Tranh thủ mùa nước nổi, nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao ở Sóc Trăng

Mùa nước nổi người nông dân phần lớn không trồng lúa, một số hộ tận dụng nguồn nước lớn để khai thác hiệu quả thủy sản nước ngọt tự nhiên, nhiều hộ còn thực hiện nhiều mô hình sinh kế cho hiệu quả kinh tế cao.

Mùa nước nổi, tại Thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng do có địa hình trũng, thấp nên vào các tháng từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm, tức sau khi kết thúc vụ lúa Hè Thu thường có nước lên ngập tràn đồng. Vào thời gian này, người nông dân phần lớn không trồng lúa, một số hộ tận dụng nguồn nước lớn để khai thác hiệu quả thủy sản nước ngọt tự nhiên, nhiều hộ còn thực hiện nhiều mô hình sinh kế cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi cá kết hợp chăn nuôi vịt trên đồng ruộng ngập nước

Mô hình nuôi cá kết hợp chăn nuôi vịt trên đồng ruộng ngập nước

Năm nay, ông Lê Văn Ít, ở ấp Tân Trung, xã Long Bình tiếp tục đầu tư lưới bao xung quanh ruộng lúa đã thu hoạch để thực hiện mô hình nuôi cá đăng quầng. Ông nuôi trên diện tích khoảng 3ha. 2 năm trước, tận dụng lợi thế nước lên ngập tràn đồng, ông cũng làm mô hình này kết hợp bắt ốc, nuôi vịt cho thu nhập cũng trên dưới 100 triệu đồng.

“Bữa trước khi thấy nước lên mình thả cá ra ruộng luôn, giờ cá đang phát triển tốt. Nuôi cá đăng quầng cần ít tiền vốn đầu tư khoảng mấy chục triệu đồng, nhưng tới thu hoạch là có lãi hơn 50%. Trong vuông còn có thể bắt ốc và nhiều việc để làm có thu nhập như nuôi vịt…Nếu tính ra thu nhập từ làm lúa thua xa nuôi cá, vù làm lúa 1 công lời khoảng 1 triệu đồng, như đợt rồi gia đình có 30 công lúa bán được 110 triệu đồng, lời có 50 triệu đồng vì chi phí đã hết 60 triệu đồng”, ông Ít cho hay.

Nuôi cá đăng quầng mùa nước lên ở thị xã Ngã Năm khá phổ biến. Theo nông dân địa phương, đây là mô hình vốn đầu tư ít, dễ thực hiện nhưng lợi nhuận cao. Bà con chỉ cần bao lưới xung quanh ruộng lúa để bảo quản cá đồng. Trong khi thức ăn của cá đều tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên tại ruộng.

Ông Lê Văn Ít thực hiện thành công mô hình nuôi cá đăng quầng nhiều năm liền

Ông Lê Văn Ít thực hiện thành công mô hình nuôi cá đăng quầng nhiều năm liền

Ông Huỳnh Văn Dần, ở khóm 3, phường 1, thị xã Ngã Năm - một trong những hộ nuôi cá đăng quầng gần 4ha trong ruộng lúa của gia đình chia sẻ, với diện tích này, ông hy vọng thu về trên 100 triệu đồng trong vụ nuôi này.

“Gia đình nuôi cá đăng quầng cũng 2-3 năm, thấy hiệu quả hơn làm ruộng vì cá nuôi không phải chăm sóc. Mùa nước nổi, nước lên nhiều nên cá phát triển rất tốt. Mấy năm trước nuôi cá theo mô hình này cho lợi nhuận cũng khá, năm nay mở rộng thêm diện tích, cá phát triển mạnh, cá mè hoa đạt 3-4kg/con, mấy năm trước trừ chi phí thu về cũng 60-80 triệu đồng”, ông kể.

Thị xã Ngã Năm có diện tích sản xuất lúa trên 18.500ha, do có địa hình vùng trũng, thấp nên địa phương chỉ làm 2 vụ lúa chính trong năm, gồm vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu. Đối với vụ Thu Đông (từ tháng 7 đến tháng 11), cánh đồng ở Ngã Năm phần lớn đều ngập nước nên bà con không trồng lúa mà để khai thác nguồn lợi từ cá đồng tự nhiên, như mô hình nuôi cá đăng quầng, cá lúa, mô hình nuôi cá trong ô bao khép kín… Cách làm này không chỉ giúp bà con có thu nhập cao mà còn giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, giảm chi phí phân bón cho mùa vụ lúa tiếp theo, góp phần hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sự dồi dào của cá đồng tự nhiên còn giúp bà con ở địa phương phát triển mạnh về nghề sản xuất mắm, khô, nghề đan lưới... Như cơ sở sản xuất mắm cá đồng của anh Trần Văn Loan ở khóm Tân Trung, Phường 2, thị xã Ngã Năm. Theo anh Loan, cao điểm từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm, cơ sở anh sẽ vào mùa sản xuất mắm cá đồng, với sản lượng khoảng 100 tấn mắm, chủ yếu là mắm cá sặc và cá rô để cung ứng ra thị trường. Mỗi vụ anh kiếm lời khoảng 200 triệu đồng.

“Cơ sở làm mắm hoạt động cao điểm từ khoảng tháng 7 đến cuối tháng 10 Âm lịch. Khi nước về cũng là thời điểm người dân làm xong vụ lúa, để đất nghỉ ngơi và tranh thủ nuôi cá. Cơ sở chế biến đang tạo công ăn việc làm cho 15 - 20 bà con, giúp họ có thêm thu nhập”, anh Loan cho biết.

Nghề làm mắm cá đồng ở Thị xã Ngã Năm

Nghề làm mắm cá đồng ở Thị xã Ngã Năm

Mỗi năm, ước tính Thị xã Ngã Năm khai thác từ 12.000-14.000 tấn cá đồng, mang lại nguồn thu nhập lớn cho bà con ở địa phương. Đối với các mô hình sinh kế như nuôi cá đăng quầng, cá lúa, mô hình nuôi cá trong ô bao khép kín… cho lợi nhuận bình quân từ 40-50 triệu đồng/ha.

Ông Trần Văn Liêm, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Ngã Năm cho biết, địa phương đang khuyến khích nông dân khai thác hiệu quả lợi thế này. “Thị xã vận động người dân trong công tác bảo quản, khai thác nguồn cá đồng làm sao hợp lý. Nhận thấy việc đánh bắt cá bằng xung điện đã ảnh hưởng lớn đến các mô hình nuôi cá đồng rất lớn, do đó trong thời gian tới, thị xã sẽ chỉ đạo có cơ chế bảo vệ cá đồng, đặc biệt là việc sử dụng xung điện trong quá trình đánh bắt thủy sản”, ông Liêm khẳng định.

Được biết hiện nay, Thị xã Ngã Năm còn chỉ đạo, tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm từ cá đồng như, khô, mắm,… nhằm nâng cao chuỗi giá trị các sản phẩm từ thủy sản nước ngọt này.

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tranh-thu-mua-nuoc-noi-nhieu-mo-hinh-kinh-te-cho-hieu-qua-cao-o-soc-trang-post1054492.vov