Tránh ngăn cấm, cản trở người lao động trở lại Hà Nội sau nghỉ lễ
Các chuyên gia Bộ Y tế cho rằng cần thông tin cụ thể, kịp thời chính xác đến các địa phương có người lao động làm việc ở các công ty có ca mắc Covid-19, tránh ngăn cấm, cản trở quay trở lại làm việc.
Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội chiều nay (30/4) họp phiên thứ 106 với các quận, huyện.
Phó giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh thông tin, theo kết quả xét nghiệm mới nhất của CDC TP, đến nay Hà Nội ghi nhận thêm 2 trường hợp mới và tại Hà Nam cũng có thêm 3 trường hợp. Như vậy nâng tổng số ca trong chùm ca bệnh lên đến 14 trường hợp.
Trường hợp 1 là nam, sinh năm 1994, quê quán Lô Giao, Việt Hùng, Đông Anh. Là công nhân làm việc tại công ty Vinco (Kim Chung, Đông Anh). Bệnh nhân là F1 của BN 2911, tiếp xúc ngày 26/4. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy 17 trường hợp F1 làm tại công ty BN làm việc.
Trường hợp 2 là nữ, sinh năm 1996, quê quán Lỗ Giao, Việt Hùng, Đông Anh. Làm việc tại công ty Panasonic (KCN Bắc Thăng Long, Đông Anh). Bệnh nhân là F1 của BN 2911, tiếp xúc ngày 26/4. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy có 33 trường hợp F1 (3 tại gia đình và 30 tại công ty BN làm việc).
Huyện Đông Anh đã lập 1 chốt cách ly khu vực nhà tập thể bệnh nhân sinh sống ở thôn Trung, xã Việt Hùng gồm 17 hộ gia đình với 73 người (52 người lớn, 21 trẻ em) và 14 chốt cách ly.
Tại Hà Nội đã có 3 trường hợp, trong đó 2 trường hợp từ F2 chuyển thành F0, 2 người này làm việc tại các KCN, tiếp xúc với nhiều người nên tình hình khá phức tạp. Dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới do đây là chùm ca bệnh có tốc độ lây lan nhanh trong thời gian tiếp xúc ngắn.
Lãnh đạo Sở Y tế lưu ý, các quận, huyện, thị xã đặc biệt huyện Đông Anh cần khẩn trương chỉ đạo thần tốc truy vết, tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm người liên quan và người có triệu chứng bệnh để lập tức cách ly và xét nghiệm.
Tạm thời thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với xã Việt Hùng và Chỉ thị 15 đối với xã Uy Nỗ.
PGS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Quản lý môi trường, Bộ Y tế đánh giá cao công tác phòng chống dịch của TP. Nêu một số kiến nghị, bà đề nghị TP tiếp tục khẩn trương truy vết xác định trường hợp tiếp xúc gần tại 2 công ty thông qua quản lý ca làm việc, camera tại các vị trí công cộng.
Nêu kinh nghiệm từ công ty Samsung ở Bắc Ninh, bà Hương phân tích, ngoài việc tiếp xúc ở phân xưởng, người lao động tiếp xúc nhiều trong giờ ăn trưa, nghỉ giữa giờ.
Bộ trưởng Y tế có ý kiến chỉ đạo cần coi toàn bộ người lao động làm việc cùng phân xưởng với ca bệnh là F1, lý do hầu hết tại các công ty điện tử đều sử dụng điều hòa trung tâm cho nên dễ xảy ra lây nhiễm. Thông báo ngay cho các tỉnh có người lao động để kịp thời cách ly, truy vết, khoanh vùng.
Bà lưu ý, tránh các địa phương có người lao động làm việc tại công ty có trường hợp F0 ngăn cấm, cản trở quay trở lại Hà Nội làm việc. Đề nghị Sở TT&TT, sở ban ngành thông tin rõ ràng với các địa phương khác về danh sách người lao động có nguy cơ, các khu vực có dịch để tránh trường hợp như trên.
Còn chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế - PGS. Trần Đắc Phu cho rằng, mỗi đợt dịch lại có nhiều yếu tố khác hơn, phức tạp hơn.
Trong đó, lo ngại nguồn bệnh rất lớn từ các nước Đông Nam Á, tình hình ở Thái Lan, Campuchia, Lào, Malaysia đang rất căng thẳng và các chuyên gia quốc tế lo ngại chu kỳ dịch mới sẽ bùng phát ở Đông Nam Á.
Ông Phu cho rằng, sai lầm ở các quốc gia này là "nóng lòng" dỡ bỏ các biện pháp giãn cách và miễn dịch cộng đồng ở các nước này còn yếu.
Nhìn nhận về tình hình hiện tại của Hà Nội, ông Phu cho rằng “các tỉnh có ca bệnh thì Hà Nội có ca bệnh”, bởi đặc thù giao lưu quá lớn, luôn có người từ các địa phương về Hà Nội. Nguy cơ hiện nay rất cao vì dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhất là sau khi có bài học của Đà Nẵng năm ngoái.
Ông kiến nghị truy vết sớm các trường hợp F0, F1, F2, khoanh vùng theo điều tra dịch tễ, càng gọn càng tốt, tránh ảnh hưởng đến KT-XH. Hà Nội cần xét nghiệm diện rộng, cụ thể là xét nghiệm toàn bộ thôn có ca bệnh ở Đông Anh, bên cạnh đó xét nghiệm người có biểu hiện nghi nhiễm bệnh như sốt, ho…