Tranh thủ thời cơ, quyết tâm đạt mức tăng trưởng kinh tế 8% năm 2025
Sáng 21/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ trực tuyến với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được truyền trực tuyến tới điểm cầu trụ sở Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện Kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế (Ảnh: TRẦN HẢI).
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, diễn ra các sự kiện trọng đại của đất nước: kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 50 Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước; 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; 80 năm Ngày truyền thống Lực lượng Công an nhân dân; 80 năm Ngày thành lập nước…. Bên cạnh đó, phải tiếp tục hoàn thiện việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW; hoàn thành các mục tiêu của Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra; tổ chức thực hiện hiệu quả, thành công đại hội đảng bộ các cấp; phấn đấu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra là đạt 2 mục tiêu chiến lược phát triển 100 năm: đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 là nước phát triển có thu nhập cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Hội nghị (Ảnh: TRẦN HẢI).
Đến năm 2030 chỉ còn 5 năm, đến năm 2045 chỉ còn 20 năm, do đó nếu chúng ta không chuẩn bị, không tạo đà, tạo lực, tạo khí thế thì không thể đạt các mục tiêu này. Muốn vậy, mục tiêu tăng trưởng là mục tiêu quan trọng nhất để góp phần thực hiện được 2 mục tiêu phát triển 100 năm, quyết định quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, xếp hạng của nền kinh tế Việt Nam trên thế giới.
Thời gian chỉ còn 2 thập kỷ, vì vậy, chúng ta phải duy trì đà tăng trưởng cao, bền vững, liên tục, thực hiện khát vọng xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc. Chỉ có như vậy mới vượt qua bẫy thu nhập trung bình thấp.

Lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh: TRẦN HẢI).
Chính phủ đã đề xuất Trung ương, Bộ Chính trị là tăng trưởng năm 2025 này phải đạt tăng trưởng 8%, chuẩn bị cho những năm tới tăng trưởng 2 con số. Trên cơ sở đó, Trung ương đã đồng ý và ban hành Kết luận 123-KL/TW ngày 24/1/2025, Nghị quyết 25/NQ-CP của Chính phủ đã giao chỉ tiêu tăng trưởng cho các bộ, ngành, địa phương; Chính phủ đã trình Quốc hội và thông qua mục tiêu tăng trưởng mới 8%. Như vậy, "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Thủ tướng cho biết, kinh nghiệm quốc tế và thống kê mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cho thấy, từ năm 1990 đến nay, chỉ có 34 nền kinh tế thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước có thu nhập cao, trong khi có 108 nước chưa vượt qua được.

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: TRẦN HẢI).
Trong khi đó, kết thúc năm 2024, quy mô nền kinh tế Việt Nam mới đạt hơn 470 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người mới đạt hơn 4.700 USD; nếu chỉ tăng trưởng bình quân 7%/năm thì Việt Nam khó đạt mục tiêu nói trên.
Nhìn chung các nền kinh tế trở thành nước thu nhập cao đều duy trì mức tăng trưởng trên dưới 10% trong vòng khoảng 30 năm: Nhật Bản tăng trưởng 11,5%/năm giai đoạn 1951-1973; Hàn Quốc tăng trưởng trên 9,6%/năm từ 1963-1996; Trung Quốc tăng trưởng khoảng 10%/năm giai đoạn 1978-2011; Đài Loan (Trung Quốc) tăng trưởng 8,9/năm giai đoạn 1952-1989; Singapore tăng trưởng 8,5%/năm giai đoạn 1961-1997. Từ đó, chúng ta thấy chặng đường phía trước của Việt Nam còn rất nhiều khó khăn, gian lao. Theo tính toán, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 6,4% trong gần 40 năm Đổi mới (từ năm 1986 đến nay), vì vậy giai đoạn tới phải tăng tốc hơn nữa mới đạt mục tiêu chiến lược đề ra đến năm 2045.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương báo cáo tại Hội nghị (Ảnh: TRẦN HẢI).
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, rất khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Muốn cả nước tăng trưởng trên 8% thì tất cả các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân đều phải đạt tăng trưởng trên 8% chứ không thể chỉ một vài bộ, ngành, doanh nghiệp tăng trưởng.
Bên cạnh tăng trưởng cao, chúng ta phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, giữ môi trường bền vững “sáng, xanh, sạch, đẹp” cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Do đó có rất nhiều việc phải làm, nỗ lực lớn; “không làm thì không được”. Phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; trong đó cần giảm chỉ số ICOR xuống vì hiện nay chỉ số này còn cao, thể hiện hiệu quả đầu tư còn thấp; phải tăng cường giải ngân vốn đầu tư công vì đây là một trong những động lực tăng trưởng. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần phải tập trung cải thiện tỷ lệ này.

