trễ'
Trước sự chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu làm rõ, nếu không Quốc hội chất vấn xong, ra nghị quyết rồi 'thì tình hình cũng như vậy thôi'.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Trả lời câu hỏi của các đại biểu đặt ra về việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nguyên nhân do công tác chuẩn bị hồ sơ, dự án còn rất nhiều bất cập, phải điều chỉnh nhiều lần. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng vẫn là “câu chuyện muôn thuở” chưa được giải quyết. Riêng năm 2021, còn có nguyên nhân do ảnh hưởng của đại dịch, thời gian giãn cách xã hội dài, thiếu lao động, chi phí vận chuyển tăng cao.
Về trách nhiệm, ông Dũng nhấn mạnh, đã phân cấp chủ yếu cho các địa phương. Do đó, nếu có chậm chủ yếu là ở khâu thực hiện, trong đó trách nhiệm chủ yếu thuộc về địa phương.
“Bấm nút” xin tranh luận về nội dung này, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, vấn đề này đã tồn tại nhiều năm, vậy vai trò, trách nhiệm và giải pháp của bộ - vốn được coi là cơ quan “gác cửa” ra sao? “Nếu cứ để tồn tại, vướng mắc như thế này thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển. Vì thế, vấn đề mà đại biểu quan tâm là Bộ Kế hoạch và Đầu tư có giải pháp khắc phục như thế nào. Tôi tranh luận với bộ trưởng là ở điểm đó”, ông Hạ nói.
Trước tranh luận trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải giải trình, làm rõ thêm vấn đề trên. Dẫn con số đến hết tháng 10/2021 mới giải ngân được chưa đến 50%, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự lo lắng khi hiện nay người dân, doanh nghiệp đều đang mong muốn có gói kích thích mới.
“Toàn bộ số tiền chúng ta đang có mà còn chưa tiêu hết, thì còn tiêu mới cái gì đây? 16 nghìn tỷ của ba chương trình mục tiêu quốc gia đến nay chưa phân bố đồng nào, 56 nghìn tỷ của địa phương cũng chưa phân bổ được đồng nào, chưa kể năm 2022 tới đây thế nào”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.
Nhấn mạnh, nếu không làm rõ vấn đề này, thì “Quốc hội chất vấn xong, ra nghị quyết rồi thì tình hình cũng như vậy thôi”. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu không nói chung chung là vướng mắc được, mà phải làm rõ. Bởi cũng thể chế này, nhưng năm 2020 giải ngân đạt đến 98%. “Việc này các bộ phải làm rõ, không để tình hình này tái diễn”, ông Huệ nói.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, thể chế liên quan đến đầu tư công đều đã đầy đủ, đã phân cấp đầy đủ cho địa phương, không còn gì lên tới Trung ương cả. Ngay cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý chung, không có giấy tờ gì, không gặp nhau.
Nguyên nhân chính là do ở khâu thực hiện, lập kế hoạch không sát, rồi địa phương, bộ, ngành thờ ơ, chưa làm hết trách nhiệm. “Chúng tôi có trách nhiệm là nể nang, không sát, cứ tổng hợp và đưa lên”, ông Dũng nói.