Tránh rơi vào bẫy phá hoại khối đại đoàn kết của thế lực thù địch
Có người từng ví lòng thiện như một mầm cây. Cây có thể mọc sai chỗ, nhưng thay vì vùi dập, ta nên mang đi trồng nơi phù hợp…
Thời gian qua mưa lũ ở Miền Trung chính là tâm điểm chú ý của người dân cả nước và bà con đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài. Cả nước đã dấy lên phong trào “nhà nhà đi cứu trợ, người người đi cứu trợ”, không chỉ nhiều người nổi tiếng vận động, quyên góp cứu trợ, mà nhiều tổ chức, cá nhân cũng quyên góp để đi cứu trợ bà con vùng lũ.
Bên cạnh những hình ảnh đẹp về việc cứu trợ vùng lũ, vừa qua đã lan truyền trên mạng xã hội một số hình ảnh bánh chưng bị bỏ lại bên đường, quần áo cũ vứt chất đống không ai mặc đang gây xôn xao dư luận...
Điều đáng nói là lợi dụng sự việc này, một số đối tượng đã “mượn gió bẻ măng”, suy diễn, xuyên tạc hòng phá hoại tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của người dân Việt Nam. Chúng lấy danh nghĩa những tổ chức, cá nhân tham gia cứu trợ “like” (thích), “share” (chia sẻ), “comment” (bình luận) với các cụm từ có lời lẽ khó nghe, mang tính chia rẽ như: “Xót xa cho những mạnh thường quân ngày đêm soạn quần áo, xót xa cho những bộ đồ vứt ngổn ngang”, “Không nên gửi mì gói”, “Không nên gửi bánh chưng”. Rồi những lời trách móc như “được voi đòi tiên“, ”có ăn là mừng rồi còn đòi hỏi”…
Từ những chia sẻ, bình luận trên không gian mạng đã tạo nên không ít các luồng dư luận trái chiều, một số người cho rằng không nên dùng bánh chưng để đi cứu trợ nữa vì lũ lụt người dân không có nơi để bảo quản, một số ý kiến lại cho rằng bà con nơi đây đang quá đòi hỏi…
Là chủ nhiệm Câu lạc bộ T36 Vì Cộng đồng thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện, nhất là trong đợt mưa lũ ở Miền Trung vừa qua, chị Phạm Thị Yến đã tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa như: Vận động, quyên góp chiếu, sách, vở, gạo, mì chính, dầu ăn, nước mắm, bột canh, nước khoáng, quần áo cũ; nấu bánh chưng gửi đến bà con vùng lũ.
Trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội về người dân Miền Trung vứt bỏ đồ cứu trợ, chị chia sẻ: “Có đi vào vùng lũ mới thấy bà con trân trọng từng cái bánh chưng, từng chiếc quần, áo cũ thế nào. Có nhiều bà con đã bật khóc, vì nhiều ngày rồi toàn ăn mì tôm sống, nay mới được ăn một chiếc bánh chưng ấm bụng. Vậy nên đâu đó có bánh chưng để quên, những chiếc quần, áo cũ bị bỏ lại. Có thể do chúng ta đã chưa đưa đến nơi cần thiết hoặc bà con vùng đó không bị ngập nặng mà đồ cứu trợ quá nhiều, nên mọi người không dùng hết. Đừng nặng lời với bà con vùng lũ".
Chị Lê Minh Trang (TP Thanh Hóa) - một người cũng tích cực tham gia các hoạt động ủng hộ tiền cứu trợ đến bà con vùng lũ Miền Trung, chia sẻ: “Quan điểm của tôi là đừng trách nhau, bởi tình cảm thực sự trong lúc cấp thiết, người dân khắp nơi chỉ nghĩ đến việc cứu người ngay lập tức chứ không nghĩ xa. Đừng nói nhiều đến chi tiết nhỏ mà phụ lòng người có tâm”.