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh: TRẦN HẢI).
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là thời điểm phải tăng tốc, bứt phá, về đích; tận dụng mọi thời cơ để đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, bay xa, vươn cao. Hiện nay, bên cạnh khó khăn, thách thức, tình hình thế giới đang thay đổi nhanh thì vẫn có thời cơ, thuận lợi cho Việt Nam thời cơ, vấn đề là phải biết biến khó khăn, thách thức thành thời cơ, thuận lợi; càng khó khăn, thách thức, càng phải có động lực, nỗ lực hơn. Chúng ta còn phải làm mới lại các động lực tăng trưởng cũ như đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới là kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm; tích cực khai không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm. Muốn vậy phải có nguồn lực về thể chế, vốn, công nghệ, con người.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu cần suy nghĩ, hiến kế để để khai thác các động lực tăng trưởng ở các bộ, ngành, địa phương; cần phân tích bối cảnh thế giới, khu vực, trong nước để xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, điểm tựa, đòn bẩy để thực hiện tốt; coi trọng thời gian, trí tuệ, sự quyết đoán đúng thời điểm mang tính quyết định cho thành công.
Sau khi nghe lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành tham luận, kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quyết tâm nỗ lực đạt mức tăng trưởng 8% năm 2025 với tinh thần "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Các bộ, ngành, địa phương cũng phải giao nhiệm vụ thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng cho cấp dưới trực thuộc; các doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài cũng phải bảo đảm tăng trưởng.
Thủ tướng nêu rõ, năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn nỗ lực, đạt mức tăng trưởng trên 7%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh... qua đây chúng ta thấy đủ tự tin đủ điều kiện, năng lực để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế tăng trưởng 2 con số trong những năm tới. Điều này thể hiện sự quyết tâm lớn trong toàn Đảng, toàn dân.
Thủ tướng cũng lưu ý không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tiếp tục nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, đưa đất nước vươn tầm trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng yêu cầu phải đổi mới tư duy vì nguồn lực bắt nguồn tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp. Tiếp tục đổi mới cách nghĩ, cách làm; nêu cao tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, ý chí, càng khó khăn, thách thức càng quyết tâm; vượt qua giới hạn chính mình; tiếp tục đổi mới tư duy, cách quản lý kinh tế. Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ chốt, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để lãnh đạo, chỉ đạo. Phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Nắm chắc tình hình, nâng cao năng lực dự báo, phân tích đúng xu hướng để xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm “đúng, trúng”, không đầu tư dàn trải. Các bộ, ngành phải rà soát, tập trung cho các dự án lớn, mang tính đòn bẩy, điểm tựa; phát huy tinh thần trách nhiệm dám nghĩ, dám làm, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là các vấn đề có tính liên vùng.
Phát huy vai trò các vùng động lực, các cực tăng trưởng; phát triển bền vững, giữ vững thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ chữ tín trong kinh doanh, không được say sưa với thắng lợi. Phải quy hoạch ngay các vùng nguyên liệu, đầu tư khoa học công nghệ, vốn, nâng cao chất lượng. Thủ tướng chỉ rõ, nếu Hà Nội tăng trưởng 1% sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP cho cả nước 0,11-0,13%, Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng 1% sẽ đóng góp cho tăng trưởng cả nước 0,15-0,17%.
Về các nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện quyết liệt, tổ chức bài bản, kế hoạch, giao chỉ tiêu cho cấp dưới cụ thể để thực hiện Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để đạt tăng trưởng 8% trở lên, nhất là Nghị quyết 57-NQ/TW; vận dụng sáng tạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội hiệu quả; đẩy mạnh việc thực hiện chỉ tiêu tăng năng suất lao động, năng suất tổng hợp.
Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải xác định rõ nhiệm vụ trong từng giai đoạn; tiếp tục hoàn thiện thể chế, xác định thể chế là "đột phá của đột phá"; bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả; giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm; thực hiện thể chế thông thoáng, thí điểm các cơ chế, chính sách vượt trội, nhân rộng các cơ chế, chính sách đã hiệu quả…
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực tiếp phụ trách vấn đề sửa đổi các vướng mắc liên quan thể chế; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu). Theo đó, về đầu tư, đẩy mạnh đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, chú trọng huy động nguồn lực đầu tư xã hội. Năm 2025 phải hoàn thành mục tiêu đầu tư 3.000 km đường cao tốc và 1.000km đường ven biển; hoàn thành cơ bản Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất, các cảng biển; khai thác không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ; tăng cường thu hút đầu tư FDI, nhất là đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng; chú trọng phát triển kinh tế tư nhân.
Về tiêu dùng, Thủ tướng yêu cầu phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng; yêu cầu ngành Ngân hàng có chính sách tiền tệ phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, kiểm soát việc tăng lãi suất ngân hàng, dứt khoát không được tăng lãi suất nếu không có sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Đối với chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu phải giảm thuế, phí, lệ phí, khuyến khích đầu tư; thúc đẩy phát triển du lịch, có chính sách visa phù hợp, thuận lợi để thu hút khách du lịch, các chuyên gia giỏi. Về xuất khẩu, thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững với các đối tác lớn; chủ động đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; tiếp tục ký kết các hiệp định thương mại với các khu vực Trung Đông, châu Phi, thị trường Halal; giải quyết các tranh chấp thương mại, thúc đẩy phát triển dịch vụ ngân hàng, logistics.
Về các động lực tăng trưởng mới, Thủ tướng yêu cầu tập trung cơ cấu lại mô hình tăng trưởng; tổ chức thực hiện quyết liệt, quan hệ Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW; khẩn trương hướng dẫn tập trung triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về các chính sách thí điểm mới, đột phá. Thúc đẩy các ngành mới nổi như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), quang điện tử, internet vạn vật, sinh học, công nghiệp văn hóa, giải trí…; xây dựng cơ chế, chính sách khai thác không gian ngầm, không gian vũ trụ, không gian biển. Thúc đẩy các dự án chuyển đổi xanh; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, dự án…
Bộ Tài chính kịp thời triển khai Nghị định 182/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư. Các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tài chính tháo gỡ vướng mắc về bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, sớm nâng hạng thị trường chứng khoán, thu hút dòng vốn quốc tế, đặc biệt thúc đẩy hai trung tâm tài chính quốc tế và khu vực; Bộ Công thương không được để thiếu năng lượng, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự án công nghiệp, sớm ban hành Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh trong tháng 2 này; thực hiện tốt giải ngân đầu tư công, đạt tỷ lệ ít nhất 95%. Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là xóa nhà tạm, nhà dột nát; phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/post-860950.html