Tranh luận việc giáo viên, cán bộ y tế ra khỏi khu vực công, chuyển sang khu vực tư nhân
Tại phiên thảo luận tại hội trường sáng 27/10, nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm tình trạng đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế ra khỏi khu vực công, chuyển sang khu vực tư nhân. Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, đó là điều bình thường và cần có đánh giá chính xác hơn vấn đề này.
Tranh luận về việc giáo viên rời khỏi khu vực công thời gian qua, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, cho biết: Đội ngũ giáo viên có lực lượng hùng hậu là hơn 1,2 triệu giáo viên, trong tổng số hơn 1,7 triệu biên chế viên chức của nhà nước. Theo thống kê trong 2,5 năm qua, có 14.000 giáo viên, chủ yếu là giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông, rời khỏi khu vực công.
Theo đại biểu Giang, vấn đề này cần phải có đánh giá thực chất mới có giải pháp phù hợp. Theo tính toán, mỗi năm cứ 200 giáo viên thì sẽ có 1 người rời khỏi khu vực công. Điều quan trọng nhất phải đánh giá những người bỏ nghề có tiếp tục làm giáo viên hay không? Nếu giáo viên rời khu vực công sang khu vực tư và vẫn làm giáo viên là điều rất bình thường. Hiện nay đang thực hiện khuyến khích xã hội hóa giáo dục, nên giáo viên vẫn làm nghề ở khu vực công hay tư thì vẫn là phục vụ nhân dân và rất phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, tranh luận về nguyên nhân tình trạng nghỉ việc của nhân viên y tế. Bên cạnh nguyên nhân lương thấp, còn có nhiều nguyên nhân khác cần xem xét, phân tích, đánh giá. Đại biểu lấy ví dụ, tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có khoảng 9.000 bệnh nhân tới khám, 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú, các y, bác sĩ phải khám vài chục đến cả trăm bệnh nhân mỗi ngày, áp lực rất lớn, thậm chí chỉ đủ sức để quan tâm đến căn bệnh chứ không phải người bệnh. Ở các trạm y tế xã phường, vốn đã ít nhân lực nhưng phải đảm trách nhiệm vụ các Chương trình mục tiêu quốc gia, vừa phải đi khắp nơi để lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, quản lý F0 và tiêm chủng. Áp lực công việc rất lớn nên dẫn đến tình trạng cán bộ, nhân viên y tế chuyển việc.
Đưa ra một số giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, đại biểu Thủy đề nghị Chính phủ cần cải thiện môi trường làm việc của ngành y; đồng thời đẩy mạnh công nghiệp dược và sản xuất vaccine để chúng ta có thể chủ động nguồn lực ngay từ trong nước mà không phải lệ thuộc vào nhập khẩu như hiện nay.