Tránh nghẽn mạng thanh toán dịp Tết Nguyên đán
Nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán được dự báo tăng mạnh vào thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp nhằm tránh nghẽn mạng khi giao dịch bằng các hình thức trực tuyến, cũng như chuẩn bị đủ tiền mặt cho máy ATM và các điểm giao dịch ngân hàng để phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp, người dân.
Nhu cầu thanh toán trực tuyến tăng nhanh
Những năm gần đây, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh. Năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 11 tỷ giao dịch, tăng gần 50% so với năm 2022. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 200 triệu tỷ đồng… Trong đó, thanh toán qua kênh internet đạt gần 2 tỷ giao dịch, với giá trị đạt trên 52 triệu tỷ đồng (tăng hơn 56% về số lượng và 5,8% về giá trị so với năm 2022); qua kênh điện thoại di động đạt hơn 7 tỷ giao dịch với giá trị đạt hơn 49 triệu tỷ đồng (tăng hơn 61% về số lượng và gần 12% về giá trị); qua phương thức QR code đạt gần 183 triệu giao dịch, với giá trị đạt hơn 116 nghìn tỷ đồng (tăng gần 172% về số lượng và hơn 74% về giá trị so với năm trước)...
Tính đến cuối tháng 12-2023, Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 51 tổ chức. Số lượng ví điện tử đang hoạt động là 36,23 triệu ví (chiếm 63,23% trong tổng số gần 57,31 triệu ví điện tử đã được kích hoạt), với tổng số tiền trên các ví này là khoảng 2,96 nghìn tỷ đồng. Sau 2 năm thí điểm, Mobile Money đã có mức tăng trưởng tốt. Tại thời điểm cuối năm 2023, số lượng tài khoản đăng ký gần 6 triệu, trong đó gần 70% là tài khoản đăng ký ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo. Tổng số lượng giao dịch đạt khoảng 47 triệu, tổng giá trị giao dịch trên 2,4 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù không có số liệu thống kê cụ thể, song đã thành thông lệ, dịp cuối năm dương lịch, Tết Nguyên đán, nhu cầu giao dịch, mua bán tăng nên việc thanh toán trực tuyến cũng nhiều hơn. Điều đó đòi hỏi ngân hàng và các tổ chức thanh toán phải sẵn sàng các phương án bảo đảm hoạt động thanh toán ổn định, thông suốt, an toàn. Theo đại diện nhiều ngân hàng thương mại và tổ chức trung gian thanh toán, trước xu hướng phát triển nhanh của thanh toán không dùng tiền mặt, các đơn vị đã ứng dụng công nghệ, bảo đảm an toàn, chất lượng dịch vụ ngày càng cao hơn, không chỉ riêng dịp cao điểm. So với nhiều năm trước, tình trạng nghẽn mạng giảm đáng kể nhờ công nghệ ngày càng tiên tiến. Việc xếp hàng rút tiền tại điểm ATM gần như không còn khi tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng cao. Bà Đàm Thu Trang (phường Định Công, quận Hoàng Mai) cho rằng, thanh toán không dùng tiền mặt đã hiện diện hằng ngày, thậm chí ở cả chợ dân sinh.
Kiểm tra, bảo trì hệ thống hạ tầng
Đối với hoạt động thanh toán trực tuyến trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng thông tin, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức cung ứng hạ tầng chuyển mạch kiểm tra, bảo trì hệ thống hạ tầng, kỹ thuật (máy móc, thiết bị, đường truyền...) và theo dõi, giám sát chặt chẽ để bảo đảm hoạt động chuyển mạch thẻ an toàn, thông suốt và ổn định. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin, thông báo về các chiến dịch tấn công mạng, các loại mã độc mới, cảnh báo lỗ hổng bảo mật; tắt các dịch vụ không cần thiết ngoài giờ giao dịch và trong kỳ nghỉ lễ.
Các ngân hàng thương mại cần thường xuyên đánh giá, rà soát, tối ưu hệ thống internet banking, mobile banking, hệ thống thanh toán thẻ, ATM, POS, hệ thống cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán..., hạ tầng kết nối thanh toán, quyết toán của các đơn vị khác. Bên cạnh đó, ngân hàng thương mại phải sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng cứu sự cố cho các hệ thống thông tin quan trọng; sao lưu dữ liệu, ứng dụng quan trọng theo quy định, bảo đảm việc phục hồi hoạt động bình thường trong mọi trường hợp; xử lý khi phát hiện tấn công mạng hoặc hệ thống quá tải...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1436/CĐ-TTg ngày 29-12-2023 về bảo đảm hoạt động thanh toán của hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo vận hành hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính bảo đảm hệ thống thanh toán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt 24/24 giờ và 7/7 ngày, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán, nhu cầu rút tiền mặt qua hệ thống ATM trước và trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Về việc bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiền mặt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ thường xuyên theo dõi diễn biến thu chi và tồn quỹ tiền mặt tại các chi nhánh tỉnh, thành phố để kịp thời điều chuyển, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt, kể cả trong trường hợp xảy ra đột biến. Cũng như mọi năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra một lượng tiền mới nhất định, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, nhưng không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết; thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ hợp lý, tiết kiệm; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động lập kế hoạch đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiền mặt, nhu cầu thanh toán của các đơn vị, tổ chức và cá nhân, bảo đảm các máy ATM hoạt động thông suốt.