Tranh thủ tận dụng cơ hội mua hàng trực tuyến giá rẻ

Ngày nay, xu hướng bán lẻ được thúc đẩy bởi sự tiện lợi, đa dạng và phù hợp về giá. Thế nên nhiều tổ chức tài chính, công ty công nghệ tìm cách mở rộng danh mục với một loạt dòng sản phẩm/dịch vụ, thang giá hay tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ cao cấp để bán trực tuyến giá rẻ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong diễn đàn về M&A được tổ chức tại TP.HCM mới đây, giới chuyên môn nhận định trong thời gian tới sẽ có nhiều hoạt động M&A hơn trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, đặc biệt với các nhà bán lẻ truyền thống thâu tóm các nền tảng thương mại hay các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách thúc đẩy sự tăng trưởng của họ tại Việt Nam.

Và thực tế, điều này đã cháy âm ỉ từ một hai năm trở lại đây. Những thí dụ được nêu tại diễn đàn vô cùng sống động chứng minh cho sự xâm lấn ngày càng sâu của khối ngoại vào lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam. Đơn cử, Tập đoàn Central Group mua lại 49% cổ phần của Nguyễn Kim, sau đó, liên doanh này thâu tóm nền tảng thương mại điện tử Zalora để mở rộng thị phần bán lẻ trực tuyến.

Hay cách đây không lâu, nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc JD.com cũng đã công bố khoản đầu tư chiến lược vào Tiki, nền tảng thương mại điện tử B2C (trực tiếp từ doanh nghiệp đến khách hàng). JD thì ký thỏa thuận trở thành nhà đồng đầu tư cho Tiki trong vòng gọi vốn tài chính Series C. Theo đó, khi hoàn tất thương vụ, JD sẽ trở thành một trong những chủ sở hữu cổ phần lớn nhất tại Tiki.

Cũng ở một thời điểm cách thương vụ Tiki không xa, Tập đoàn Scroll đến từ Nhật Bản đã không ngần ngại đầu tư mua lại 26,9% cổ phần của Công ty Cát Đông, đơn vị sở hữu website Cungmua.com, Nhommua.com, Shipto.vn. Cụ thể, Scroll sẽ giúp Cát Đông phân phối tour du lịch, hàng hóa xuất xứ từ Nhật Bản và các sản phẩm mang thương hiệu riêng của Scroll.

Ngoài ra, Scroll sẽ cung cấp các giải pháp trong kinh doanh, hỗ trợ hậu cần, kho bãi, mở rộng kênh bán hàng... để Cát Đông đẩy mạnh chiến lược. Năm 2017, Tập đoàn Viễn thông Telenor của Na Uy cũng thâu tóm hoàn toàn Chợ Tốt - trang rao vặt trực tuyến với hơn 1 tỷ lượt xem mỗi tháng - để thâm nhập sâu hơn vào thị trường bán lẻ trực tuyến của Việt Nam…

Không dừng lại ở đó, giới chuyên môn khẳng định tới đây, dự kiến sẽ còn rất nhiều nhà đầu tư ngoại tiếp tục đổ vốn vào các kênh bán lẻ hiện đại này tại Việt Nam.

Trước sự thay đổi chóng mặt của việc mua sắm trực tuyến, các tổ chức tài chính, công ty công nghệ trong nước cũng nhanh chóng tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ mua sắm, tạo ra một nền tảng trực tuyến mua sắm tốt nhất cho người tiêu dùng hiện tại và tương lai. Không chỉ vậy, các đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán không ngừng khuyến mãi, tặng quà, tặng tiền, hoàn tiền để khuyến khích người tiêu dùng làm quen với hình thức mua sắm mới.

Đơn cử, nếu người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến như ViettelPay thì các giao dịch như nạp/rút/chuyển tiền trực tuyến, chuyển tiền liên ngân hàng, qua số điện thoại, chuyển tận tay tại nhà… chỉ được tính trong vòng “vài nốt nhạc”. Hơn thế nữa, khi đăng ký sử dụng ViettelPay, người tiêu dùng còn được miễn phí hoàn toàn các giao dịch chuyển tiền theo tài khoản ngân hàng, theo số thẻ, số điện thoại.

Hay một trong những hình thức thanh toán trên di động đang được rất nhiều nhà cung cấp đặc biệt quan tâm là QR Pay – thanh toán bằng cách quét QR code. Để khuyến khích người dùng sử dụng dịch vụ thanh toán này, phần lớn các ngân hàng đều có chương trình khuyến mãi là miễn phí cài đặt, tặng tiền khi cài đặt, hoàn tiền khi thanh toán lần đầu tiên…

Như vậy, người dùng vô cùng có lợi khi sử dụng hình thức QR Code để thanh toán điện tử thay vì chỉ dùng để quét ra thông tin về website, số điện thoại, địa chỉ của doanh nghiệp như trước đây. Người tiêu dùng có thể mua hàng trên website, shopping tại các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích mà không cần dùng tiền mặt, thẻ ATM hay thẻ Visa, MasterCard.

Nhìn chung, các tổ chức tài chính đều đang rất nỗ lực cung cấp những hình thức thanh toán đơn giản nhất có thể cho người tiêu dùng dễ dàng sử dụng. Theo đó, cùng với sự triển khai đại trà, nhanh chóng của thương mại điện tử thì người tiêu dùng cũng nên có những cập nhật nhanh nhất về cách thức thanh toán để không nằm ngoài xu thế phát triển chung của toàn cầu.

Chính sự phát triển như vũ bão của các loại hình giao dịch thanh toán trực tuyến buộc người tiêu dùng phải nhìn lại cách thanh toán cũ kỹ bằng tiền mặt của mình. Bởi, nếu chỉ dùng tiền mặt là hình thức thanh toán chủ yếu trong cuộc sống thì chứng tỏ người đó không những đi lùi với sự phát triển chung của thế giới mà còn đánh mất rất nhiều cơ hội tiết kiệm tài chính cá nhân.

Chính vì vậy, giới chuyên môn mới nhận định rằng, nhu cầu chuyển đổi sang thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam ngày càng trở nên cấp thiết. Và việc tận dụng được lợi thế mua sắm mới kết hợp với các giải pháp tài chính hiện đại giúp người tiêu dùng tiết kiệm được nhiều chi phí hơn…

Triều Anh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tranh-thu-tan-dung-co-hoi-mua-hang-truc-tuyen-gia-re-91322.html