Tránh nguy cơ suy thoái
Chính phủ Đức vừa điều chỉnh dự báo tăng trưởng tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu, theo đó nền kinh tế nước này dự kiến tránh được nguy cơ rơi vào suy thoái trong năm nay. Dự báo được điều chỉnh trong bối cảnh niềm tin kinh doanh tại Đức tiếp tục tăng trong tháng 1-2023, tháng tăng thứ 4 liên tiếp và cuộc khủng hoảng năng lượng có xu hướng hạ nhiệt.
Theo Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo, qua khảo sát khoảng 9.000 công ty, chỉ số niềm tin kinh doanh tháng 1-2023 đạt 90,2 điểm, tăng từ mức 88,6 điểm trong tháng 12-2022. Chỉ số này đã giảm nhiều tháng trong năm 2022 do cuộc chiến ở Ukraine và việc Nga giảm mạnh lượng khí đốt xuất khẩu khiến chi phí năng lượng và lương thực tăng vọt. Các biện pháp can thiệp của Chính phủ Đức nhằm hạn chế giá cả tăng vọt, cộng với thời tiết mùa đông ấm áp hơn và giá năng lượng giảm đã giúp kiềm chế được lạm phát
Theo báo cáo kinh tế thường niên của Chính phủ Đức, trong năm nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức dự kiến đạt tăng trưởng 0,2%, tăng so với mức dự báo sụt giảm 0,4% đưa ra hồi mùa thu năm ngoái. Lạm phát cũng được dự báo giảm từ mức 7% đưa ra trước đó xuống mức 6% trong bối cảnh giá năng lượng đã giảm.
Theo Bộ trưởng Kinh tế liên bang Robert Habeck, hiện không còn dấu hiệu suy thoái mà nhiều nhà quan sát trước đây cho là không thể tránh khỏi. Đức đã cho thấy khả năng chống chịu tốt với khủng hoảng và đã đạt những kết quả tốt trong lĩnh vực kinh tế, tránh được kịch bản bi quan trước đây do không đảm bảo được nguồn cung khí đốt. Chỉ số môi trường kinh doanh nước này cũng đã phục hồi. Đầu tư vào lĩnh vực thiết bị máy móc được dự báo tăng trưởng 3,3% trong năm 2023, tăng mạnh từ mức 2,5% của năm 2022. Tuy nhiên, bất chấp những dự báo được cải thiện, tăng trưởng xuất khẩu dự báo chỉ đạt 2,2% trong năm nay sau mức tăng 3,2% năm ngoái. Nhập khẩu được dự báo đạt tăng trưởng 1,6%.
Tuy đã có những tín hiệu lạc quan, nhưng một trong những thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Đức vẫn là cuộc chiến ở Ukraine, cùng hậu quả về kinh tế đi kèm, sức khỏe kinh tế toàn cầu yếu, cũng như vấn đề an ninh nguồn cung năng lượng. Do đó, giới chuyên gia kinh tế cho rằng Chính phủ Đức nên theo sát diễn biến từ các tác động trên, từ đó đưa ra các biện pháp điều chỉnh linh hoạt hơn.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tranh-nguy-co-suy-thoai-post677150.html